Đối thoại Shangri-La 2017: Tại sao Mỹ cử Bộ trưởng BQP tham dự còn TQ chỉ cử tướng 2 sao?

Thủy Thu |

Các nước lớn tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay như Mỹ, Pháp đều cử Bộ trưởng BQP tới diễn đàn thì Trung Quốc chỉ cử đại diện không có vị trí quan trọng trong chính phủ.

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 2/6 cho biết, Bắc Kinh đã cử Trung tướng Hà Lôi - Viện Phó Viện Khoa học Quân sự dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) được tổ chức tại Singapore từ ngày 2-4/6/2017.

Đáng chú ý, trong khi các nước lớn tham gia đối thoại như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản đều cử Bộ trưởng Quốc phòng tới diễn đàn thì Trung Quốc lại chỉ cử đại diện với "cấp bậc thấp" và không có vị trí quan trọng trong chính phủ.

Nguyên nhân do đâu?

Đối thoại Shangri-La 2017: Tại sao Mỹ cử Bộ trưởng BQP tham dự còn TQ chỉ cử tướng 2 sao? - Ảnh 1.

Ông Lương Quốc Liệt tham dự Đối thoại Shangri-La 2011. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo The Diplomat (Nhật Bản), Shangri-La - một diễn đàn an ninh uy tín từ lâu đã thu hút sự chú của các quan chức cấp cao đến từ các nước, bao gồm sự hiện diện thường xuyên của các Bộ trưởng Quốc phòng.

Về phía Trung Quốc, năm 2011, nước này đã cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lương Quang Liệt tới tham dự Đối thoại Shangri-La (SLD) ở Singapore.

Báo Nhật nhận định, động thái của Trung Quốc vào năm 2011 đã dấy lên hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho xu hướng mới về sự hiện diện của đội ngũ đại biểu cấp cao của Bắc Kinh trong cuộc đối thoại an ninh hàng năm.

Nhưng hy vọng đó đã nhanh chóng tan biến bởi sang năm 2012, Trung tướng Nhậm Hải Tuyền - Viện phó Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc được cử tới tham sự diễn đàn.

Sau đó, từ năm 2013 đến năm 2016, dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La thường là một quan chức cấp phó thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo đó, năm 2013 là Phó tham mưu trưởng PLA Thích Kiến Quốc, năm 2014 là Phó tham mưu trưởng PLA Vương Kiến Trung, năm 2015 và 2016 là Phó Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu Tôn Kiến Quốc - người được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo lực lượng hải quân Trung Quốc.

Điều này có nghĩa rằng, so với tiêu chuẩn của ngay cả Trung Quốc thì việc đại diện nước này tham dự Đối thoại Shangri-La năm nay vẫn mang cấp bậc thấp hơn, The Diplomat bình luận.

Một số ý kiến cho rằng, động thái này cho thấy Bắc Kinh ngày càng lạnh nhạt trước vai trò quan trọng của mình tại Đối thoại Shangri-La.

Bởi ví như vào hội nghị năm 2011, ông Lương Quang Liệt đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích của các nước liên quan về thái độ ứng xử của Trung Quốc trên vấn đề biển Đông. Do đó, tránh trường hợp tương tự sang năm sau, Bắc Kinh quyết định hạ cấp quan chức tham gia.

Đối thoại Shangri-La 2017: Tại sao Mỹ cử Bộ trưởng BQP tham dự còn TQ chỉ cử tướng 2 sao? - Ảnh 2.

Trung tướng Hà Lôi (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen gặp mặt tại Singapore hôm 2/6. Ảnh: Tân Hoa Xã

The Diplomat nhận định thêm, sự xuất hiện duy nhất một lần của ông Lương đã cho thấy thâm ý của Bắc Kinh. Đó chính là việc, nước này không muốn thảo luận về các tranh chấp trên biển tại các hội nghị đa phương mà muốn nhấn mạnh vào các cuộc thương lượng song phương.

Tuy nhiên do biển Đông đã trở thành một chủ đề thường niên tại Shangri-La và Trung Quốc, phần lớn do sự không hài lòng nên nước này có ít ảnh hưởng tới các chương trình nghị sự. Điều đó có nghĩa mỗi năm, dù Bắc Kinh cử đại diện nào tới Shangri-La, cũng sẽ phải đối mặt với loạt câu hỏi về vấn đề mà Trung Nam Hải không thích thảo luận công khai tại sự kiện đa phương.

Do đó, Trung Quốc chọn cách thúc đẩy đối thoại an ninh riêng: Diễn đàn Hương Sơn được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa thu tại Bắc Kinh kể từ năm 2014; trước đó từ 2006-2012, tổ chức hai năm một lần.

Đặc biệt, với vai trò đăng cai hội nghị cho phép Bắc Kinh quyết định chủ đề nào được nhấn mạnh và chủ đề nào bị gạt bỏ.

Trong khi đó, trang NHK (Nhật Bản) cho rằng, việc Trung Quốc chỉ cử Viện phó Viện Khoa học quân sự, Trung tướng Hà Lôi tham dự Đối thoại Shangri-La lần này có thể xuất phát từ nguyên nhân PLA đang trong quá trình cải cách cấu trúc, điều chỉnh nhân sự, khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc cử đại biểu tham dự.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) dẫn lời một số nhà phân tích quân sự Trung Quốc lý giải, các lãnh đạo PLA đang "bận rộn" vì phải dồn sức giải quyết các vấn đề đối nội.

"Năm nay có rất nhiều sự kiện lớn, như kỷ niệm 90 năm ngày thành lập PLA, trong khi tiến trình cải cách quân đội đang tiến hành khẩn trương khiến các lãnh đạo bận rộn hơn", một nguồn tin nói với SCMP.

Trước đó hôm 1/6, trong cuộc họp báo thường ngày của Bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên bộ này đã phủ nhận câu hỏi từ cánh phóng viên khi có ý thắc mắc rằng, "đây có thể là biểu hiện của sự lạnh nhạt trong quan hệ Trung Quốc - Singapore bởi tại Diễn đàn Vành đai và con đường hồi tháng 5 tổ chức tại Bắc Kinh, Singapore cũng không cử đại diện cấp cao tham dự.

"Năm nay, một lãnh đạo Viện Khoa học quân sự Trung Quốc sẽ đần đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị. Đây là quyết định dựa trên yêu cầu công việc, không liên quan tới mối quan hệ Trung Quốc - Singapore", bà Hoa nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại