Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hulusi Akar trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Haber Turk đã cho biết các hệ thống S-400 có thể không kịp chuyển giao trong tháng 6 như dự kiến.
Ông Akar nói thêm: "Trong khuôn khổ hợp đồng có một số chi tiết về thỏa thuận mà chúng tôi đã thực hiện liên quan việc việc cung ứng các hệ thống S-400. Các cơ quan và tổ chức có liên quan đang tiếp tục đàm phán về những chi tiết này".
Nhận định về tuyên bố trên, trang Bloomberg cho rằng có thể đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn kéo dài thương vụ S-400 do sức ép của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hứng chịu quá nhiều thiệt hại về cả kinh tế lẫn quốc phòng nếu cố gắng theo đuổi thương vụ S-400, điều này khiến Ankara cảm thấy khó lòng mang ra đánh đổi với lợi ích mà S-400 mang lại.
Về phía Nga, có lẽ tại thời điểm này họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một số phương án nhằm đối phó với viễn cảnh Ankara chính thức đưa ra lời tuyên bố của mình.
Thiệt hại mà Moskva phải gánh chịu có lẽ cũng không quá lớn khi Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chuyển một phần tiền đặt cọc, mặc dù có nhận định khác lại cho rằng đó thực chất cũng vẫn chỉ là tín dụng của Nga.
Tuy nhiên mối quan tâm lớn nhất của Moskva vào lúc này theo đánh giá từ giới quan sát chính là phải làm sao với món "hàng ế" trên, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra.
Đơn giản nhất là Nga sẽ biên chế các tổ hợp S-400 này vào trong lực lượng phòng không của mình, nhưng nếu làm vậy họ sẽ mất phần giá trị gia tăng do vũ khí xuất khẩu thường được bán với giá cao hơn nhiều sản phẩm sử dụng nội bộ.
Bởi vậy có lẽ phương án tối ưu chính là Moskva tìm cách nhượng lại tổ hợp S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ dự định đặt mua cho một đối tác thân thiết về quốc phòng khác.
Ứng viên sáng giá nhất được liệt kê ra đây chính là Ấn Độ, khi New Delhi cũng đã ký hợp đồng đặt mua vài hệ thống S-400 vào năm ngoái, vị thế của quốc gia Nam Á này khiến Mỹ rất khó gây sức ép chính trị.
Ấn Độ cũng đang rất mong muốn sớm được tiếp nhận vũ khí phòng không tối tân này nhằm tránh việc bị tụt hậu lại so với Trung Quốc, khi nước láng giềng hùng mạnh đã đưa S-400 vào trực chiến.
S-400 cũng sẽ phát huy tác dụng rất tốt nếu lại xảy ra một vụ đụng độ giữa không quân Ấn Độ và Pakistan trên đường phân giới LoC ở cao nguyên Kashmir, New Delhi khi đó sẽ toàn quyền kiểm soát bầu trời.
Ngoài Ấn Độ, đối tác thứ hai đóng vai trò dự bị có khả năng sẽ là lực lượng vũ trang Algeria, một đối tác quan trọng khác về hợp tác quân sự của Nga ở khu vực Bắc Phi.
Algeria từ lâu đã bày tỏ mong muốn được sở hữu hệ thống tên lửa phòng không tầm xa rất tối tân này, tiềm lực tài chính của họ cho phép mua sắm với số lượng lớn trong thời gian ngắn.
Khi đã có sẵn phương án dự phòng, nếu trong những ngày tới Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố hủy hợp đồng đặt mua S-400 thì điều này chắc cũng không gây ảnh hưởng quá tiêu cực tới Nga.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-doi-tac-nao-se-tiep-quan-he-thong-s400-toi-tan-neu-tho-nhi-ky-tu-bo-hop-dong/812299.antd#p-15