Trước năm 1994, phụ nữ mang thai ở Ấn Độ có thể kiểm tra giới tính thai nhi. Việc này làm tăng số lượng vụ phá thai vì phần lớn gia đình đều muốn có con trai, nguyên nhân liên quan đến kinh tế.
Đổi cô dâu lấy phiếu bầu
Tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khiến nhiều đàn ông Ấn Độ, đặc biệt ở những vùng nông thôn, gian nan trên con đường kiếm vợ tại nơi họ sinh sống.
10 năm trước, ông Sadhuram Berwal, sống tại làng Sorkhi ở bang Haryana, muốn kết hôn nhưng không thể tìm được phụ nữ nào phù hợp ở quanh vùng dù đã cậy nhờ họ hàng lẫn hàng xóm.
Rốt cuộc, ông cũng lấy được vợ nhưng cô dâu lại sống tận bang Kerala, cách Haryana 2.700 km và nói một thứ tiếng hoàn toàn khác. Quyết định lấy vợ phương xa của ông Berwal khi đó khiến dân làng Sorkhi sửng sốt nhưng giờ đã phổ biến ở miền Bắc Ấn Độ.
Một số phụ nữ khác tại bang Kerala chịu lấy chồng tại bang Haryana cho biết quyết định của họ một phần là để tránh những đòi hỏi cao về của hồi môn.
Quá bế tắc trong việc cưới vợ, năm 2014, một số người đàn ông độc thân ở Haryana từng “ra giá” với các chính trị gia chạy đua trong một cuộc bầu cử: Lấy cô dâu để đổi phiếu bầu!
Đòi hỏi cao
Ở làng Sorkhi, cách thủ đô New Delhi chỉ 150 km, các chú trâu đủng đà đủng đỉnh trên những con đường đất quanh co dẫn đến một cái ao lớn, những chiếc xe bò chở đầy cỏ và thức ăn gia súc điểm xuyết giữa bức tranh làng quê.
Khung cảnh vẫn thế mấy mươi năm qua, có chăng thay đổi duy nhất chính là sự thiếu vắng của các bóng hồng.
“Sorkhi hiện có khoảng 200-250 nam thanh niên muốn kết hôn nhưng đám cưới trở thành thứ gì đó xa xỉ bởi họ không tìm được cô dâu” - ông Om Prakash, một giáo viên về hưu và là người có uy tín trong làng, lo ngại.
Do cán cân nam - nữ quá chênh lệch, gia đình các cô gái có cơ hội lựa chọn hết sức thận trọng. Trước đây, nhà nào có con gái đến tuổi cập kê sẽ tìm kiếm đối tượng và lôi kéo bằng của hồi môn “nặng ký”. Giờ thì mọi chuyện đã đảo ngược.
Nhà gái được quyền tìm hiểu kỹ về đất đai, nhà cửa, công ăn việc làm của những ứng viên sáng giá.
Theo báo The Washington Post, những câu hỏi mà các cô gái, cũng như gia đình họ, đặt ra cho chàng rể tiềm năng là có bao nhiêu tiền tiết kiệm trong ngân hàng, có học trường đại học hàng đầu hay không, chạy xe hơi của hãng nào, có hộ chiếu Mỹ hoặc Anh không…
Cũng vì nữ ít hơn nam mà tại các bang ở miền Bắc Ấn Độ như Punjab và Haryana, nạn buôn bán cô dâu được đà gia tăng. Nhiều cô gái được hứa hẹn công ăn việc làm hoặc một người chồng phù hợp nhưng lại bị bán cho những kẻ trung gian rồi bị ép kết hôn.
Theo Cục Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, gần 25.000 phụ nữ từ 15-30 tuổi bị bắt cóc và bán làm vợ vào năm 2013. Mới đây, cảnh sát New Delhi đã triệt phá một đường dây bán phụ nữ cho đàn ông ở bang Haryana.