Phương pháp này được đưa ra bởi chuyện gia giáo dục người Anh – giáo sư Dylan William. Các nhà giáo tại một trường phổ thông ở Melbourne viết tên học sinh lên que kem rồi chọn ngẫu nhiên học sinh trả lời các câu hỏi.
Phương pháp dạy học này được “phát minh” sau khi các chuyên gia phát hiện thấy phần lớn các câu hỏi được học sinh thông minh trả lời, còn các học sinh kém hơn thì lười xung phong.
Điều này vô tình nới rộng thêm khoảng cách giữa học sinh hoạt động năng nổ và học sinh “trầm” trong giờ học.
Các chuyên gia cho hay bởi có những đứa trẻ thông minh hơn trả lời tất cả câu hỏi, nên nhiều giáo viên đang bị ảo tưởng rằng toàn bộ học sinh trong lớp đều nắm được bài học với tốc độ như nhau.
Theo Fairfax Media, giáo viên Sarah Lefebvre thuộc trường phổ thông Frankston hôm 5-6 cho hay phương pháp mới này cho phép các học sinh nào không có câu trả lời có thể tìm trợ giúp từ những người bạn khác và làm cho giáo viên thêm tự tin hơn.
“Chúng tôi muốn những đứa trẻ có các kỹ năng để biết cách ứng phó nếu chúng đối mặt với một tình huống mà chúng không được chuẩn bị”.
“Chúng tôi tạo điều kiện để chúng phát biểu, và nếu các đứa trẻ không biết câu trả lời, thì chúng cần biết tìm cách nhờ giúp đỡ và hỗ trợ từ bạn bè. Không thể im lặng luôn đến hết tiết được”.
Những trường học khác quanh thành phố Melbourne, trong đó có trường Cao đẳng Tookrak, cũng đang thử nghiệm các phương pháp tương tự.
Giáo viên Sarah Lefebvre của trường Phổ thông Frankston cầm những que kem ghi tên của 11 học sinh lên đó (Nguồn: The Age)
Tuy nhiên theo cô Lefebvre, phương pháp này cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Khi bà bắt đầu đưa những que kem này vào thử nghiệm, thì nhiều học sinh “ham hỏi” hơn bị “vỡ mộng”, trong khi các học sinh “trầm tính” lại sợ hãi hơn.
Ủy viên Nhân quyền Úc Tim Wilson đã chỉ trích phương pháp này. Ông cho rằng phương pháp dạy học mới này thật “lố bịch” và giáo viên cần phải bỏ thêm nhiều thời gian hơn đối với những học sinh kém thay vì chèn ép cả hai nhóm học sinh.