Thủ đoạn siêu tàn độc của dì ghẻ "tròn vai" nhất lịch sử TQ

Trần Quỳnh |

Với muôn vàn thủ đoạn tàn nhẫn để trừ khử con chồng, Lữ Trĩ được coi là bà mẹ kế "tròn vai" nhất trong lịch sử phong kiến hàng nghìn năm của Trung Quốc.

Hán Cao Tổ Lưu Bang có tám Hoàng tử. Trong số đó ngoại trừ Lưu Hằng, Lưu Doanh may mắn làm Hoàng đế, con trưởng Lưu Phì nhờ nịnh bợ dì ghẻ mà được sống, số còn lại đều chết một cách rất đáng ngờ.

Những Hoàng tử của Lưu Bang có thể kể tới là: Con trưởng Tề Điếu Huệ vương Lưu Phì. Con thứ là Hiếu Huệ Hoàng đế Lưu Doanh, mẹ ruột là Lữ hậu. Con trai thứ ba là Triệu Ẩn vương Như Ý, mẹ ruột là Thích phu nhân.

Ngũ Hoàng tử là Đại vương Lưu Hằng, con trai của Bạc Thái hậu, sau lên ngôi là Hiếu Văn Hoàng đế. Ngoài ra còn có Lương vương Lưu Khôi (Triệu Công vương), Hoài Dương vương Lưu Hữu (Triệu U vương), Hoài Nam Lệ vương Lưu Trường và Yến vương Lưu Kiến.

Trưởng nam Lưu Phì lúc sinh thời có quan hệ tương đối thân thiết với “ mẹ kế ” Lữ Trĩ. Một lần, Lưu Phì đến chầu Hán Huệ đế, cùng Huệ đế và Lữ hậu ăn tiệc. Lưu Doanh vì cho rằng Lưu Phì là anh, nên đã nhường ông ghế trên theo lễ ngay trước mặt Lữ hậu.

Lữ Trĩ vốn là người có lòng đố kỵ sâu sắc, thấy việc này liền vô cùng tức giận, bèn sai rót hai chén rượu độc đặt trước mình rồi sai Lưu Phì uống rượu chúc thọ. Lưu Phì không hề hay biết, liền nâng chén, Huệ Đế lúc đó cũng cầm lấy chén rượu trên bàn để tiếp anh trai.

Lữ hậu khi ấy hoảng hồn , sợ con trai uống phải rượu đọc, liền đứng dậy hất đổ chén rượu trong tay Huệ đế.

Từ sau lần “chết hụt” ấy, Lưu Phì đã rút ra kinh nghiệm. Ông tình nguyện đem quận Thành Dương dâng cho Lữ hậu để làm ấp tắm rửa cho Lỗ Nguyên Công chúa, còn tôn Lỗ Nguyên làm Vương Thái hậu.

Lữ Trĩ hết sức cao hứng, vui vẻ đáp ứng thỉnh cầu của Lưu Phì, mở tiệc chiêu đãi rồi cho ông về nước.


Hầu hết các Hoàng tử của Lưu Bang đều trở thành nạn nhân trong tay mẹ kế Lữ Trĩ. (Ảnh minh họa).

Hầu hết các Hoàng tử của Lưu Bang đều trở thành nạn nhân trong tay "mẹ kế" Lữ Trĩ. (Ảnh minh họa).

Nạn nhân đầu tiên của người mẹ kế tàn độc này chính là Triệu vương Lưu Như Ý. Ông vốn là con trai của Thích phu nhân, là Hoàng tử thứ ba của Lưu Bang. Khi Cao Tổ còn tại vị, Thích phu nhân rất được sủng ái, Như Ý suýt chút nữa được phong làm Thái tử.

Nhưng phàm là phận nữ nhi trong cung, được sủng ái càng nhiều sẽ càng gặp phải những điều tồi tệ. Lữ hậu đem lòng căm giận Thích phu nhân từ lâu, sau khi Lưu Bang qua đời liền đem bà nhốt lại, cạo trọc đầu, ép mặc quần áo tù nhân ngồi giã gạo trong hậu cung.

Nghĩ đến thân phận của mình lúc sa cơ, lại nhớ con trai, Thích phu nhân vừa ngồi giã gạo vừa cất lời ca thán. Những lời ai oán đấy vẫn còn được lưu truyền tới tận ngày nay, hậu thế đặt tên là “Thung ca”:

“Tử vi vương, mẫu vi lỗ.

Chung nhật thung bạc mộ

Thường dữ tử vi ngũ.

Tương ly tam thiên lý

Đương sử thùy cáo nhữ!"

Tạm dịch là

"Con làm vua,

Mẹ đày tớ.

Giã gạo ngày lại tối,

Với tử thần chung chỗ!

Xa cách ba ngàn dặm,

Ai làm sứ cáo tố?”

Nhưng Thích phu nhân nào hay biết chính nỗi lòng người mẹ lại trở thành nguyên cớ hại chết con trai của mình. Không lâu sau, Triệu vương Như Ý bị Lữ hậu gọi về kinh thành để giam lỏng trong cung.

Mặc dù đã có Hán Huệ đế bảo vệ, nhưng Lữ hậu thừa dịp con trai đi săn bắn, dùng thuốc độc hại chết Lưu Như Ý.

Triệu vương đã chết, Thích phu nhân cũng mất đi chỗ dựa vững chắc. Lữ Trĩ lúc này không còn kiêng nể, liền sai người chặt đứt tứ chi, móc mắt tình địch, đổ thuốc độc vào họng, biến sủng phi của tiên đế thành người lợn, nhốt vào nhà xí.

Qua vài ngày, Lữ hậu cho vời Hán Huệ Đế đến xem. Lưu Doanh nhìn thấy nhất thời quá sợ hãi, lệ rơi đầy mặt, nói rằng: “Quá tàn nhẫn! Đây đâu phải việc làm của con người? Thần thân là con của Thái hậu, lại cảm thấy mình quả thực không có khả năng trị quốc.”

Lưu Doanh ngàn vạn lần không ngờ mẹ ruột của mình chẳng những ra giết chết em trai của ông, mà còn tàn nhẫn hạ sát phi tần của tiên đế. Sau đó ông bi thương vô hạn, suốt một thời gian dài mượn rượu giải sầu, không lâu sau qua đời trong tức tưởi.


Trên thực tế, Hán Huệ đế Lưu Doanh cũng là nạn nhân của chính mẹ mình. (Ảnh minh họa).

Trên thực tế, Hán Huệ đế Lưu Doanh cũng là nạn nhân của chính mẹ mình. (Ảnh minh họa).

Con trai vì bị kinh hách mà chết, Lữ hậu càng thêm căm tức đến nỗi mất đi lý trí, trở thành một con người vừa cực đoan, toàn nhẫn, vừa ích kỷ.

Một nạn nhân khác chết dưới tay bà mẹ kế này là Lưu Khôi – con trai thứ sáu của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Ông từng được phong làm Lương vương, sau lại làm Triệu vương.

Sinh thời, Lưu Khôi là một trang nam tử trọng tình trọng nghĩa, từng vô cùng yêu thương một sủng phi trong phủ của mình.

Lữ hậu khi ấy muốn thao túng Lưu Khôi, liền ép ông cưới một nữ nhi họ Lữ làm vương hậu. Lữ vương hậu này kể từ khi vào phủ tỏ ra vô cùng hống hách, ỷ mình có Hoàng Thái hậu làm chỗ dựa, không coi chồng ra gì, cũng ép chồng không được gần gũi nữ nhân khác.

Lưu Khôi sau đó có qua lại cùng sủng phi trước kia. Lữ vương hậu dưới sự tương trợ của Lữ Trĩ, ban cho sủng phi kia rượu độc. Thấy người mình yêu bị hại chết, Lưu Khôi vô cùng đau lòng, không lâu sau cũng tự tử.

Trước Lưu Khôi còn có Lưu Hữu từng được phong làm Triệu vương. Vương hậu của ông cũng là một nữ nhân họ Lữ.

Lưu Hữu khi ấy đương nhiên không yêu quý vương hậu mà đem lòng sủng ái một người thiếp khác. Vương hậu đố kỵ không chịu nổi, trong cơn tức giận liền quyết định bỏ nhà, tìm đến chỗ Lữ hậu phỉ báng Lưu Hữu, còn đặt điều vu cáo rằng Lưu Hữu từng nói:

“Lữ thị làm sao có thể làm vương hậu. Sau khi Thái hậu trăm tuổi, ta nhất định phải quét sạch bọn chúng.”

Lữ Trĩ nghe xong vô cùng giận dữ, cho gọi Lưu Hữu về kinh. Hữu sau khi vào thành, bị Lữ hậu giam lỏng và bỏ đói. Hạ thần của ông từng lén đưa cơm nhưng bị bắt, Lưu Hữu chỉ còn nước chờ chết. Trong cảnh sa cơ, ông từng cất lời ca thán:

“Họ Lữ trong triều cậy quyền to, là mối nguy cho giang sơn họ Lưu, lại cậy thế ức hiếp chư vương hầu… Đem ta bỏ rơi ở nơi hoang vu này, đến đúng sai cũng không thể biện giải. Đáng tiếc giờ hối cũng đã muộn, chỉ mong có thể sớm xuống Hoàng Tuyền.

Thân làm vương lại chịu cảnh đói chết, im hơi lặng tiếng liệu có ai thương? Lữ thị đem lẽ phải phủi sạch, mong mỏi trời cao báo thù oan.”

Không lâu sau, Lưu Hưu qua đời trong cảnh bị giam lỏng và bỏ đói. Hai người con út của Lưu Bang là Lưu Trường và Lưu Kiến may mắn thoát khỏi bàn tay của “mẹ kế”, nhưng cũng có kết cục không mấy tốt đẹp.

Lưu Trường sống đến thời Hán Văn đế, từng được Văn đế vô cùng sủng ái, nhưng lại sinh ra kiêu ngạo, ngang ngược. Sau này, Lưu Trường chịu tội mưu phản, đến lúc chết vẫn mang còn mang tiếng xấu.

Con út của Cao Tổ là Lưu Kiến an ổn làm Yến vương chỉ được hơn 10 năm, sau vì bệnh mà qua đời. Con trai ông cũng không thoát khỏi thảm án tàn sát của Lữ hậu.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại