"Thám tử Conan" bị Trung Quốc gọi là "giáo trình dạy giết người"

Như Quỳnh |

Được ví như “sách giáo khoa cho tội phạm giết người”, gần đây bộ truyện tranh nổi tiếng “Thám tử lừng danh Conan” đang trở thành mục tiêu cho truyền thông Trung Quốc chĩa mũi nhọn.

"Sách giáo khoa trắng trợn dành cho tội phạm"

Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt chỉ trích bộ phim hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh “Thám tử lừng danh Conan” vì lý do “chứa nội dung bạo lực đẫm máu”.

Thậm chí, bộ truyện tranh sở hữu lượng fan đông đảo này còn được ví như “bộ sách giáo khoa trắng trợn dành cho tội phạm”.

“Thám tử lừng danh Conan” là bộ truyện tranh trinh thám của tác giả Nhật Bản Gosho Aoyama. Truyện bắt đầu được đăng trên một tạp chí tuổi teen của Nhật Bản vào năm 1994 và hiện nay vẫn đang tiếp tục sáng tác.

Với “tuổi đời” xấp xỉ 2 thập kỷ, cùng với nội dung bất ngờ, các nhân vật trong “Thám tử lừng danh Conan” đã “càn quét” thế giới của các Otaku trong suốt một thời gian dài.

Chỉ tính riêng ở Nhật Bản, “Thám tử lừng danh Conan” đã đạt lượng phát hành khổng lồ hơn 1.4 triệu bản. Tuy nhiên khi về tới Trung Quốc, cái tên Conan lại bất ngờ trở thành một “cuốn giáo trình tội ác”.

Học giả đương đại Trung Quốc
Vương Tiểu Ba
Không phải thống kê xem có bao nhiêu người trẻ vì đọc văn hóa phẩm đồi trụy mà bước chân vào con đường phạm tội, mà nên nhìn xem có bao nhiêu người trẻ đã đọc tiểu thuyết khiêu dâm mà không trở thành "yêu râu xanh". Tôi có thể nói rằng, sự ảnh hưởng của sách, truyện tranh và phim ảnh tới nhân cách con người thực ra không quá trực tiếp. Bởi nếu không sẽ khó giải thích nổi vì sao bao nhà thơ, văn sĩ, học giả... cũng có thể trở thành kẻ giết người.

Truyện tranh, hoạt hình phải... tuyên truyền khoa học chính xác?

Theo tờ Đô thị phương Nam (Trung Quốc), hoạt hình vốn là thứ nghệ thuật giải trí quen thuộc đối với thanh thiếu niên, vì vậy cấm Conan là một lý do được cho là để “bảo vệ trẻ em”.

Theo đó, một giáo viên cáo buộc một số bộ truyện tranh và hoạt hình "tuyên truyền khoa học sai lầm" với nhiều chi tiết "đánh không chết, đốt không cháy" khiến các em học sinh bắt chước theo và đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Trường hợp điển hình là vào năm 2013, một cậu bé 9 tuổi bắt chước một bộ phim hoạt hình mang tên “Xiyangyang” của Trung Quốc, đã đốt cây và gây cháy nhà. Bố mẹ của cậu bé đã kiện nhà sản xuất của bộ phim hoạt hình ra tòa.

Theo phán quyết của tòa án, nhà sản xuất phim hoạt hình đã không lường trước được ảnh hưởng tiêu cực của bộ phim đến người xem, và phải đền bù cho nguyên đơn 15% giá trị thiệt hại. Tuy nhiên, bộ phim hoạt hình trên không hề bị cấm.

Dù vậy, những người hâm mộ Conan lại cho rằng vấn đề không phải nằm ở bộ truyện tranh hay phim hoạt hình này.

“Một lý do tuyệt vời để bạn xem Conan là bởi ở đó chứa đựng tình bạn, tình yêu, công lý và lòng can đảm.” – một fan hâm mộ của bộ truyện này bình luận.

Thực tế, tại Nhật Bản – quê hương của hàng loạt những bộ truyện tranh có yếu tố bạo lực, trinh thám, thậm chí khiêu dâm, thì tỷ lệ tội phạm tại nước này lại ở mức tương đối thấp.

Quê hương của “bộ giáo trình dạy giết người” Conan hoàn toàn không phải là một nơi đầy rẫy những kẻ giết người, mà lại có an ninh rất cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại