Tại sao người Nhật lại kém tiếng Anh một cách đáng ngạc nhiên?

Ngọc Thúy |

Trình độ tiếng Anh của người Nhật được cho là kém hơn Đài Loan, Hàn Quốc và nhiều nước Đông Nam Á.

John Henry là một giáo viên tiếng Anh đã đến Nhật được 10 năm. Anh đã dạy qua rất nhiều trường lớp khác nhau, từ các trung tâm tiếng Anh nhỏ cho đến lớn, tại Tokyo cũng như nhiều thành phố khác tại Nhật.

Khi giảng dạy cho người Nhật, anh nhận thấy người Nhật rất lịch sự, chăm chỉ, chịu khó ghi chép, luyện tập với bạn bè.

Tuy nhiên anh cho rằng thực sự trình độ tiếng Anh của người Nhật nói chung khiến anh khá thất vọng, anh đã kỳ vọng người Nhật nói tiếng Anh giỏi hơn thế rất nhiều.

Từng có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh tại Hàn Quốc và Đài Loan, anh Henry cho rằng trình độ tiếng Anh của người Nhật nói chung còn kém hơn người Hàn Quốc và người Đài Loan.

Kết quả khảo sát về trình độ tiếng Anh của tổ chức giáo dục quốc tế EF công bố năm 2014 còn đáng buồn hơn.

Theo đó, với 60 nước được EF chọn để nghiên cứu trong suốt từ năm 2007 đến năm 2012, trình độ tiếng Anh của người Nhật đứng thứ 26/60.

EF nhấn mạnh đã suốt 6 năm qua trình độ tiếng Anh của người Nhật thậm chí còn kém đi trong khi nhiều nước khác tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia hay Việt Nam tiến bộ vượt bậc.

Đến năm 2015, Bộ Giáo dục Nhật cũng đã phải thừa nhận rằng học sinh Nhật dốt tiếng Anh. Bộ Giáo dục Nhật tiến hành khảo sát với khoảng 480 trường công lập tại 47 tỉnh của Nhật.

Kết quả thật đáng ngạc nhiên, có đến hơn 50% học sinh phổ thông không đạt được trình độ tiếng Anh theo mức tối thiểu của Bộ Giáo dục Nhật.

Có đến 30% học sinh bị điểm 0 trong kỹ năng viết và 13% bị điểm 0 trong kỹ năng nói.

Một cuộc khảo sát khác cũng do Bộ Giáo dục Nhật thực hiện và công bố cho thấy đến 60% học sinh trả lời rằng họ không thích học tiếng Anh.

Chính vì vậy việc học tiếng Anh cho đến nay chủ yếu là để đối phó với các bài kiểm tra chứ học sinh không thích rèn luyện kỹ năng nói và viết.

Vậy tại sao người Nhật lại kém tiếng Anh đến như vậy khi mà người Mỹ đã có sự hiện diện tại Nhật từ hơn nửa thế kỷ nay, tất cả các biển báo chỉ đường ở Nhật đều được viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật hay thậm chí người Nhật còn sử dụng rất nhiều từ tiếng Anh trong tiếng Nhật?

Dưới đây là tổng hợp ý kiến của rất nhiều chuyên gia giáo dục cũng như xã hội học.

Trình độ giáo viên tiếng Anh người Nhật còn chưa cao

Tháng 5/2015, Japan Times đăng tải một bài viết chỉ ra thực trạng yếu kém tiếng Anh của giáo viên người Nhật.

Nếu xét theo điểm TOEIC, phần lớn giáo viên người Nhật không đạt được trình độ 730 điểm TOEIC. Kết quả trên được thực hiện trên phạm vi tất cả 47 tỉnh trên toàn quốc.

Giáo viên tại tỉnh Fukui có trình độ tiếng Anh tốt nhất tại Nhật. Tỉnh Toyama, Tokyo và Kagawa cũng có thứ hạng cao.

Đối với những tỉnh có thứ hạng thấp, thật đáng ngạc nhiên khi chỉ có khoảng 13,3% giáo viên trung học cơ sở và 36% giáo viên trung học phổ thông có điểm tiếng Anh trên mức điểm yêu cầu.

Khi mà trình độ tiếng Anh của giáo viên thấp như vậy thì cũng không đáng ngạc nhiên khi mà trình độ tiếng Anh của học sinh còn kém hơn.

Nhiều khách du lịch khi đến Nhật thường rất phàn nàn về việc khi họ chỉ hỏi những câu rất đơn giản như hỏi đường hay hỏi tên cửa hàng thì thanh niên Nhật cũng không thể trả lời nổi.

Thậm chí trong nhiều trường hợp khi người nước ngoài trả lời rằng họ đến từ nước Anh hay nước Mỹ thì nhiều sinh viên cũng lắc đầu không hiểu.

Bộ Giáo dục Nhật từng công bố sẽ cố gắng cải thiện trình độ tiếng Anh cho giáo viên phổ thông bởi họ mong muốn sẽ đạt được mục tiêu 75% học sinh phổ thông đạt điểm tiếng Anh trên mức yêu cầu vào năm 2017.

Thế nhưng với lịch dạy dầy đặc của giáo viên, thật khó để mong tình trạng này sẽ sớm chấm dứt.

Chất lượng giáo viên bản ngữ chưa cao

Rất nhiều người Anh, Mỹ và Úc đã vào được Nhật bằng visa việc làm thông qua việc nộp đơn dạy tiếng Anh cho các trường học tại Nhật. JET là một chương trình như thế.

Chương trình này đã đưa rất nhiều giáo viên tiếng Anh người bản ngữ vào Nhật, thế nhưng tiêu chuẩn họ áp dụng với các giáo viên quá thấp.

Nhiều khi chỉ cần có quốc tịch của một nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất mà không cần có kinh nghiệm, bằng cấp hay chứng chỉ giảng dậy.

Chính vì vậy nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng để nâng cao được trình độ tiếng Anh của giáo viên người bản ngữ thì cần phải nâng chuẩn tuyển dụng giáo viên tiếng Anh bản ngữ.

Yếu tố văn hóa và cách giảng dạy

Yếu tố văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong cách dạy và học tại bất kỳ nước nào. Trên thực tế, đúng là sinh viên các nước châu Á thường có phần rụt rè hơn so với sinh viên các nước phương Tây hoặc Nga.

Thế nhưng sinh viên Nhật được cho là rụt rè, nhút nhát nhất châu Á.

Reiko Fujita là một giáo viên người Nhật dạy tiếng Anh tại trường phổ thông đã 15 năm.

Cô cho biết trong mỗi lớp học của Nhật thường chỉ có một hoặc hai em học sinh bạo dạn dám nói lên suy nghĩ và quan điểm của mình trong các buổi học. Nhóm còn lại thường chỉ im lặng và cười.

Trong bất kỳ một môi trường ở quốc gia nào, nếu không luyện tập thì sẽ không bao giờ có thể sử dụng được một ngoại ngữ.

Sự rụt rè của học sinh Nhật còn bắt nguồn từ yếu tố văn hóa tập thể, ngại phát biểu quan điểm của cá nhân và thường họ rất sợ nếu quan điểm đó khác với tập thể.

Thế nhưng Nhật không phải là nước duy nhất gặp vấn đề trong cách giảng dạy và học ngoại ngữ.

Một học giả người Pháp cho biết trong suốt thời phổ thông, họ phần lớn chỉ học để vượt qua các bài kiểm tra, và thế rồi khi các bài kiểm tra qua đi thì kiến thức cũng rơi rụng dần.

Nhiều học sinh Nhật cũng chỉ học để thi cho xong và sau khi thi xong thì kiến thức rơi rụng hết.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại