Nhưng trong mắt người Trung Quốc, cheerleader (hoạt náo viên) vẫn chưa chính thức được coi là một nghề, họ - thường nhìn những cô gái này bằng con mắt không mấy thiện cảm,
Những người yêu thích bóng rổ ở Trung Quốc chẳng xa lạ gì với những cô gái có gương mặt xinh đẹp, nụ cười ngọt ngào và thân hình bốc lửa với màn biểu diễn kéo dài mấy chục giây trước mỗi một trận đấu, những cô nàng cheerleader này luôn thu hút sự chú ý của tất cả mọi người trên khán đài.
Nhưng đằng sau những gương mặt rạng ngời và trang phục lấp lánh ấy lại là bao nỗi gian lao, tủi nhục mà người ngoài cuộc chẳng bao giờ hiểu nổi.
Đa số bọn họ đều là học sinh - sinh viên đi làm thêm, trước mỗi trận đấu họ luôn có một màn biểu diễn khoảng mười mấy động tác, mỗi mùa giải ít nhất cũng biểu diễn đến mười mấy lần.
Đằng sau những vũ điệu nóng bỏng ấy là nửa năm lao động không công coi như để "học tập và rèn luyện". Chuyện bị chấn thương, cảm lạnh với những cô gái này xảy ra thường xuyên như cơm bữa.
Không những vậy, họ còn bị bạn bè và người ngoài soi mói, nhìn bằng con mắt chẳng mấy thiện cảm.
Ngoài việc biểu diễn trên sân, những cheerleader này còn phải thường xuyên tạo dáng chụp ảnh quảng cáo cho đội mình.
Họ phải làm vậy để khuếch trương danh tiếng cho cả đội, càng gây được tiếng vang thì tần suất xuất hiện của họ sẽ càng lớn, việc kiếm tiền cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Tất nhiên, ranh giới giữa "mơi" và "quảng cáo" rất mong manh, thế nên nhiều người lại càng thấy chướng mắt vì sự xuất hiện của những cô gái cheerleader này.
Những cô gái cheerleader này trong mắt mọi người chỉ gói gọn trong hai từ "gợi cảm", thậm chí một số người còn cho rằng đó là "phản cảm" vì những trang phục ngắn cũn cỡn và động tác có phần hớ hênh của họ.
Dường như váy áo của họ càng ngắn thì càng thu hút khán giả hơn, bởi đa phần các fan hâm mộ thể thao là nam giới.
Thành viên trong đội cheerleader thường dao động từ hơn chục người cho tới vài chục người. Đông người là vậy nhưng họ chẳng có phòng riêng, mà thường phải thực hiện tất cả mọi việc trong căn phòng thay đồ chật hẹp, kiêm luôn nơi hóa trang, để túi xách và tổng duyệt chương trình.
Nhiếp ảnh gia là người giúp cho những cô gái cheerleader có những tấm ảnh đẹp, giúp họ "quảng bá thương hiệu", thế nhưng, nhiều tay máy đã lạm dụng quyền lợi để vào tận phòng thay đồ chụp những bức ảnh dễ gây tai tiếng của các cô gái nhằm mục đích khác, đa số trong đó là gây sức ép để những cô gái trong đội qua đêm với mình.
Hầu hết các đội cheerleader đều ký hợp đồng trọn gói với các câu lạc bộ, cũng có một số đội hoạt động khá quy củ.
Người đứng đầu của đội sẽ đứng ra ký kết hợp đồng, sau đó các thành viên trong đội sẽ tự chia chác thù lao với nhau.
Các cô gái thường được trả khoán một số tiền nhất định, thế nên họ gần như không có cơ hội mặc cả về giá cả.
Tiền lương của những đội cheerleader này cũng không cao. Sau khi trừ đi các khoản chi phí thì cũng chẳng còn là bao.
Chưa kể họ phải bỏ ra những khoản tiền không hề nhỏ để mua mỹ phẩm, tự chi trả chi phí đi lại, thuê nơi tập luyện hay mua dụng cụ biểu diễn hoặc thậm chí là cả trang phục mặc trên sân khấu.
Đôi khi, đội cheerleader phải nhận những khoản thù lao cực kỳ khiêm tốn, nhưng để gây dựng các mối quan hệ, nhiều đội vẫn chấp nhận đi làm với mức lương cực "bèo".
Đôi khi, những cô gái nóng bỏng này cũng nhận được những lời mời chào, ngã giá hết sức khiếm nhã, hoặc là cả những lời trêu đùa ác ý của cánh mày râu.
Tại Trung Quốc, rất nhiều người vẫn "chụp mũ" cho công việc này là không đứng đắn và tỏ ra khinh thường những cô gái cheerleader.
Trong mắt nhiều người, dường như những cô gái mặc váy ngắn cũn cỡn làm công việc "uốn éo nhảy nhót" trước mặt cánh đàn ông thật đáng xấu hổ.
Thế nhưng, họ không thể nào hiểu được, đằng sau vẻ hào nhoáng bóng bẩy kia là cả một sự nỗ lực rất lớn nhằm vượt lên trên khó khăn của những cô gái trẻ này.