Làm ơn mắc oán
Tân Hoa Xã ngày 24/7 đăng tải một thông tin, trên một con phố ở thị xã Bành Châu, Tứ Xuyên, một ông già đi xe đạp không may bị ngã. Vào thời điểm đó, có người đi qua nhưng không ai giúp đỡ.
Vì trời mưa, mặt đường trơn nên ông lão bị ngã.
Một học sinh đi xe đạp ngang qua thấy vậy, liền xuống xe hỏi thăm. Nhưng, dường như chỉ chờ có vậy, ông già nắm chặt tay cậu học sinh, làm ầm ĩ lên rằng chính cậu này đâm vào mình, khiến xe bị đổ.
Một học sinh đi ngang qua, thấy vậy liền tiến đến hỏi thăm
Người dân vây quanh rất đông, nhưng cũng không biết ai đúng, ai sai.
Nhận được tin báo, cảnh sát Bành Châu ngay sau đó đã có mặt tại hiện trường và đưa những người có liên quan trên về đồn cảnh sát để tiến hành điều tra.
Đám đông vây quanh mỗi lúc một đông, ông lão vẫn lôi tay cậu học sinh khơi rời.
Xem lại camera giám sát, những hình ảnh được ghi lại cho thấy, chính ông già đã tự ngã trên đường và lời buộc tội của ông đối với cậu học sinh là hoàn toàn bịa đặt.
Người đàn ông lớn tuổi đã bị cảnh sát cảnh cáo vì hành vi vu khống nói trên.
Đến cảnh sát cũng bị vu oan
Trung tuần tháng 4/2015, Quang Minh Nhật báo (Trung Quốc) cũng đưa một thông tin có nội dung tương tự.
Vào ngày 12/4, một viên cảnh sát họ Lâm đang trên đường đến cơ quan là đồn cảnh sát Hà Đường, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến thì gặp hai người lớn tuổi ngồi bệt bên vệ đường.
Hai người này đi xe đạp điện, tông phải tường vây của trường Đại học Nông Lâm Phúc Kiến. Vụ va chạm khiến cả hai người đều bị thương.
Gặp cảnh sát Lâm dừng xe xuống giúp đỡ, đưa cả hai vào viện, hai người này đã lập tức... đổ cho viên cảnh gây tai nạn, hòng bắt anh phải trả tiền viện phí, thuốc men.
Camera giám sát ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc
Tuy nhiên, sau khi cảnh sát Hà Đường xem lại camera giám sát, hai ông bà già này đã “cấm khẩu”, không nói được gì.
Đỡ cụ bà bị ngã, ba em nhỏ bị bắt bồi thường 2.500 NDT
Trước đó vào tháng 11-2013, cư dân mạng Trung Quốc cũng có một phen “dậy sóng”, đồng loạt chỉ trích sự xấu tính của một cụ bà có hành vi vu oan cho người tốt, tương tự hai vụ việc trên.
Rất nhiều trang mạng của Trung Quốc thời điểm đó đã đăng tải thông tin một cụ bà 74 tuổi, ở Đạt Châu, Tứ Xuyên đang đi thì bị ngã.
3 em nhỏ chơi gần đó thấy người già gặp nạn, liền chạy qua đỡ bà cụ dậy. Không ngờ, người này nhanh chóng nắm lấy “cơ hội vàng’, hô hoán lên rằng 3 em nhỏ nô đùa, đã lao vào khiến bà bị ngã, gẫy xương đùi.
3 em nhỏ đang trả lời phóng viên của trang tin people.com.cn về việc giúp đỡ bà cụ bị ngã
Sau vụ việc, bà cụ yêu cầu gia đình 3 em nhỏ phải bồi thường chi phí thuốc men là 2.500 NDT.
Tất nhiên, phụ huynh các em không dễ dàng trả tiền cho hành động mà theo miêu tả của các em nhỏ, thì các em là người giúp đỡ bà cụ chứ không phải là người làm bà cụ ngã.
“Nếu đúng là con của chúng tôi làm bà cụ ngã, chúng tôi sẽ bồi thường đầy đủ chi phí thuốc men cho bà cụ, nhưng nếu không đúng thì một đồng chúng tôi cũng không trả.
Vấn đề là con chúng tôi làm việc tốt mà phải bồi thường. Như vậy thì sau này làm sao chúng còn dám giúp đỡ người khác?”, một phụ huynh chia sẻ với Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc).
Chân dung cụ bà vu oan cho 3 em nhỏ
Vụ việc sau đó đã được cảnh sát địa phương tiến hành điều tra dựa vào các ý kiến của nhân chứng và kết luận rằng, chính bà cụ đã tự ngã và vu khống cho 3 em nhỏ lao vào mình.
Hành vi này cấu thành tội danh tống tiền. Dù vậy, bà cụ này vẫn ngoan cố cho rằng mình bị oan và thề rằng nếu nói sai, cả nhà sẽ chết.
Sự vô cảm hay vô ơn là căn nguyên của những hành động thờ ơ?
Trong xã hội hiện đại, không thể phủ nhận sự tồn tại của sự vô cảm trong một bộ phận công chúng trước những trường hợp không may gặp nạn nơi công cộng.
Nhưng tại Trung Quốc, nguyên nhân của sự thờ ơ, có lẽ cần phải liệt kê thêm lý do xuất phát từ các bài học “nhãn tiền” nói trên.
Và thực tế đã cho thấy, nhiều người không dám sẵn sàng ra tay giúp đỡ những người không may gặp nạn.
Năm 2013, một ông cụ khoảng 80 tuổi ở Chiết Giang ngã ngay giữa đường đến 50-60 phút mà không ai dám đến gần đỡ hay hỏi han ông. Vụ việc xảy ra vào giờ cao điểm, đi làm buổi sáng, trên đường rất nhiều người qua lại.
Mọi người xung quanh đứng vây lại thành vòng tròn bảo vệ ông cụ trong lúc đợi xe cứu thương đến, nhưng tuyệt nhiên không ai nâng người gặp nạn dậy.
Sau khi cụ được đưa lên xe cấp cứu, đám đông mới giải tán, nhưng đâu đó vẫn nghe rõ tiếng thở dài “Thật sự là không dám ra đỡ...”.