Tuy vậy, người phụ nữ này vẫn có cuộc sống xa hoa, thoải mái bên chồng con ở Mỹ.
Trong những năm qua, Xu Ting (một người phụ nữ Trung Quốc 45 tuổi) đã bị hàng loạt các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci hay Louis Vuitton đâm đơn kiện khi buôn bán các sản phẩm nhái đồ hàng hiệu của các hãng này.
Ngoài ra, Xu Ting còn nợ công ty Chanel Inc. 6,9 triệu USD (khoảng 150 tỷ đồng) về tội dùng tên của công ty này để bán hàng giả qua mạng.
Hàng loạt các thương hiệu thời trang nổi tiếng đã đâm đơn kiện người phụ nữ đến từ Trung Quốc vì tội buôn bán hàng giả.
Tuy nhiên, tất cả những lùm xùm đó có vẻ chẳng hề gây phiền hà hay khó khăn gì cho người phụ nữ 45 tuổi này. Trên thực tế, Xu Ting đã tốt nghiệp ngành khoa học thống kê tại trường Đại học bang San Diego, Mỹ.
Và với việc kinh doanh các món hàng nhái tại Mỹ, Xu Ting đã thu về ít nhất 890.000USD (khoảng 20 tỷ đồng) đồng thời mua được 1 căn nhà trị giá 585.000USD (khoảng 12,8 tỷ đồng) ở Rancho Penasquitos, California để sống sung túc cùng chồng con.
Ngoài Xu Ting, chồng cô cũng tham gia vào đường dây buôn bán hàng giả này.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tồn tại vấn nạn hàng giả.
Phần lớn các món hàng giả có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng sau đó chúng lại được tiêu thụ ở Mỹ, nơi hoạt động buôn bán hàng giả không bị truy cứu hình sự và không được quan tâm xử lý đúng mực như buôn bán ma túy hay các hoạt động rửa tiền.
Ngoài ra, việc chính quyền Trung Quốc không hợp tác đã tạo điều kiện cho các tay buôn hàng giả dễ dàng tẩu tán tiền bạc cũng như gây khó khăn cho các thương hiệu quốc tế trong việc truy tìm nguồn gốc của các lô hàng giả số lượng lớn.
Một khi các tay buôn bán hàng giả không bị bắt giữ và họ vẫn được hưởng lợi từ hoạt động buôn bán trái phép thì thị trường này chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Một người phụ nữ đang bán đồng hồ giả tại Trung Quốc.
Trên thực tế, Xu Ting đã bị kiện nhiều lần về việc bán hàng giả của các thương hiệu nổi tiếng.
Vào năm 2008, tòa án liên bang ở California đã yêu cầu Xu Ting trả cho công ty Chanel Inc. 6,9 triệu USD vì sử dụng tên tuổi của thương hiệu này để bán hàng giả qua mạng.
Phát ngôn viên của Chanel, bà Kathrin Schurrer, cho biết cho đến nay, người phụ nữ này vẫn chưa hề chi trả số tiền bồi thường cho Chanel.
"Điều quan trọng là Chanel muốn chấm dứt mọi hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, điều mà chúng tôi đã từng làm thành công", bà Schurrer cho biết.
Vào năm 2009, tòa án Florida đã đóng cửa 7 trang website và cáo buộc Xu Ting bán hàng giả của các nhãn hiệu Louis Vuitton, Marc Jacobs và Celine. Thế nhưng, vào thời điểm đó, Xu Ting cũng không hề xuất hiện tại tòa.
Năm 2010, các thương hiệu Gucci, Balenciaga, Bottega Veneta, và Yves Saint Laurent, đều thuộc tập đoàn Kering của Pháp đã đâm đơn kiện Xu Ting, chồng tương lai, em trai, mẹ của Xu Ting và 6 người khác tại tòa án liên bang New York về tội buôn bán hàng nhái, với tổng giá trị lên tới hơn 2 triệu USD (khoảng 43 tỷ đồng) cho các khách hàng ở Mỹ.
Guci cho rằng nhóm buôn hàng giả này đã chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới 1 ngôi nhà ở San Diego. Tại đây, các mặt hàng giả được đóng gói như hàng thật rồi tuồn ra thị trường.
Tuy nhiên Gucci không thể tìm ra nguồn gốc của đường dây này vì khi lần theo số tiền gửi về Trung Quốc, Gucci đã gặp khó khăn bởi các ngân hàng tại nước này từ chối hợp tác.
4 ngày sau khi đơn kiện được đưa ra, Xu Ting kết hôn với ông Xu Lijun (1 người đàn ông Trung Quốc). Chồng của Xu Ting là một kỹ sư có giấy phép hành nghề ở California và lớn hơn Xu Ting 6 tuổi.
Tháng 11/2010, ông Xu Lijun bằng lòng dàn xếp vụ kiện với Gucci khi trả lại cho Gucci 400.000USD và trả 7.500USD tiền phạt mặc dù vẫn một mực chối bỏ mọi cáo buộc.
Đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng, vào tháng 2/2014, Xu Ting vẫn được cấp thẻ xanh và trở thành công dân hợp pháp của Mỹ bởi cô đã kết hôn người chồng có bằng cấp cao, được xếp vào thành phần có khả năng kỹ thuật hữu dụng cho Mỹ.
Tại Mỹ, hầu hết những vụ kiện tụng làm hàng giả đều được tòa án dân sự xử lý. Tuy nhiên, tại đây, tòa án sẽ chỉ có thể đóng cửa các trang website bán hàng giả và yêu cầu các tay buôn hàng giả bồi thường.
Chính vì vậy, các luật sư cho rằng nếu đưa các vụ án này ra tòa hình sự và có thể khiến các tay buôn hàng giả phải chịu án tù, thì việc ngăn chặn buôn bán hàng giả mới thực sự có hiệu quả.