Tờ Trùng Khánh Buổi tối (Trung Quốc) hôm 13/6 đưa tin, cách đây 5 năm, một người nông dân ở huyện Thành Khẩu, Trùng Khánh trong lúc làm ruộng đã vô tình đào được một thanh kiếm cũ.
Thấy thanh kiếm cũ gỉ, người này đã tìm cách đánh bóng và sử dụng như một con dao để thái rau cho đến nay. Gần đây, khi các trung tâm văn hóa tại địa phương cử nhân viên đi thu thập những cổ vật, bí mật của thanh “bảo kiếm thái rau” mới được hé mở…
Qua đánh giá sơ lược, thanh kiếm mà người nông dân dùng để thái rau là một cổ vật vô cùng giá trị có tên gọi “Thanh Long kiếm”.
Tin tức này nhanh chóng lan truyền khiến nhiều người không khỏi xuýt xoa: “Trời đất, người ta nói rằng thanh kiếm ấy có giá hơn 1 triệu NDT (hơn 3.5 tỷ VNĐ), vậy mà ông ấy lại dùng nó để thái rau.”
Chia sẻ về “cơ duyên” với cổ vật này, chính quyền địa phương cho hay, khi cử nhân viên đi thu thập những cổ vật có giá trị trong khu vực nông trại này để đưa đi trưng bày, họ tình cờ phát hiện báu vật hiếm có này đang được sử dụng như một nông cụ.
Sau khi tìm hiểu về nguồn gốc của cổ vật, các phóng viên được chính quyền địa phương cung cấp thông tin cây kiếm “thái rau” này được một người nông dân đã hơn 60 tuổi tìm thấy từ 5 năm trước.
Khi mới được phát hiện, thanh kiếm trông rất cũ kỹ và đầy rỉ sét. Tuy nhiên sau khi được mài lại, trên lưỡi kiếm sáng loáng hiện lên ba chữ cổ.
Ông Dịch Thủ Tường – người đã đào được thanh kiếm – cũng cho biết thêm, khi tìm thấy thanh kiếm trong lớp bùn đất, trông nó thực sự chẳng khác gì sắt vụn. Tuy nhiên những đường nét lờ mờ của ba chữ được khắc trên lưỡi kiếm đã khiến ông tò mò.
Chính vì không biết được giá trị thực sư của thanh kiếm này, hơn nữa lại thấy nó khá sắc bén, nên ông Dịch đã mang nó ra để… thái rau. Cứ như vậy, thanh bảo kiếm này đã được dùng để thái rau liên tục suốt 5 năm qua.
Qua xác định sơ bộ, các chuyên gia địa phương khẳng định, ba chữ được khắc trên lưỡi kiếm là “Thanh Long kiếm”.
Thanh cổ kiếm được rèn thủ công bằng đồng, ra đời vào khoảng cuối triều Thanh, có niên đại cách đây hơn 100 năm.
Tuy nhiên, vì đã bị tác động bởi việc mài dũa của ông Dịch, lại không được bảo quản và gìn giữ trong suốt 5 năm qua, nên rất khó để có thể khôi phục lại nguyên bản bảo vật này.