Một thống kê sơ bộ cho thấy số Hoàng đế bị giết trong lịch sử Trung Quốc lên tới 31%, số Hoàng đế không sống qua 40 tuổi chiếm 50% và số lượng các vị vua thọ hơn 60 tuổi chỉ chiếm 15%.
Nếu như tính tất cả những người từng xưng đế, bắt đầu tính từ thời Tần Thủy Hoàng tới thời nhà Thanh, Trung Quốc tổng cộng có 408 người từng ngồi trên ngai vàng.
Trong số này, có 61 người bị giết hại. Thậm chí có những trường hợp không chỉ Hoàng đế bị giết hại, mà cả gia tộc cũng phải chịu kết cục bi thảm như gia sản bị tịch biên, đoạn tử tuyệt tôn, phải mai danh ẩn tích…
Trong lịch sử Trung Quốc, bậc đế vương nắm trong tay quyền sinh quyền sát. Thế nhưng Hoàng đế lại luôn phải đối mặt với tình cảnh tứ phía hiểm nguy, lúc nào cũng có thể mất đầu, thậm chí có thể chết trong tay đám người tưởng như vô hại là cung nữ, thái giám.
Qua thống kê sơ bộ cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc 61 vị Hoàng đế bị sát hại trong lịch sử Trung Hoa. Lấy “hung thủ” làm chủ thể, có thể liệt kê một số cách sát hại Hoàng đế đã từng xảy ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới hiện nay.
Bị cận thần giết hại
Kiểu hạ sát này chính là một loại “phạm thượng”, cũng là “kẻ dưới giết người trên”, là hiện tượng thường thấy trong lịch sử Trung Quốc.
Việc cận thần sát hại Hoàng đế là hiện tượng thường thấy trong lịch sử Trung Quốc.
Vào thời kỳ Thập lục quốc, Nam Bắc triều, Ngũ Đại Thập quốc, hay ở các triều đại khác, việc “thần tử hành thích vua” đã xảy ra nhiều lần. Có thể nói, giết một Hoàng đế khi ấy còn dễ hơn chém một giặc cỏ.
Thời Thập lục quốc có Hán Ẩn Hoàng đế Lưu Xán là con trai của Chiêu Võ đế Lưu Thông. Lúc đầu Hoàng thái tử Lưu Xán nhiếp chính, cho tới tháng 7 năm 318 mới chính thức kế vị.
Nhưng vào tháng 9 năm 318, chỉ sau 2 tháng sau khi đăng cơ, Lưu Xán đã bị Đại tướng quân nắm binh quyền khi ấy là Lục thượng thư Cận Chuẩn sát hại.
Sau đó họ Lưu cả trai lẫn gái, không phân biệt già trẻ, lớn bé, đều bị chém đầu ở khu chợ phía đông. Cận Chuẩn còn quật mộ tiên đế Lưu Thông, đem thi thể chém làm hai đoạn, sau đó đốt cháy tông miếu họ Lưu, tự mình lên làm Hoàng đế.
Vào thời Thập lục quốc, có nhiều Hoàng đế bị thủ hạ mưu sát. Chính vì vậy nên thời đại này mới có nhiều tiểu quốc, vương triều xuất hiện.
Tùy Dạng Đế Dương Quảng (569 – 618), lên ngôi vào năm 604, tại vị được 15 năm. Vào năm 618, Dương Quảng ở Giang Đô bị Vũ Văn Hóa Cập giết chết, thọ 50 tuổi.
Trong khi đó, lịch sử cũng ghi chép lại cái chết của Đường Chiêu Tông Lý Diệp và Mạt đế Lý Chúc. Cả hai đều bị thần tử Chu Ôn giết chết.
Chu Ôn vốn là cấp dưới của Hoàng Sào, vào năm 882 làm phản, dấy binh hàng phục nhà Đường.
Đường triều sau đó giao cho Chu Ôn giữ chức Hữu kim Ngô đại tướng quân, sau phong là Lương vương. Nhưng họ Chu này vẫn không bằng lòng, ngày đêm nuôi binh, có ý đồ soán ngôi Hoàng đế.
Vào năm Thiên Phục thứ tư (năm 904), Chu Ôn ép Lý Diệp rời đô về Lạc Dương. Thánh 8 cùng năm, ông ta hạ sát Lý Diệp. Không soán ngôi ngay, nhân vật này đưa Lý Chúc lên làm Hoàng đế trong vòng 3 năm.
Tới tháng 1 năm 907, Lý Chúc bị ép phải quy y cửa phật và ba tháng sau đó, Hoàng đế chính thức từ ngôi.
Sau khi nắm giữ ngai vàng, việc đầu tiên Chu Ôn làm là đổi tên chữ thành Chu Hoảng, sửa niên hiệu thành Khai Nguyên và sửa quốc hiệu thành Đại Lương.
Trung Quốc từ đây phải tiễn biệt triều đại thịnh trị nhất trong lịch sử để bước vào thời kỳ phân tranh loạn lạc – thời Ngũ đại thập quốc.
Bị hoạn quan giết
Đây là kiểu giết vua thường thấy trong lịch sử Trung Quốc, cũng là kiểu sát hại “có truyền thống”, hầu như có thể tìm thấy ở mỗi vương triều. Hậu họa bắt nguồn từ việc để thái giám tham gia vào chuyện chính sự.
Tiêu biểu nhất phải kể đến cái chết của Tần Thủy Hoàng - vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa cổ đại. Doanh Chính đã bị một hoạn quan đoạt mệnh, đó chính là thái giám Triệu Cao.
Vào năm 210 TCN, Doanh Chính trên đường tuần tra thì lâm bệnh nặng. Khi ấy, Tần Vương ở tại hành cung Sa Khâu để dưỡng bệnh, nhưng đột nhiên băng hà khi vừa bước sang tuổi 50.
Chính sử ghi chép rằng Tần Thủy Hoàng bị bệnh qua đời, nhưng không ít học giả cho rằng vị Hoàng đế này bị sát hại bởi thái giám Triệu Cao - người đã phát động chính biến.
Lúc ấy, Thái tử đương triều là Phù Tô. Bản thân Doanh Chính cũng không có ý muốn truyền ngôi lại cho con thứ là Hồ Hợi.
Triệu Cao lo lắng Phù Tô kế vị sẽ gây bất lợi cho mình, nên đã lợi dụng việc Hoàng đế đi tuần, cho Hồ Hợi có cơ hội đi theo để mưu đồ chính biến.
Doanh Chính qua đời, Hồ Hợi thuận lợi kế vị. Nhưng vị tân Hoàng đế này vẫn phải chịu số phận bị hoạn quan giở trò, còn bị chính Triệu Cao làm hại.
Vào tháng 8 năm 207 TCN, trong khi Hạng Vũ và Lưu Bang đang đối đầu, Triệu Cao cùng với con rể là Diêm Nhạc mưu đồ bí mật, thừa dịp Hồ Hợi đang ở cung Trai Giới, đã cho quân vây cung, ép vua tự vẫn.
Triệu Cao có ý đồ tự xưng làm vua, nhưng triều thần không phục, đành phải đưa con của tiên đế là Tử An lên làm Tần vương. Sau này, Triệu Cao cũng không được chết tử tế. Tháng 9 cùng năm, thái giám này bị xử tử, còn lĩnh án tru di tam tộc.
Thái giám giết vua đã trở thành "truyền thống" trong lịch sử Trung Quốc.
Bị con giết
Giết cha và hành thích vua đều là “thiên hạ đệ nhất tội”, là đại nghịch bất đạo, là tội ác tày trời.
Mặc dù có kỷ cương quân – thần, có quy củ phụ - tử, nhưng việc trái với luân thường đạo lý vẫn thường xuyên phát sinh. Đặc biệt trong dòng tộc đế vương, việc con giết cha để lên ngôi cũng không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu.
Dân gian Trung Quốc vẫn lưu truyền rộng rãi án giết cha của Hoàng đế hoang dâm Dương Quảng. Dương Quảng vốn là con thứ của Dương Kiên.
Theo phong tục cũ thì ngôi hoàng tử “lập trưởng không lập ấu” (chỉ lập con trưởng, không lập con thứ), nên Thái tử chính là huynh trưởng Dương Dũng, còn Quảng vốn không có cơ hội làm Hoàng đế.
Nhưng Dương Quảng mưu đồ thâm độc, trước mặt cha mẹ tỏ ra muôn phần hiếu thuận, một mặt lại lập mưu rêu rao Thái tử muốn cho phụ hoàng chết sớm. Dương Kiên nghe xong vô cùng giận dữ, đã phế ngôi Thái tử của Dương Dũng, đưa con thứ lên thay thế.
Tháng 7 năm 604, Dương Kiên lâm trọng bệnh. Dương Quảng cho rằng thời cơ làm Hoàng đế đã tới, nên lên mưu đoạt quyền, không ngờ sự việc bại lộ, bị vua cha phát hiện.
Điều càng làm cho Dương Kiên căm tức là Dương Quảng còn tư thông với sủng phi của cha - Hoa phu nhân Trần thị.
Dương Kiên quyết định phế Dương Quảng, truyền ngôi cho Dương Dũng. Kết quả sự việc rò rỉ, đêm hôm ấy Dương Quảng xuống tay trước, đầu độc Dương Kiên chết trên giường bênh ở hành cung Nhân Thọ, sau đó kế vị, xưng là Tùy Dạng Đế.
Một án giết cha nổi danh khác là Đường Thế Tông Lý Thế Dân. Lý Thế Dân là vị vua có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc, được đánh giá là một vị hoàng đế tốt. Nhưng vị hoàng đế tốt này cũng không từ thủ đoạn để có được ngôi báu.
Tháng 6 năm Võ Đức thứ chín (năm 626), Lý Thế Dân phát động binh biến ở cung Huyền Vũ, đem Thái tử Lý Kiến Thành, Tề vương Lý Nguyên Cát và toàn bộ các hoàng tử khác giết chết. Sử cũ gọi đây là sự kiện “binh biến Huyền Vũ môn”.
Dưới tình huống như vậy, ngày 7 tháng 6, Lý Uyên buộc phải lập Lý Thế Dân làm Thái tử. Hai tháng sau, Lý Uyên nhường ngôi cho con, lui về làm Thái thượng hoàng, nhưng thực chất là bị giam lỏng.
Tháng 5 năm Trinh Quán thứ chín (năm 635), Lý Uyên qua đời. Khi ấy có người hoài nghi tiên đế chết vì Lý Thế Dân mưu sát. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh giả thuyết này.
Dù ở ngôi vị "cửu ngũ chí tôn", nhưng không ít Hoàng đế Trung Hoa đã bị chính con ruột ra tay sát hại.
Xoay quanh cái chết của Thanh Thái Tổ Huyền Diệp – tức Khang Hy Hoàng đế - cũng có người cho rằng ông bị con thứ tư là Ung Chính sát hại.
Huyền Diệp (1654 – 1722) là vị vua thứ tám của Thanh triều. Ông được đánh giá là vị hoàng đế có thành tựu lớn nhất của Đại Thanh, đồng thời là người khai sáng thời đại “Khang – Càn thịnh thế”, cũng là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Trung Hoa với 62 năm tại vị.
Sau khi qua đời, ông được an táng tại Cảnh Lăng. Cái chết của Huyền Diệp vẫn để lại nhiều nghi hoặc đối với hậu thế. Trước khi ông qua đời, một cuộc tranh đoạt ngôi vị của các hoàng tử đã diễn ra hết sức kịch liệt.
Sau này, Tứ Hoàng tử Dận Chân dựa vào thế lực của cậu ruột, lại có Niên Canh Nghiêu viện binh lực, đã lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Ung Chính.
Chính sử ghi rằng, Dận Chân kế vị theo đúng di chiếu của tiên đế, nhưng dân gian lại lưu truyền giai thoại cho thấy ông ta nhờ mưu sát cha đẻ mới được lên ngôi làm Hoàng đế.
Bị chú giết
Truyền thống thừa tự của đế vương là “lập trưởng không lập ấu”, “truyền đích bất truyền thứ” (chỉ lập con trưởng, chỉ truyền ngôi cho dòng trưởng).
Cho dù người anh trai làm Hoàng đế đã qua đời, thì ngay cả em ruột cũng không có cơ hội lên ngôi, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa, hay Tự Thái Tổ Triệu Khuông Dận.
Chính sự tồn tại của của truyền thống thừa tự này đã dẫn đến bi kịch cung đình.
Minh Thành Tổ Chu Đệ, so về vai vế chính là ở ngôi “thúc thúc” (chú ruột) của Kiến Văn đế Chu Doãn Văn.
Sau khi Hồng Vũ đế băng hà, Chu Doãn Văn lên làm Hoàng đế. Khi chuẩn bị tiến hành đăng cơ để từng bước diệt trừ chú ruột, thì người chú Chu Đệ (con thứ tư của Chu Nguyên Chương, em trai Hồng Vũ đế) đã khởi binh, phát động “Tĩnh nan chi dịch”.
Chu Đệ sau khi vào thành, việc đầu tiên là đi tìm Chu Doãn Văn, nhưng khi đó hậu cung bị hỏa hoạn, nên không tìm thấy được thi thể của Kiến Văn đế.
Tới vài năm sau, việc tìm kiếm thi thể của cháu ruột vẫn được Chu Đệ tiến hành. Có người còn cho rằng việc nhà thám hiểm Trịnh Hòa đến đại dương phía Tây thực chất cũng có mục đích tìm kiếm Kiến Văn đế.
Vào năm 1402, Chu Đệ lên ngôi Hoàng đế, năm sau đó sửa cũng tăng cường sức mạnh cho Minh triều.
Chân dung của thúc thúc Chu Đệ (bên trái) và cháu ruột Chu Doãn Văn.
Mặc dù là kẻ soán ngôi đoạt vị, nhưng Chu Đệ vẫn được đánh giá là một vị minh quân lưu danh sử sách, còn vị Minh Huệ đế Chu Doãn Văn thậm chí không được chính sử nhớ tới.
Huynh đệ tương tàn
Cũng chính vì truyền thống thừa tự “lập trưởng không lập ấu”, “lập đích không lập thứ”, nên dù rằng nhiều hoàng tử sinh sau đẻ muộn có tài năng, nhưng cũng không thể lên làm Hoàng đế. Hình thức chọn lựa người kế vị này dẫn đến việc bi kịch huynh đệ tương tàn.
Vào thời Thập lục quốc, sau khi Hán Hoàng đế Lưu Uyên qua đời, Thái tử Lưu Hòa kế vị. Kết quả là người em trai Lưu Thông không cam lòng, đem ca ca Lưu Hòa giết chết, tự mình lên ngôi Hoàng đế.
Nam Hán Thương đế Lưu Phân (920 – 943) kế vị vào năm 942, sau khi Cao Tổ Lưu Nham qua đời. Kết quả là năm thứ hai tại vị đã bị em trai là Tấn vương Lưu Hoằng Hi giết chết. Khi ấy, Lưu Phân mới 24 tuổi. Lưu Hoằng Hi lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Trung Tông.
Sau khi Lưu Phân bị giết, Lưu Hồng Hi tôn làm Thương đế (hoàng đế chết non), không có lăng tẩm an táng.
Bi kịch huynh đệ tương tàn là điều thường thấy trong hoàng thất Trung Hoa.
Hoàng đế Mân Tông Hoàn Nhan Đản của nhà Kim Tống là cháu trưởng của Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả, 17 tuổi đã lên ngôi. Từ nhỏ, Nhan Đản lớn lên cùng anh trai là Hoàn Nhan Lượng (Hải Lăng vương).
Vào tháng 12 năm Hoàng Thống thứ chín (năm 1149), Hoàn Nhan Lượng bí mật lẻn vào trong cung, cấu kết cùng thị thần, một đao giết chết em trai Hoàn Nhan Đản. Khi ấy, Mân Tông Nhan Đản 31 tuổi, sau được an táng tại Vu Tư lăng.
Bị mẹ giết
Tục ngữ có câu “hổ dữ không ăn thịt con”. Nhưng đối mặt với sự mê hoặc của ngôi vị “chí cao vô thượng” Hoàng đế, người mẹ vốn hiền lành cũng có thể trở thành hung ác.
Trong lịch sử Trung Quốc, “độc mẫu” (người mẹ độc ác) vốn không ít, ví như đệ nhất Hoàng hậu Tây Hán Lữ Trĩ, hay Đại Đường đệ nhất Hoàng hậu Võ Tắc Thiên, Đại Thanh đệ nhất Hoàng hậu Từ Hy,...
Lịch sử Trung Quốc đã ghi nhận những trường hợp Hoàng đế bị chính mẫu thân sát hại.
Túc Tông Nguyên Hủ (510 – 528) là con trai thứ hai của Võ Tông Nguyên Khác. Nguyên Hủ 6 tuổi đã được làm hoàng tử kế vị, nhưng mẹ ông là Hồ Thái hậu vì đam mê quyền lực, lấy lý do Hoàng đế còn nhỏ để lâm triều nhiếp chính.
Sau này, Hồ Thái hậu thẳng tay hạ độc giết chết con đẻ của mình. Nguyên Hủ qua đời khi mới 19 tuổi. Thái hậu còn giữ lại một chút mẫu tính, cho người xây dựng lăng tẩm an táng con trai, gọi là Định Lăng.
Bị vợ giết
Có câu “phu quý thê vinh” (chồng phú quý thì vợ được vinh hiển), có được người chồng làm Hoàng đế, đó chính là chuyện vẻ vang nhất thiên hạ. Nhưng trong lịch sử, có vị “đệ nhất phu nhân” vẫn không an phận.
Đường Trung Tông Lý Hiển (656 – 710), là con ruột của Cao Tông Lý Trị và Võ hậu Võ Tắc Thiên. Sau khi Lý Trị qua đời, Hoàng thái tử Lý Hiển khi ấy 28 tuổi được kế vị. Võ Tắc Thiên lâm triều xưng đế, sửa quốc hiệu thành “Chu”.
Lý Hiển sau đó bị phế làm Lư Lăng vương, được đưa về châu Thiên Phòng (Hồ Bắc ngày nay) để giam lỏng.
Vào năm Thánh Lịch thứ hai (698), Lý Hiển được đưa trở lại Đông Cung, phục hồi chức danh Thái tử. Vào năm Thần Long thứ nhất (705), Thừa tướng Trương Giản Chi nhân lúc Võ Tắc Thiên bệnh nặng, ủng hộ Lý Hiển lên làm vua, khôi phục quốc hiệu “Đường”.
Ngôi vị "mẫu nghi thiên hạ" chưa đủ để thỏa mãn lòng ham mê quyền lực của Vi Hoàng hậu.
Sau khi trở lại làm Hoàng đế, Lý Hiến yêu thương Vi Hoàng hậu không kém gì Cao Tông Lý Trị sủng ái Võ Tắc Thiên năm xưa.
Không chỉ vậy, ông còn cho vợ mình tham gia việc triều chính, lại phong vương cho cha vợ. Nhưng Vi Hoàng hậu vì muốn làm Hoàng đế như Võ Tắc Thiên, nên đã làm ra chuyện tàn ác hơn cả Võ hậu.
Vào năm Cảnh Lục thứ 6 (710), Vi Hoàng hậu bị tố dâm loạn trong hậu cung, vì lo lắng Lý Hiển truy cứu, nên đã liên thủ cùng Thái Bình công chúa cho độc dược vào bánh dâng lên Lý Hiển.
Vị Hoàng hậu này vì ham muốn quyền lực đã ra tay giết chết chồng mình để lâm triều nhiếp chính.
Bị cha giết
Trong lịch sử Trung Quốc, việc phụ thân giết nhi tử là điều hiếm thấy. Tuy nhiên cũng có trường hợp Hoàng đế giết Thái tử.
Có những vị Hoàng đế, Thái tử đã bị từng bị sát hại bởi chính phụ thân của mình.
Vào thời Ngũ đại thập quốc có vị vua thứ hai của Bắc hán là Duệ Tông Lưu Quân. Lưu Quân 15 tuổi kế thừa ngôi vị của Lưu Mân, vậy nhưng lại tôn Liêu chúa làm phụ hoàng. Ông yên phận làm “vua bù nhìn”, làm “con trai của Hoàng đế” nước Liêu, qua đời năm 43 tuổi.
Việc Lưu Quân qua đời vẫn bị nghi ngờ là do “phụ hoàng” là vua Liêu bày kế hãm hại. Lưu Quân cũng không có con ruột, chỉ có con nuôi là Lưu Kế Ân kế vị, nhưng Lưu Kế Ân làm vua chưa được 60 ngày đã bị giết chết.
Bị bà nội giết
Gia đình truyền thống của Trung Quốc là kiểu “cách đại thân” (gia đình nhiều thế hệ), nên ông bà nhiều khi còn gắn bó với cháu hơn cả cha mẹ. Nhưng lịch sử Trung Quốc từng ghi lại việc Hoàng đế bị chính bà nội giết chết. Người “bà nội” này chính là Lữ hậu – Lữ Trĩ.
Lữ hậu đã chọn cách giết cháu nội để củng cố quyền lực của mình.
Hán Cao Hoàng hậu họ Lữ tên Trĩ (241 – 180 TCN), là Hoàng hậu của Hán Cao Tổ Lưu Bang (202 – 195 TCN). Sau khi Cao Tổ qua đời, bà được tôn làm Hoàng Thái hậu.
Đây chính là vị Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời bà cũng là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nắm quyền chuyên chế, trị vì Hán triều tới 16 năm.
Sau khi Hán Cao Tổ băng hà, con trai 8 tuổi là Lưu Doanh kế vị, sử gọi là Hán Huệ Đế. Lưu Doanh tuổi còn nhỏ, nên quyền hành đều nằm trong tay Lữ hậu. Vào năm 188 TCN, Lưu Doanh khi ấy chỉ mới 21 tuổi đã đột ngột qua đời.
Lữ hậu liền lập một Thiếu Đế, tiếp tục nắm quyền triều chính trong 8 năm.
Lưu Doanh vốn không có con, để quyền lực không rơi vào tay người khác, Lữ Trĩ đã sai một cung nữ đưa một em bé mới sinh vào cung, tuyên bố với thiên hạ rằng đây là con của Lưu Doanh và Hoàng hậu mới sinh, cũng là cháu ruột của mình.
Lữ Trĩ làm việc rất nhanh gọn, đem mẹ đẻ của đứa bé cùng cung nữ diệt khẩu. Sau này, Thiếu Đế biết Lữ hậu giết mẹ ruột của mình, trong lòng không phục, buông lời oán hận.
Điều này khiến Lữ Trĩ lo lắng Thiếu Đế sau này sẽ khó điều khiển, nên đã tìm cách đầu độc Thiếu Đế, sau đó đưa một đứa trẻ khác là Thường Sơn vương Lưu Nghĩa lên ngôi, còn bản thân tiếp tục giữ việc triều chính.
Bị ông ngoại giết
Theo lẽ thường, việc lựa chọn Hoàng đế không bao giờ có phần ông ngoại. Nhưng vào năm 581, một người ông đã nhẫn tâm giết cháu ruột để tự mình lên làm Hoàng đế.
Người ông ngoại lòng dạ như lang sói này chính là vị vua khai quốc của nhà Tùy – Tùy Cao Tổ Dương Kiên.
Tùy Cao Tổ Dương Kiên đã thẳng tay hạ sát cháu ngoại để lên ngôi Hoàng đế.
Dương Kiên (541 – 604) là cha vợ của Tuyên đế Bắc Chu Vũ Văn Vân (Bắc Chu thuộc Bắc triều vào thời Nam – Bắc triều), là cha ruột của Hoàng hậu Dương thị.
Tháng 2 năm 579, Vũ Văn Vân tự xưng làm Thiên Nguyên Hoàng đế, nhường ngôi cho Thái tử Vũ Văn Diễn khi đó mới 7 tuổi. Vì Văn Diễn còn nhỏ, nên ông ngoại là Dương Kiên lo việc phụ tá triều chính, nhưng thực chất là nắm toàn bộ quyền hành.
Tháng 2 năm 581, Dương Kiên trực tiếp phế cháu mình là Vũ Văn Diễn, ép Văn Diễn đi tu. Ba tháng sau, Văn Diễn qua đời, nhà Bắc Chu diệt vong. Dương Kiên khi đó 41 tuổi, tự lập quốc hiệu là “Tùy”, thành lập nên nhà Tùy tồn tại 38 năm trong lịch sử Trung Quốc.