Giật mình trước khối tài sản của đại tham quan khét tiếng nhất TQ

Trần Quỳnh |

Tham quan Trung Quốc thời nào cũng có, nhưng tham ô tới trình độ "bậc thầy" như Hòa Thân thì lại là một trường hợp "xưa nay hiếm"!

Thời gian vừa qua, Trung Quốc ghi nhận không ít những trường hợp tham quan “ngã ngựa”. Lấy tiền công để làm việc riêng mà không hề suy nghĩ đến nhân dân, đất nước, đó chính là cách hành xử của những kẻ bị xem là "tội nhân của dân tộc".

Nói đến “truyền thống tham ô”, không thể không nhắc tới "đại danh" một tiền bối vô cùng nổi tiếng của các tham quan nước này - Hòa Thân!

Ước tính với đơn vị tiền tệ hiện tại, số tài sản tham ô của vị quan đại thần này lên tới 275 tỷ nhân dân tệ. Dưới bầu trời của Hoàng đế lại có thể bỏ túi được một số tiền khổng lồ như vậy, đủ để thấy quyền lực của Hòa đại nhân khi đó lớn tới thế nào.


Chân dung Hòa Thân - bậc thầy tham ô nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Chân dung Hòa Thân - "bậc thầy" tham ô nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

Ngày 1 tháng 7 năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), Hòa Thân ra đời trong một gia đình Phó đô đốc tại Phúc Kiến. Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha.

May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.

Sau này, Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.

Vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ. Sau đó, Hòa Thân cùng bạn đồng học làm người khênh kiệu cho phủ Đô úy.

Tới năm 22 tuổi, Hòa Thân mới làm đến chức thị vệ. Một năm sau, ông có cơ hội phô diễn tài năng của mình trước mặt Hoàng đế, nên nhanh chóng trở thành cận thần thân tín của nhà vua.


Việc được Càn Long trọng dụng và dung túng đã khiến Hòa Thân phất lên như diều gặp gió. (Ảnh minh họa).

Việc được Càn Long trọng dụng và dung túng đã khiến Hòa Thân phất lên như diều gặp gió. (Ảnh minh họa).

Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện bản lĩnh quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của họ Hòa này từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.

Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng ba năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.

Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình.

Cũng từ đây, vị quan họ Hòa này dấn thân vào con đường tham ô. Cái "nghiệp" làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tối tận lúc qua đời.

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc.

Vụ án nhiều ngày không tiến triển, chỉ đến khi Hòa Thân dùng hính bức cung quản gia Triệu Nhất Hằng, việc tham ô của Lý Thị Nghiêu mới lộ ra chân tướng.

Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút “bỏ túi” được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.

Sau này, con trai ông là Phong Thân Ân Đức được Càn Long gả cho Thập công chúa. Hòa Thân từ đó càng được thêm nhiều người nịnh bợ. Từ chỗ không nhận hối lộ, ông bắt đầu tham ô, kết đảng, hình thành thế lực khuynh đảo triều đình.

Thủ đoạn tham ô của đại tham quan họ Hòa cho tới sau này vẫn được xem là những kế sách cao minh cho những quan tham ngày nay... học tập! Vậy nhưng, Hòa Thân “phất lên” không chỉ dựa vào bản thân, mà còn một “pháp bảo”. Đó chính là Càn Long Hoàng đế.

Vì yêu quý vị đại thần này, Càn Long nhiều lần bao che, xử nhẹ, đối với Hòa Thân việc gì cũng “mắt nhắm mắt mở”. Phải đến thời Gia Khánh, những mánh khóe tham ô của đại tham quan này mới bị vạch trần.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại