Giải mật kỳ án "hoàng đế không ngai" quyền lực nhất triều Thanh

Như Quỳnh |

Cho đến ngày nay, "chuyện tình" giữa Hiếu Trang Hoàng hậu và "ông vua không ngai" Đa Nhĩ Cổn vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất Thanh triều.

Hiếu Trang là một trong những vị Hoàng hậu nổi tiếng nhất trong lịch sử Thanh triều nhờ bản lĩnh và thành tựu chính trị xuất sắc.

Bà từng là Trang phi của Hoàng Thái Cực - hoàng đế thứ 2 triều Thanh - và sau này được phong Hiếu Trang Văn Hoàng hậu.

 

Họ tên đầy đủ của Hiếu Trang Văn hoàng hậu là Bác Nhĩ Tề Cát Đặc Bố Mộc Bố Thái.

Bà nguyên là Cách cách thuộc bộ tộc Bác Nhĩ Tề Cát Đặc, con gái của Trại Tang - một Bối lặc của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm Mông Cổ và là hậu duệ đời thứ 18 của Cáp Tát Nhĩ - em trai Thành Cát Tư Hãn .

Sau khi con trai bà là hoàng tử Phúc Lâm lên ngôi trở thành hoàng đế Thuận Trị, Hiếu Trang được phong làm Chiêu Thánh Từ Thọ hoàng thái hậu vào tháng 8/1644.

Cùng năm, bà theo Thuận Trị tiến về kinh đô Bắc Kinh, sau khi Tổng binh Sơn Hải Quan là Ngô Tam Quế mở cửa cho Hòa Thạc Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn dẫn binh nhập quan.

Lúc này, Hiếu Trang chỉ mới 32 tuổi và đã trở thành người phụ nữ có thân phận tôn quý nhất vương triều Thanh thời điểm đó.

Đồng thời, bà cũng là "nhân vật chính" của một trong 4 bí ẩn lớn nhất Thanh triều, tức câu chuyện tình của Hiếu Trang với "Hoàng phụ Nhiếp chính vương" Đa Nhĩ Cổn.

"Tam sao thất bản" chuyện tình Thái hậu và Nhiếp chính vương

Báo Hoa Thương (Trung Quốc) cho biết, chuyển về Bắc Kinh sau 20 năm sống ở Thẩm Dương, cuộc đời của Hiếu Trang đã hoàn toàn thay đổi.

Vài năm đầu ở kinh thành, mặc dù chính thất của Hoàng Thái Cực là Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu vẫn còn khỏe mạnh, song địa vị thua kém Hiếu Trang bởi hoàng đế là con ruột của bà.

Bên cạnh đó, Thuận Trị tuổi còn nhỏ, cho nên dù muốn hay không thì Hiếu Trang - trong vai trò Mẫu hậu Hoàng thái hậu - vẫn trở thành người phụ nữ trẻ được chú ý nhất trong Hoàng cung.

Trong triều đình Thanh thời điểm đó, nhân vật quyền cao chức trọng và có công lao cái thế bậc nhất không ai khác ngoài Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn - em trai cùng cha khác mẹ với Hoàng Thái Cực.

Được biết đến là một trong những hoàng thân nổi tiếng nhất Thanh triều, thậm chí nắm trong tay quyền lực như một "hoàng đế không ngai", Đa Nhĩ Cổn chính là người đưa ra quyết sách trong hầu hết vấn đề quân cơ của triều đình.

Sau khi Thanh quân nhập quan và trở thành đế quốc số 1 châu Á, cái tên Hòa Thạc Duệ Thân Vương được các học giả hiện đại xem như "biểu tượng quyền lực" của triều đại này.

Song song với sự nổi tiếng Đa Nhĩ Cổn và Hiếu Trang Hoàng hậu, mối quan hệ gia đình-chính trị mật thiết của 2 nhân vật này đã nhanh chóng trở thành đề tài đàm tiếu của các phương tiện truyền thông "ngầm" vào thời đó.

Vô số tác giả dân gian với các bộ sách kiểu "bại quan dã sử" hay tiểu thuyết dung tục đã không bỏ lỡ cơ hội "tô vẽ" không ít phiên bản câu chuyện "Thái hậu gả chồng".

Trang Phượng Hoàng trích dẫn một trong những tình tiết lưu truyền khá rộng rãi và được xây dựng thành một "tấn hài kịch".

Theo chi tiết dã sử này, do các đại thần trong triều cùng dâng tấu, Hoàng đế Thuận Trị vốn hiếu thuận đã hạ chỉ... ban hôn cho Hoàng thái hậu và Nhiếp chính vương, bởi "xót thương thái hậu còn trẻ mà đã cô quả nơi cung cấm".

Có "phiên bản" ly kỳ hơn nói rằng, Thái hậu và Nhiếp chính vương dù hay gặp mặt trong cung nhưng lại không thể công khai thể hiện tình cảm, nên Hiếu Trang quyết định... giả chết, cải trang thành nhũ mẫu của Thuận Trị để lọt vào phủ Duệ Thân Vương...

Phượng Hoàng bình luận, những câu chuyện truyền kỳ như vậy thường có tình tiết ly kỳ, rất thu hút được dư luận trong vai trò "chuyện thâm cung bí sử", nhưng nếu đối chiếu với lịch sử thì thấy rõ đó chỉ là những lời thêu dệt hoang đường.

Trên thực tế, Thuận Trị không ban hôn cho Thái hậu, Nhiếp chính vương không góa vợ và bản thân Hiếu Trang cũng không có chuyện "giả chết để vào phủ Đa Nhĩ Cổn".

 

Đa Nhĩ Cổn (1612-1650) là hoàng tử thứ 14 của khai quốc hoàng đế Thanh triều Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ông bắt đầu dùng họ Aisin-Gioro (Ái Tân Giác La) như các anh em sau khi Nỗ Nhĩ lên ngôi Đại Hãn năm 1616.

Uy quyền của Đa Nhĩ Cổn trở nên tột đỉnh, khi ông chỉ cần lợi dụng một thế cờ mà dễ dàng lấy được cả giang sơn Trung Hoa về cho nhà Thanh.

Năm 1645, ông được phong làm Hoàng Thúc Phụ Nhiếp Chính Vương.

Không lâu sau đó, năm 1648, ông được gia phong trở thành Hoàng Phụ Nhiếp Chính Vương.

Nghi vấn tước phong của "Hoàng phụ Nhiếp chính vương"?

Nếu đơn thuần chỉ là những câu chuyện đến từ dân gian, mối quan hệ giữa Hiếu Trang-Đa Nhĩ Cổn đương nhiên không thể trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất triều Thanh.

Những người đặt ra giả thuyết về chuyện tình của "cặp đôi quyền lực này" cũng nêu lên không ít bằng chứng lịch sử để củng cố quan điểm.

Thứ nhất, vào năm Thuận Trị đầu tiên, nhà thơ Trương Hoàng Ngôn có viết một bài thơ tựa đề là “Xây Di Cung Từ”. Trong thơ có viết:

“Thượng thọ vi lễ hợp cẩn tôn, Từ Ninh trong cung lan doanh môn

Xuân quan tạc tiến tân ghi chú, đại lễ cung phù thái hậu hôn.”

Đại ý bài thơ là trong cung Hoàng thái hậu đang tổ chức tiệc cưới, mọi người dựa theo sự ban bố của Lễ bộ chúc mừng hôn sự của Thái hậu.

Đương nhiên, tân lang tân nương trong hôn lễ được nhắc tới chính là Hiếu Trang Hoàng thái hậu và Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn.

Thời gian sáng tác của bài thơ không hề bị hoài nghi, thậm chí được coi là ghi lại sự kiện mang tính chất thời sự đương thời, nên khiến nhiều người lầm tưởng đây là sự thực.

Tuy nhiên, cần phải xét tới tác giả của bài thơ nhiều hơn là thời điểm sáng tác.

Trương Hoàng Ngôn trên thực tế từng làm Binh bộ Thượng Thư triều Nam Minh, là nhân vật mang đậm tư tưởng "phản Thanh phục Minh".

Trương Hoàng Ngôn chinh chiến hàng chục năm ở Chiết Giang-Phúc Kiến, ngày đêm nuôi quân nhằm lật đổ Thanh triều.

Ông viết bài thơ này có thể dùng vào mục đích bôi nhọ hoàng thất nhà Thanh, cũng được coi là một thứ “vũ khí tuyên truyền” chống Thanh.

Chính vì vậy, các nghiên cứu hiện đại chỉ ra, không thể coi bài thơ trên mang tính khách quan, thậm chí rất có thể sự việc trong thơ hoàn toàn là bịa đặt, không thể tính là chính sử.

Thứ hai, vào năm 1947, một người tên Lưu Văn Hưng đăng tải bài viết, tự xưng cha mình từng chính mắt nhìn thấy "bản gốc chiếu thư ban hôn cho Hiếu Trang Văn Hoàng hậu" và tuyên bố "chiếu thư vẫn được cất giấu trong Cố Cung".

Theo báo Hoa Thương, dư luận sau đó đích thực đã được nhìn thấy một số văn kiện của Thanh triều mà Lưu nhắc tới, nhưng trong suốt hơn 60 năm sau đó, các chuyên gia Trung Quốc đã "lật tung" cả Cố Cung cũng không tìm thấy tung tích "chiếu thư" nói trên.

Nói cách khác, bằng chứng xác thực nhất về "hôn sự" của Bố Mộc Bố Thái và Đa Nhĩ Cổn - nếu có tồn tại thực - cũng đã "không cánh mà bay".

Thứ ba, có ý kiến nói rằng sử sách Thanh triều đã chứng minh, vào năm Thuận Trị thứ 8, trong bản hạch tội Đa Nhĩ Cổn (lúc này ông đã mất) từng có đoạn “Thân chí hoàng cung nội viện”, sau bị xóa đi để "che giấu hôn sự giữa Thái hậu và Duệ Thân Vương".

Luận điểm này cũng bị không ít học giả phản bác vì sự hoang đường, bởi nếu Thuận Trị đã từng hạ chiếu ban hôn cho Thái hậu và công cáo thiên hạ, thì việc Nhiếp chính vương vào cung gặp gỡ "vợ" mình đã trở thành... chuyện thường, có gì để hạch tội?

Thứ tư, chứng cứ được cho là "thuyết phục" nhất về "chuyện tình" này là việc Thuận Trị sắc phong Đa Nhĩ Cổn thành "Hoàng phụ Nhiếp chính vương" vào năm 1648.

Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, "Hoàng phụ" chỉ đơn thuần là "phong hiệu" nhằm ghi nhận công lao bình định Trung Nguyên của ông, và thực chất là sự "nâng cấp" của tước hiệu "Thúc phụ Nhiếp chính vương" mà thôi.

Hiếu Trang Văn Hoàng hậu là một trong những nữ nhân kiệt xuất nhất triều Thanh.

Hiếu Trang Văn Hoàng hậu là một trong những nữ nhân kiệt xuất nhất triều Thanh, góp phần củng cố quyền lực thống trị của con trai bà - Thuận Trị và cháu nội Khang Hy.

Căn cứ thực tế

Dựa theo lễ tiết phong tục đương thời, việc một đương kim Thái hậu gả cho một vị quan, dù là người trong hoàng thất, cũng có rất nhiều điểm không tương xứng.

Có người cho rằng, phong tục của người Mãn có lệ “Thê mẫu báo tẩu” cho phép phụ nữ góa chồng được tái giá.

Chính vì vậy, việc Hiếu Trang Hoàng Thái hậu tái giá với Đa Nhĩ Cổn cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên giả thiết này không có cơ sở xác thực.

Thứ nhất, việc Mãn tộc cho phép quả phụ tái giá có thể tái hôn là có thật. Nhưng phong tục này không mang tính ràng buộc tất cả phụ nữa góa chồng đều phải... đi bước nữa.

Thứ hai, mặc dù quả phụ được phép tái giá, tuy nhiên trong xã hội coi trọng đẳng cấp lúc bấy giờ, việc  một người là “chủ tử” gả cho một “nô tài” là điều không hợp lý.

Hoàng Thái hậu và Đa Nhĩ Cổn đều là người trong hoàng thất. Nhưng xét về đạo quân-thần trong “Tam cương” của Nho giáo, thì Hiếu Trang vẫn là bậc “quân”, còn Đa Nhĩ Cổn dù chức vị cao đến đâu, vẫn chỉ là “thần”, là “nô tài”.

Kẻ làm bề tôi mà "dám" sánh ngang với bậc chủ tử là điều phạm thượng, thậm chí là tội mất đầu. Chính vì vậy, hôn sự này xét về thân phận là hoàn toàn không tương xứng.

Một luận điểm khác được cho là tương đối hợp lý, nói rằng Hiếu Trang vì muốn con trai thừa kế ngai vàng nên phải hạ mình phó thác vận mệnh của Phúc Lâm cho Đa Nhĩ Cổn.

Và để Đa Nhĩ Cổn không thừa cơ đoạt vị, Hoàng Thái hậu này buộc phải “lấy thân báo đáp”. Tuy nhiên giả thiết này có nhiều điểm bất hợp lý.

Thuận Trị nối ngôi khi tuổi còn nhỏ, thực chất chỉ là Hoàng đế trên danh nghĩa, mọi quyền hành đều nằm trong tay Nhiếp chính vương.

Luận về quyền thế, tài cán, danh vọng, tiểu Hoàng đế đều không có cơ hội giữ ngôi nếu Đa Nhĩ Cổn có dụng tâm đoạt vị.

Ngược lại, nếu Đa Nhĩ Cổn tạo phản đăng cơ thì chính Hiếu Trang - dù muốn hay không - cũng có khả năng bị ông "nạp phi" danh chính ngôn thuận, chứ không phải hứng "búa rìu dư luận".

Có thể nói, khi mọi quyền lực chính trị và quân sự Thanh triều đã nằm trong tay, Duệ Thân Vương không cần phải thỏa thuận với bất kỳ ai để có được thứ mình muốn.

Lịch sử hiện đại chỉ có thể giải thích rằng, ông đã không sử dụng quyền lực đó để đoạt ngôi của cháu mình.

Lời kết

Nghi án về “hôn sự của Thái hậu” suốt mấy trăm năm qua đã trở thành giai thoại về Thanh triều được lưu truyền nhiều nhất trong dân gian. Tuy nhiên số người thực sự tin tưởng vào sự kiện bí ẩn lại không nhiều.

Vậy nhưng có không ít người vẫn cố hữu muốn chứng minh sự kiện mười phần hoang đường này là sự thật, thậm chí còn lấy danh nghĩa của Tào Tuyết Cần (tác giả bộ "Hồng Lâu Mộng") hay Khang Hy Hoàng đế để xếp vào hàng “nhân chứng”.

Một đồn mười, mười đồn trăm, sự kiện vốn dĩ là “Thanh triều đệ nhất nghi án” này không còn đơn thuần là “thâm cung bí sử”, mà đã trở thành “tin đồn” với nhiều tình tiết được thêm thắt, hư cấu, khiến hậu thế khó có thể phân biệt được đâu là sự thật, đâu là thất thiệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại