Đối với một tình yêu thực sự, khoảng cách địa lý không phải là vấn đề. Với hi vọng ấy, ngày càng nhiều các phụ nữ Trung Quốc đi tìm hạnh phúc của mình ở những khoảng trời khác bằng những cuộc hôn nhân với người nước ngoài.
Tuy nhiên, phía sau cuộc sống tưởng như đáng mơ ước của họ, những giọt nước mắt đắng cay có lẽ còn nhiều hơn cảm giác hạnh phúc ngọt ngào ít ỏi.
Từ những khác biệt nhỏ trong ăn uống…
Khác biệt rõ ràng nhất đó chính là về thói quen ăn uống. Người Trung Quốc có quan niệm: “Dưới ánh mặt trời, mọi thứ đều có thể ăn, ngoại trừ cái bàn.”
Một quý ông từng tâm sự: “Vợ tôi rất thích ăn cá. Tôi cũng thích ăn cá, nhưng không phải cái gì của con cá tôi đều sẽ ăn. Mỗi lần ăn cá cùng cô ấy đối với tôi lại là một cực hình.
Cô ấy thường nấu cá nguyên con, và tất nhiên là giữ lại cả đầu cá. Vì vậy mỗi lần trên bàn ăn có món cá, tôi lại có cảm giác đôi mắt trắng dã của con cá như đang nhìn chằm chằm vào tôi vậy.”
Một ông chồng khác lại cho biết: “Nếu bạn bắt gặp gặp người vợ của mình đun thuốc bắc hay nấu món súp kiểu Trung Quốc, thì bạn hãy cứ chuẩn bị tinh thần để nghe hàng xóm than phiền.
Gia đình tôi đã bị hàng xóm gọi điện báo cảnh sát ba lần vì điều đó, bởi họ tưởng chúng tôi đang điều chế... chất độc hóa học, bởi mùi của thuốc bắc thường bay rất xa.”
Những ông chồng người nước ngoài có không ít lần bị dọa bởi các món ăn từ chính người vợ Trung Quốc của mình chế biến.
Nếu nói về gia vị, thì Trung Quốc quả thực là xứ sở đào tạo ra những người giỏi ăn cay. Họ có đủ các loại gia vị làm từ ớt: tương ớt, dầu ớt, hạt tiêu cay… Những thứ gia vị này nhiều khi cũng khiến các ông chồng phương Tây “chết khiếp” vì tài nêm nếm của vợ mình.
“Vợ tôi còn đùa rằng, một ngày nào đó nếu nước Mỹ đói kém, cô ấy sẽ không ngần ngại…hầm tôi lên để ăn.” – một đức ông chồng hoảng sợ trước “lời đùa” của vợ mình.
Người Trung Quốc ít khi sử dụng máy rửa bát vì họ cho rằng nó không đủ sạch.
… cho tới những khoảng cách lớn trong sinh hoạt
Có nhiều thói quen của phụ nữ Trung Quốc khiến những người chồng nước ngoài cảm thấy khó hiểu. Họ muốn bọc lại tất cả mọi thứ.
Sàn nhà luôn có một lớp thảm dày, đàn piano cũng phủ khăn, thậm chí cả điều khiển cũng có vỏ bọc… điều này khiến các đức ông chồng đôi khi dở khóc dở cười.
Đối với người phương Tây, họ chỉ yêu cầu những đồ nội thất trong nhà đơn giản và tiện dụng. Còn đối với người Trung Quốc, đồ nội thất càng cầu kỳ, xa hoa càng tốt, vì họ dùng chúng với mục đích trang trí và phô trương.
Sự khác biệt trong văn hóa thậm chí còn đem lại rắc rối mỗi khi vợ chồng bất hòa. Đối với một người vợ kiểu Mỹ, khi cãi vã, bạn chỉ cần đơn giản nói xin lỗi. Nhưng đối với người vợ Trung Quốc, bạn phải luôn nói là bạn sai rồi.
Điều khổ sở nhất với các quý ông Âu Mỹ khi lấy vợ Trung Quốc là mỗi lần định ra ngoài, họ luôn bị “bức cung” với những câu hỏi kiểu như “đi đâu”, “đi với ai”, “đi với cô gái nào, bao nhiêu tuổi, có đẹp không”, “chẳng lẽ có vợ rồi vẫn không đủ hay sao mà anh lại đi tìm người phụ nữ khác”…
Đối mặt với những lời tra hỏi như vậy, các đức ông chồng chỉ có thể “xin hàng” bằng cách nói: “Vâng, anh không đi nữa!”
Đối với những người vợ Trung Quốc, thói quen “càm ràm”, làu bàu, chê bai chồng của họ thực sự nên đưa vào danh sách “cai nghiện”. Bởi chúng khiến những ông chồng người nước ngoài của họ cảm thấy vô cùng đau đầu vì bị trách móc không lý do.
Chưa dừng lại ở đó, khi một người đàn ông nước ngoài “lỡ” kết hôn với người vợ Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa với việc anh chàng này đã “kết hôn” với cả gia đình cô ấy.
Bởi rất nhanh sau đó, bố vợ, mẹ vợ, em vợ, chị vợ,…gần như tất cả những người trong gia đình cô dâu sẽ nhanh chóng vượt đại dương để tới nhà của bạn.
Một ông chồng nước ngoài phàn nàn về điều này: “Tôi là một phần của gia đình kiểu Mỹ, nhưng chỉ trong chớp mắt, nó đã bị “chiếm đóng” bởi người Trung Quốc.”
Sau khi người Trung Quốc “chiếm đóng” thành công căn nhà của một người chồng nước ngoài, anh chàng này sẽ nhanh chóng mất đi sự riêng tư.
Ví dụ đơn giản là việc mỗi sáng, trong lúc anh ta đang ngồi trong nhà vệ sinh, bố vợ Trung Quốc của anh ta sẽ thản nhiên đi vào đánh răng rửa mặt và thực hành tiếng Anh với con rể bằng các mẫu câu kiểu như: “How old are you?” “And you?”
Một người đàn ông Scotland sau khi lấy vợ Trung Quốc đã than thở: “Mở ngăn kéo ra, tôi chỉ thấy toàn đũa. Tha cho tôi đi, làm sao cô ấy có thể tra tấn tôi bằng cách dùng đũa để gắp đậu phộng cơ chứ?”
Trong vấn đề tiền bạc, các ông chồng người nước ngoài cũng rất đau đầu với những cô vợ Trung Quốc của mình. Phụ nữ Trung Quốc luôn có quan niệm, kể từ khi lập gia đình, người vợ sẽ nắm hoàn toàn quyền kiểm soát kinh tế và chi tiêu.
Có lần, một ông chồng nước ngoài đã phải “hứng chịu” cơn giận dữ của vợ khi hỏi về tiền, và liên tục bị trì chiết: “Anh định lấy tiền của tôi à?”
Ngay cả trong những việc nhỏ nhặt, người nước ngoài và người Trung Quốc cũng có những thói quen rất khác nhau.
“Trong nhà riêng của tôi, mỗi khi tôi đi tới đâu, cha vợ và mẹ vợ luôn đi theo sau để…tắt đèn! Nói vui thì là, mỗi bước chân tôi đi qua, phía sau đó đều là tăm tối.” – một ông chồng nước ngoài dở khóc dở cười.
Và cả những mâu thuẫn trong quan điểm nuôi dạy con cái
Tất nhiên, những khác biệt về thói quen ăn uống hay sinh hoạt đều có thể điều chỉnh. Tuy nhiên quan niệm về vấn đề nuôi dạy con cái thì không dễ dàng dung hòa như vậy.
Người Mỹ luôn muốn con cái họ được hạnh phúc và vui vẻ. Chính vì vậy, họ để con mình tự do lớn lên, tự do phát triển, tự do làm điều mình thích, tự do lựa chọn,…Tuy nhiên người Trung Quốc lại không thoải mái như vậy.
Trong mắt người phương Tây, phương pháp dạy con của người Trung Quốc bị coi là “hà khắc”.
Ngay từ tiểu học, những đứa trẻ được nuôi dạy kiểu Trung sẽ phải học hàng tá những thứ như piano, học võ thuật, học tiếng Trung, học Toán,…
Những thiếu niên Trung Quốc hầu như dành hết cả tuổi thanh xuân của mình cho việc học, để rồi sau đó nhanh chóng lên làm thạc sỹ, tiến sỹ, hoàn toàn mất đi tuổi trẻ, tiếp tục làm việc cất lực và cuối cùng nghỉ hưu ở tuổi ba mươi, rồi đến bốn mươi tuổi đã qua đời vì kiệt quệ.
Tất cả những điều trẻ em thích chơi, thích làm, ngạc nhiên thay, đều bị cha mẹ người Trung Quốc cấm đoán.
Người Trung Quốc luôn đặt ra cho mình hàng tá những mục tiêu trong cuộc sống, từ mua nhà, mở công ty, cho tới gửi tiền tiết kiệm để an dưỡng,… Chính vì vậy họ cũng luôn đặt ra cho con trẻ vô số những mục tiêu để phấn đấu ngay từ khi còn bé.
Một người chồng nước ngoài thậm chí đã khuyên vợ mình nên sống thảnh thơi hơn, bởi theo anh “không tận hưởng cuộc sống chính là một tội lỗi.”
Tuy nhiên người vợ Trung Quốc của anh chỉ thản nhiên đáp lại: “Người Trung Quốc chúng em có sức khỏe, có tuổi thọ tốt, hoàn toàn có thể chịu đựng được nhiều hơn những tội lỗi kiểu như anh nói.”
Bỏ ngoài tai tất cả những lời tâm sự đầy cay đắng về rào cản văn hóa khi lấy chồng nước ngoài, nhiều phụ nữ Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả với mong ước lấy chồng Tây để đổi đời.
Trong mắt nhiều cô gái Trung Quốc chưa từng trải, những người đàn ông phương Tây đẹp như những hoàng tử, với vóc dáng cao lớn và ngoại hình nam tính.
Họ cũng là kiểu đàn ông lãng mạn với những nụ hôn chào buổi sáng trước khi đi làm. Họ còn là những ông chồng “hữu dụng” khi có thể sửa chữa máy móc, lắp đặt các thiết bị trong gia đình, trong khi đàn ông Trung Quốc có khá ít người đụng tay vào những việc mà họ cho là “việc vặt” như vậy.
Vậy nhưng cuộc sống của những cô dâu Trung Quốc tại trời Tây với những đức ông chồng trong mơ lại không hoàn toàn là màu hồng như nhiều người tưởng tượng.
Với những rào cản về văn hóa, họ phải chịu cảnh cô đơn nơi xứ người. Có đôi khi, họ gọi điện về nhà chỉ để nghe thứ ngôn ngữ quê hương thân thuộc, bởi ở chân trời xa lạ này, ngôn ngữ mà họ nghe được chỉ nửa hiểu nửa không.