Mỗi sáng, hơn 30.000 công nhân dọn ống cống đổ đi khắp các ngả đường ở Mumbai.
Những người công nhân này làm việc dưới sự quản lý của Hội đồng Thành phố Brihanmumbai. Công việc của họ là dọn dẹp các ống cống, rãnh nước, thu gom và vận chuyển rác thải tới các hố rác và dọn dẹp đường phố.
Công việc của họ vô cùng quan trọng nhưng lại không được coi trọng.
Thành phố Mumbai là một thành phố lớn có tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của Ấn Độ. Mumbai hiện có tới hơn 12 triệu dân. Với mật độ dân cư đông đúc như vậy, những người công nhân vệ sinh này phải thu gom hơn 6.500 tấn rác thải mỗi ngày.
Có một điều đặc biệt, đó là những người công nhân này đều là người Dalit - những người sống dưới đáy xã hội của Ấn Độ. Họ bị áp bức. Họ không được hưởng cả các nhu cầu cơ bản nhất như cơm ăn áo mặc, môi trường sống sạch sẽ và cả giáo dục.
Ở Ấn Độ, cộng đồng người Dalit bị xếp ngang hàng với súc vật. Họ không được thừa nhận quyền con người và phải làm những công việc bẩn thỉu kinh tởm nhất mà không ai thèm đoái hoài đến.
Anh Sudharak Olwe, một phóng viên ảnh tư liệu ở Mumbai đã chia sẻ với Quartz rằng trong xã hội Ấn Độ, không một ai để ý tới những người Dalit làm công việc hèn mọn này.
Trong suốt một năm qua, Olwe đã theo chân họ đi khắp mọi nơi với mong muốn Hội đồng Thành phố để ý đến và tạo điều kiện cho họ có một môi trường sống và làm việc tốt đẹp hơn.
Bộ ảnh mang tiêu đề “In Search of Dignity and Justice” (Hành trình đi tìm công lý và nhân phẩm) của Olwe đã ghi lại một cách chân thực cuộc sống dưới những ống cống của thành phố, nơi bóng tối ngự trị và hi vọng chẳng có cơ hội để lên ngôi.
Theo nhiếp ảnh gia đến từ Mumbai, khi xông pha ra chiến trường, ít ra người ta còn được nhận bằng khen, huân huy chương.
Nhưng những người công nhân thầm lặng này, ngày ngày vẫn phải chiến đấu với bệnh tật, rác rưởi, điều kiện sống khổ cực thì lại chẳng nhận được gì ngoài sự thờ ơ của xã hội.
Khi bắt đầu công việc, những người công nhân vệ sinh này hoàn toàn bị cách li với thế giới bên ngoài. (Sudharak Olwe)
Ở các bãi chứa rác thải thường có một căng tin nhỏ. Tại đó, những người công nhân này có thể thay quần áo hoặc ngồi nghỉ trong giờ giải lao. (Sudharak Olwe)
Bà mẹ ba con (bên phải phía trên) này cũng là một công nhân vệ sinh. Cô đang sống cùng gia đình mình trên một khoảnh cầu thang nhỏ. (Sudharak Olwe)
Chỉ với một chiếc chổi dài, người đàn ông này phải cố gắng hết sức để quét từng bậc thang của chiếc cầu vượt. (Sudharak Olwe)
Trong đống rác thải mà những người công nhân này phải thu gom hàng ngày có cả xác động vật, thực phẩm thừa, dây thép, rác thải y tế, đường ống nước, mảnh gỗ, đá, mảnh thủy tính vỡ và cả lưỡi dao lam.(Sudharak Olwe)