Theo dự báo của BCG, vào năm 2019 tổng giá trị kinh tế châu Á sẽ đạt mức 75 ngàn tỉ USD so với 63 ngàn tỉ USD của Bắc Mỹ.
Trung Quốc sẽ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất tại châu Á. Theo dự đoán của BCG, họ sẽ chiếm 70% mức tăng trưởng của châu Á từ nay đến năm 2019 và vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới vào năm 2021.
Một xu hướng đáng quan tâm nữa là sự giàu có của thế giới đang được tập trung vào một bộ phận dân chúng nhiều hơn.
Theo thống kê vào năm 2012, tổng giá trị nền kinh tế thế giới được tập trung vào 38% những người giàu có, con số này trong năm 2014 là 42%, và sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Các gia đình với hơn 1 triệu đôla tiền tiết kiệm trong ngân hàng đã tăng trung bình 16% trong khi những người ít giàu hơn tăng 9%.
Theo đánh giá, sự giàu có này phần lớn là nhờ mức tăng trưởng cổ phiếu - vốn chiếm hơn 39% tài sản tư nhân trong thời điểm hiện tại. Sự xuất hiện tầng lớp giàu mới nổi ở châu Á cũng là một nguyên nhân dẫn đến điều này.
Tuy vậy, có một thực tế cần được nhìn nhận là châu Á tuy có tổng giá trị kinh tế cao hơn châu Âu, nhưng nếu xét về giá trị trung bình trên từng cá nhân thì lại là một câu chuyện khác.
Trong khi các hộ gia đình châu Âu hiện có khối tài sản khoảng 220.000 USD, ở Mỹ là 370.000 USD thì tại Trung Quốc chỉ là 72.000 USD.
Châu Á - Thái Bình Dương còn cho thấy một bức tranh ảm đạm hơn với giá trị trung bình 54.000 USD.
Do đó tuy châu Á đang nắm giữ vị trí đứng đầu thế giới về tổng giá trị kinh tế, nhưng để đạt đến sự thịnh vượng chung như châu Âu hay Bắc Mỹ đã thực hiện được thì vẫn còn một chặng đường dài nỗ lực.