Ngày 9.8, khi vụ bê bối rượu độc khiến hơn 100 người thiệt mạng vừa lắng xuống, cảnh sát Ấn Độ lại phát động một chiến dịch mới tuyên chiến với nạn “ăn cơm trước kẻng” và gìn giữ thuần phong mỹ tục của đất nước.
Theo đó, lực lượng cảnh sát trên đảo Madh và vùng Aksa ở Mumbai đã đồng loạt đột kích vào các nhà nghỉ, khách sạn tại khu vực mình quản lý và xông vào các phòng để kiểm tra.
Hơn 40 cặp tình nhân đã bị vây bắt và bị đưa đến đồn cảnh sát vì không chứng minh được họ là vợ chồng.
Sau khi bị đưa về đồn cảnh sát, những cặp tình nhân này đã bị các điều tra viên chửi bới, xúc phạm, và nhiều người, đặc biệt là các sinh viên đại học, đã bị buộc phải gọi điện cho bố mẹ đến bảo lãnh và nộp phạt.
Những người này sau đó bị truy tố với tội danh “có hành vi không đứng đắn nơi công cộng”, mặc dù họ bị “bắt quả tang” trong các phòng khách sạn, và bị phạt 1.200 rupee mỗi người (khoảng 18 USD) và được thả tự do sau gần 5 giờ bị sỉ nhục trong đồn cảnh sát.
Một nam thanh niên kể lại: “Cảnh sát công khai nhục mạ chúng tôi trước mặt những người khác, sau đó buộc chúng tôi phải gọi điện cho bố mẹ.
Khi bố mẹ đến nơi, cảnh sát lại tiếp tục sỉ nhục chúng tôi trước mặt họ, khiến họ cảm thấy tội lỗi như thể con mình đã phạm phải một tội ác nghiêm trọng”.
Cảm thấy bị sỉ nhục nặng nề sau vụ bắt bớ này, một cô gái 19 tuổi cho biết cô đã tính đến việc tự sát vì bị tổn thương, và vì bố mẹ không còn chịu nói chuyện với cô nữa.
Cô nói: “Tôi không thể bước ra khỏi nhà sau vụ việc này, và bố mẹ cũng không thèm nói một lời nào với tôi từ sáng nay”.
Một cô gái 21 tuổi khác đến khách sạn với người chồng sắp kết hôn vào tháng tới cho biết cô đã bị một nữ cảnh sát tát liên tiếp vào mặt vì không chịu nộp phạt và có lời lẽ phản đối hành động của cảnh sát.
Cô gái này cho biết: “Tôi không phải là gái mại dâm. Tôi là người trưởng thành đi chơi cùng với chồng sắp cưới để tìm kiếm chút không khí riêng tư.
Tôi đã đăng ký tên đàng hoàng với khách sạn, và giao nộp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của cảnh sát. Thế nhưng khi tôi nêu ý kiến phản đối, một nữ cảnh sát đã tát tôi”.
Cô nói tiếp: “Liệu người dân như chúng tôi còn có tự do nữa hay không? Làm sao cảnh sát có thể xâm phạm sự riêng tư của chúng tôi, sỉ nhục và phạt tiền chúng tôi như vậy.
Nếu muốn, hãy phạt chủ nhà nghỉ, khách sạn vì đã để những hành vi phi đạo đức như mua bán dâm xảy ra trong cơ sở của họ. Còn việc ‘tâm sự’ với bạn trai trong phòng kín không phải là hành vi không đứng đắn nơi công cộng”.
Vụ bắt bớ này cũng làm dấy lên làn sóng bất bình và phẫn nộ trong cộng đồng mạng của Ấn Độ.
Nhiều người cho rằng cảnh sát Mumbai đã làm ngơ trước tình trạng bán rượu độc, hiếp dâm mà chỉ tập trung vào bắt bớ những cặp tình nhân vô tội với những cáo buộc hết sức mơ hồ.
Có người còn bông đùa rằng đây là một trong những biện pháp hạn chế bùng nổ dân số của Ấn Độ.
Trong khi đó, tờ India AM2PM của Ấn Độ còn hướng dẫn các cặp đôi khi đến nhà nghỉ, khách sạn cần phải mang theo giấy đăng ký kết hôn, tránh trường hợp phải vào đồn cảnh sát và bị sỉ nhục trong nhiều giờ đồng hồ.
Cảnh sát Mumbai vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về phản ứng giận dữ của cộng đồng mạng, mà chỉ tuyên bố rằng những cặp đôi trên bị phạt theo Luật Cảnh sát Bombay, trong đó có 3 trường hợp bị xử phạt theo Luật Ngăn chặn Hành vi Phi đạo đức.
Cảnh sát cũng xác nhận một trường hợp khá hài hước, đó là trong khi các cặp đôi lố nhố đứng đợi cảnh sát giải về đồn, một tên trộm đã táo bạo tiếp cận và giật dây chuyền trên cổ của một “nữ nghi phạm” ngay trước mặt cảnh sát. Cảnh sát không bắt được tên trộm này và đã phát lệnh truy nã.