"Cắn răng" phong tước cho kẻ thù: Nước cờ "cay đắng" của Lưu Bang

Trần Quỳnh |

Ngay cả khi hận đến mức muốn phanh thây tên phản đồ này, Hán Cao Tổ Lưu Bang vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", ban thưởng và phong tước cho kẻ thù vì nhiều lý do.

Sau khi đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang giành được quyền thống trị, thành lập vương triều Tây Hán.

Đối với những huynh đệ từng vào sinh ra tử, nam chinh bắc chiến cùng mình, Hán Cao Tổ đều ban tước, phong thưởng vô cùng hậu hĩnh. Cái lợi từ chức tước, tiền bạc đã khiến không ít quan lại thi nhau “bắt quàng làm họ” vì mục tiêu truy cầu phú quý.

Vào năm thứ sáu dưới thời Cao Tổ, Lưu Bang đã làm nên một việc chấn động triều đình lúc bấy giờ. Đó chính là việc phong hầu cho Ung Xỉ - kẻ thù không đội trời chung của chính bản thân mình.

Vậy, vì sao một Hoàng đế nổi tiếng “thù dai” như Lưu Bang lại đưa ra hành đông khó hiểu như vậy?

Từ “đồng hương” biến thành kẻ thù “không đội trời chung”

Ung Xỉ (? – 192 TCN) là người huyện Bái (nay thuộc Giang Tô – Trung Quốc). Sinh thời, Xỉ cùng Lưu Bang từng là đồng hương (Lưu Bang là người huyện Phong, cũng ở đất Giang Tô).

Bản thân kẻ họ Ung này cũng một thời là “huynh đệ” được Lưu Bang tín nhiệm trong buổi hàn vi.

Lúc bấy giờ, sự chuyên chế, tàn ác của nhà Tần đã khiến nhân dân lầm than, nơi nơi oán thán. Sau khi Thủy Hoàng qua đời, Tần Nhị Thế lên ngôi, một loạt các cuộc khởi nghĩa nông dân đã bùng phát trên phạm vi rộng lớn.

Nhị Thế Hồ Hợi là một tên vua hèn kém nhưng tàn bạo. Dưới ách thống trị của vị Hoàng đế này, nhân dân lao động bị đàn áp về thuế khóa và các hình phạt vô cùng hà khắc.

Không cam chịu sự tàn ác của bạo chúa, nhiều nông dân đã phất cờ khởi nghĩa chống lại nhà Tần.

Năm đầu tiên Nhị Thế tại vị (209 TCN), khởi nghĩa Trần Thắng – Ngô Quảng bùng nổ ở xã Đại Trạch (nay thuộc huyện Túc, tỉnh An Huy).

Trước khi Thắng – Quảng phản Tần, Lưu Bang ở trạm Chãm Phong Tây đã tỉ mỉ bày ra kế hoạch “tung đồ khởi nghĩa”, ngấm ngầm nuôi quân chờ đợi thời cơ.

Một thời gian sau, nghĩa quân của Lưu Bang ngày càng lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng. Nhiều người tìm đến căn cứ để đầu quân, trong đó có Ung Xỉ.

Khi tin tức khởi nghĩa Trần Thắng truyền đến, Lưu Bang không hợp quân cùng Thắng – Quảng mà tự phất cờ khởi nghĩa, chỉ huy nghĩa quân tiến về phía bắc, nhanh chóng chiếm được đất Phong.

Tại quê hương, dưới sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân của Lưu Bang nhanh chóng lớn mạnh. Dưới sự nội ứng của Tào Tham, ông nhanh chóng chiếm được huyện Bái, được quân dân tôn làm “Bái công”.

Sau khi thế lực lớn mạnh, Lưu Bang chủ trương “hồi thủ Phong”, đào hầm sâu, xây thành cao ở đất Phong, biến nơi đây thành căn cứ địa.

Năm 208 TCN, giám quân Tứ Xuyên của nhà Tần tên Bình đem quân vây đất Phong, Lưu Bang dẫn quân nghênh chiến thắng lợi. Sau đó, ông hạ lệnh cho Ung Xỉ trấn giữ căn cứ địa, còn mình đem binh tới đất Tiết.


Vì tin tưởng người đồng hương cùng vào sinh ra tử này, Lưu Bang đã đem nửa cơ nghiệp của mình giao vào tay Ung Xỉ. (Ảnh minh họa).

Vì tin tưởng người đồng hương cùng vào sinh ra tử này, Lưu Bang đã đem nửa cơ nghiệp của mình giao vào tay Ung Xỉ. (Ảnh minh họa).

Hành động này nói lên sự tín nhiệm của “Bái công” đối với người đồng hương họ Ung bởi hai lý do:

Thứ nhất, đất Phong là căn cứ địa, có vị trí trọng yếu, cũng là “trái tim” của cả nghĩa quân. Thứ hai, đây là nơi tập hợp nhiều thành viên nòng cốt của nghĩa quân, cùng họ hàng, gia quyến của Lưu Bang.

Nói cách khác, Lưu Bang đã giao cả bằng hữu, tướng lĩnh, gia đình vào trong tay của Ung Xỉ. Vậy nhưng, vị “đồng hương” tưởng như thân thiết này lại cho ông một vố “đau nhớ đời”!

Khi Lưu Bang quay về đóng quân ở Cang Phu và tiến đến quận Phương Dư, tướng nước Ngụy là Chu Thi cũng muốn chiếm Phương Dư. Trước khi giao chiến, Chu Thi sai người dụ Ung Xỉ quy hàng. Quả nhiên, Xỉ thuận hàng theo Ngụy, dâng đất Phong cho họ Chu.

Bị mất đất Phong, Lưu Bang vô cùng tức giận, nhưng không đủ sức chiếm lại. Sự phản bội trắng trợn này đã biến Ung Xỉ trở thành kẻ thù không đội trời chung của ông.

Sau lần tái chiếm đất Phong thất bại, Lưu Bang đành ngậm hờn quay về huyện Bái, đầu quân cho Hạng Lương. Về sau, Xỉ đem Phong quy phục nước Triệu, nhưng cuối cùng lại đầu hàng Lưu Bang, một lần nữa về dưới trướng người đồng hương ngày nào.

Hành động rộng lượng khó hiểu của Hán Cao Tổ

Năm 201 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Võ, thống nhất thiên hạ, phong tước cho hai mươi mấy vị công thần. Đứng trước vinh hoa phú quý, triều đình nhà Hán rơi vào cảnh người người “ngày đêm tranh công”.

Vương triều mới được thành lập đã rơi vào tình cảnh nội bộ rối ren, Lưu Bang liền hỏi ý kiến của đại thần Trương Lượng.

Lượng nói: “Bệ hạ vốn xuất thân áo vải, nhờ quần thần giúp sức mà lấy được thiên hạ. Nay bệ hạ làm thiên tử, người được phong lại là những người bạn cũ, thân tín như là Tiêu Hà, Tào Tham, còn những người bị giết lại là những người bình sinh bệ hạ thù oán.

Nay quân (chỉ Lưu Bang) lại tính công trạng, thần cho rằng làm như vậy thì dù lấy cả thiên hạ cũng không đủ để phong cho mọi người. Họ sợ bệ hạ không thể phong cho tất cả, lại ngờ rằng mình sẽ bị giết vì những lỗi lầm ngày trước, cho nên họp nhau mưu làm loạn đó thôi.”

Nghe vậy, Cao Tổ rầu rĩ hỏi: “Vậy trẫm phải làm sao bây giờ"? Trương Lượng hỏi tiếp: “Trong số những người ngày thường bệ hạ vẫn ghét mà các quan đều biết thì ai là bị ghét hơn cả?”

Lưu Bang nói ngay: “Ung Xỉ vớí trẫm là chỗ quen biết cũ, thường làm trẫm khốn khổ, nhục nhã. Ta muốn giết hắn nhưng vì hắn lập được nhiều công trạng cho nên không nỡ.”

Nghe vậy, Trương Lượng liền hiến kế: “Nay mau phong cho Ung Xỉ trước, để tỏ cho các quan biết. Các quan thấy Ung Xỉ được phong thì người nào cũng sẽ yên tâm.”


Dù hận Ung Xỉ đến thấu xương, nhưng Lưu Bang vẫn phải phong tước, ban thưởng cho kẻ phản đồ này để giữ yên đại cục. (Tranh minh họa).

Dù hận Ung Xỉ đến thấu xương, nhưng Lưu Bang vẫn phải phong tước, ban thưởng cho kẻ phản đồ này để giữ yên đại cục. (Tranh minh họa).

Lưu Bang bèn đặt tiệc rượu, phong Ung Xỉ làm Thập Phương hầu, và giục gấp Thừa tướng, Ngự sử phải lo việc định công lao, phong đất đai. Tiệc rượu tan, các quan đều mừng rỡ nói: “Ung Xỉ mà còn được phong hầu, thì bọn ta chẳng phải lo nữa!”

Cứ như vậy, Ung Xỉ thân là kẻ phản đồ, nhưng lại được phong hầu, hưởng 2500 hộ thực ấp, xếp thứ 57 trong các công thần. Yên ổn làm Thập Phương hầu được 12 năm, tới năm 192 TCN dưới thời Hán Huệ Đế, Ung Xỉ qua đời, thụy là Túc hầu.

Tới năm Nguyên Đỉnh thứ năm (112 TCN) dưới thời Hán Vũ Đế, chắt của Ung Xỉ bị đoạt tước vì vi phạm luật lệ triều đình. Như vậy, gia tộc họ Ung được hưởng tước hầu tổng cộng 89 năm.

Sự thâm sâu trong nước cờ đầy toan tính của Lưu Bang

Vào thời điểm mấu chốt, Ung Xỉ đã phát huy tác dụng của một quân cờ, giúp Lưu Bang thu phục lòng người, chấn chỉnh triều đình. Cũng nhờ vậy mà kẻ đồng hương phản bội này mới giữ được mạng sống dưới tay Hán Cao Tổ.

Bản thân Lưu Bang đối với Ung Xỉ chưa bao giờ hết oán hận. Dung thứ cho hắn cũng vì muốn hợp quân đánh địch trong buổi chiến loạn, tha chết cho hắn cũng chỉ là một kế để “mua chuộc lòng người”.

Kỳ thực, sự “rộng lượng” khó hiểu của Lưu Bang cũng chỉ là một nước cờ đầy toan tính và thâm sâu được cố vấn bởi đại thần Trương Lượng. Tuy nhiên, “quả đắng” mà Ung Xỉ trao cho Lưu Bang thuở hàn vi vẫn luôn khiến vị Hoàng đế này để bụng!

Sau khi chinh phạt được Hoài Nam vương Anh Bố, Lưu Bang có thăm lại huyện Bái. Ông cùng các bô lão trong làng tổ chức tiệc rượu tụ họp, khiến cho dân chúng nơi đây vô cùng vui vẻ.

Nhân dịp này, người dân huyện Bái mới khấu đầu mà tâu: “Đất Bái may mắn được miễn thuế, nhưng đất Phong vẫn chưa được, xin bệ hạ thương tình!”

Lưu Bang nói: “Đất Phong chính là nơi trẫm sinh trưởng, làm sao trẫm quên được. Nhưng chỉ vì Ung Xỉ ngày xưa phản ta theo Ngụy…”

Người dân huyện Bái cố nài xin, Cao Tổ mới miễn thuế cho cả đất Phong. Sau đó, nhà vua phong cho Bái Hầu Lưu Ty làm Ngô Vương.


Vị Hoàng đế này thậm chí còn vì oán ghét Ung Xỉ mà giận lây sang cả quê hương của mình! (Tranh minh họa).

Vị Hoàng đế này thậm chí còn vì oán ghét Ung Xỉ mà "giận lây" sang cả quê hương của mình! (Tranh minh họa).

Vậy mới thấy, vì nuôi hận với Ung Xỉ, Lưu Bang vẫn luôn bất mãn với người dân đất Phong, ngay cả khi đó là quê hương nơi ông sinh thành và lớn lên.

Nếu không phải người huyện Bái liều mạng cầu xin, vùng đất này không biết tới năm nào mới được ban “long ân”.

Chức vị Thập Phương Hầu của Ung Xỉ giống như món quà từ trên trời rơi xuống. Dựa vào tính tình thuộc hàng “ngụy quân tử” của Lưu Bang, kẻ phản đồ như Xỉ được tha chết đã là điều may mắn, chứ chưa nói đến việc ban tước, phong hầu.

Vậy nhưng, ngay cả khi ở ngôi Thiên tử, Lưu Bang vẫn phải làm những việc trái với lòng mình vì xã tắc, đại cục. Đối với vị vua này mà nói, việc phong chức tước cho kẻ thù không đội trời chung so với cắt da cắt thịt còn đau hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại