Ở Mỹ, tên của 50 tiểu bang nước này được dùng để đặt cho các đại lộ ở thủ đô Washington, D.C ngoại trừ đường California và phố Ohio. Các đại lộ này bao gồm Đại lộ New York, Đại lộ Arizona, Đại lộ Hawaii, Đại lộ Indiana, Đại lộ Mississippi...
Đại lộ Pennsylvania (đặt theo tên bang Pennsylvania) chạy từ đồi Capitol tới Nhà Trắng. Trong khi đó, Đại lộ Massachusetts được mệnh danh là khu đại sứ quán vì dọc Đại lộ này tập trung một số lượng lớn các đại sứ quán nước ngoài.
Ngoài ra, thủ đô Washington, D.C còn có quy tắc đặt tên đường phố theo số thứ tự và bảng chữ cái ABC rất dễ nhớ và dễ tìm, chẳng hạn, Điện Capitol (trụ sở Quốc hội Mỹ) nằm ở góc đường số 1 và đường East Capitol còn trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tọa lạc ở số 2210 trên phố C.
Ở khu vực Puerto Madero của Buenos Aires - thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất lớn nhất của Cộng hòa Argentina, đường phố được đặt theo tên của những phụ nữ nổi tiếng bao gồm các nhà hoạt động xã hội cũng như những nữ chính trị gia có nhiều đóng góp lớn nhằm mục đích tôn vinh họ.
Chẳng hạn, tên của bà Alicia Moreau de Justo (1885-1986), một huyền thoại hoạt động nhân quyền, nữ quyền kiêm chính trị gia của Argentina được lấy để đặt cho một một đại lộ lớn ở Puerto Madero.
Tại thành phố Leicester của Anh, 8 con phố liền kề và song song với nhau bao gồm các phố Hawthorne, Alma, Rowan, Ruby, Ivanhoe, Sylvan, Oban và Newport được đặt tên lần lượt theo các chữ cái trong tên của người xây dựng thành phố - Harrison.
Những chữ cái đầu tiên của 8 con phố ghép lại thành cái tên Harrison. Đặc biệt, tất cả 8 con phố nói trên đều đổ vào phố Beatrice - tên vợ của người xây dựng thành phố.
Khu Latham ở thủ đô Canberra của Úc có các đường phố được đặt theo tên các thẩm phán nổi tiếng của tòa án tối cao Úc.
Chính khu Latham cũng được đặt theo tên của thẩm phán tòa án tối cao của Úc, John Greig Latham (1877-1964) - người có nhiều đóng góp lớn. Do đó, khu Latham còn được biết đến là "khu thẩm phán".
Trong khi đó, tên các đường phố ở khu Florey, thuộc quận Belconnen, thủ đô Canberra được đặt theo tên của các nhà khoa học và bác sĩ nổi tiếng của Úc.
Chính khu Florey cũng được đặt tên theo tên của nhà khoa học lỗi lạc bậc nhật của Úc - Howard Walter Florey nhằm tôn vinh ông.
Ông Florey là một nhà dược lý học và bệnh học người Úc đã đoạt Giải Nobel về y học năm 1945 cùng Ernst Boris Chain và Alexander Fleming cho công trình chiết xuất penicillin.
Ở Gander, Newfoundland, người ta lại lấy tên của các phi công nổi tiếng để đặt tên cho hầu hết các đường phố nhằm tôn vinh lịch sử hàng không của thị trấn.
Chẳng hạn, tên của hai phi công người Anh thực hiện thành công chuyến bay xuyên Đại Tây Dương không ngừng nghỉ đầu tiên - Alcock và Brown, hay tên của nữ phi công huyền thoại người Mỹ Amelia Earhart (nữ phi công đầu tiên trên thế giới bay một mình xuyên Đại Tây Dương) đều được dùng để đặt tên cho đường phố ở thị trấn Gander.