Dưới chế độ phong kiến Trung Hoa, đế vương là biểu trưng cho “quân quyền thần thụ” (quyền lực của Vua chúa đều là do Thần ban cho), mang uy tín của bậc chân mệnh thiên tử.
Do đó, việc phóng đại về thân thế của bản thân chính là một cách để họ khẳng định xuất thân là “con trời”.
Trong buổi loạn lạc, đây được coi là một chiến thuật củng cố lòng tin của dân chúng, nâng cao nhuệ khí binh sĩ, gây dựng trong họ niềm tin chiến thắng khi được lãnh đạo bởi một đấng quân vương phi thường.
Dưới thời bình, cách làm này lại có công dụng củng cố ngai vị, an lòng dân chúng, quần thần, răn đe những kẻ có ý đối địch.
Cách thức thần thánh hóa trên có thể được bố cáo rộng rãi với thiên hạ hoặc được lan truyền thông qua quần thần. Phương pháp “hư cấu” của mỗi vị đế vương hay mỗi vương triều lại càng khác nhau.
Những thần thú linh thiêng như rồng, rắn, các hiện tượng tự nhiên như ánh sáng, mây mưa hay một vài dấu hiệu "không tưởng" như mùi thơm, khí chất…đều là các “chiêu trò” của bậc đế vương để bịt mắt dư luận từ thị giác, thính giác cho tới cả khứu giác.
Thêu dệt về sự xuất hiện của những sinh vật trong truyền thuyết
Thuở thiếu thời, Hán Cao Tổ Lưu Bang sống tương đối phóng đãng, thường xuyên tụ tập cùng đám bằng hữu xấu ở huyện Bái.
Nhưng có câu “thời thế tạo anh hùng”, nhân lúc nhà Tần lâm vào thời kỳ mục ruỗng, Lưu Bang phất cờ khởi nghĩa, đánh đông dẹp bắc, chiếm được đế vị.
Sau khi lên ngôi, thân thế của Cao Tổ được sử cũ ghi chép như sau: trước lúc Lưu Bang sinh ra, mẫu thân của ông mơ gặp thần tiên.
Khi sắp sinh, bên ngoài sấm sét nổ đùng đùng, mưa gió nổi lên, trời đất tối mịt, giao long trên trời lao qua cửa sổ vào phòng, bay quanh giường cho tới lúc Lưu Bang chào đời.
Các linh vật tưởng như chỉ có trong truyền thuyết lại thường xuyên xuất hiện trong giai thoại ra đời của không ít Hoàng đế Trung Hoa. (Tranh minh họa)
Câu chuyện “thần thánh hóa” bằng sinh vật linh thiêng này cũng được con cháu của Cao Tổ học tập.
Hán An Đế tên thật là Lưu Hỗ. Ông là vị Hoàng đế thứ 6 của nhà Đông Hán, cũng là vị vua thứ 21 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Tương truyền rằng, khi Lưu Hỗ ra đời, phòng sinh tràn ngập ánh hào quang. Lúc đó, còn có một con cự xà (rắn lớn) màu đỏ đậm không biết từ đâu bò tới, uốn lượn quanh giường.
Tận dụng sự trùng hợp của tự nhiên
Ngụy Văn Đế Tào Phi là người kế nghiệp của Tào Tháo. Sinh thời, Tào Phi tự phế Hán Hiến Đế, bức bách em trai Tào Thực, gây nên thảm cảnh huynh đệ tương tàn.
Chính vì những hành động của mình, Ngụy Văn Đế vẫn được nhắc tới như điển hình của một vị vua không được lòng dân.
Về sự ra đời của Tào Phi, sách sử có viết:
Khi ông chào đời, mây xanh trên bầu trời tụ lại trên mái của phòng sinh “giống như một chiếc lọng”, nhiều ngày sau vẫn không tan. Người đời nhìn thấy đều truyền tai nhau: “thần khí như vậy ắt không phải người thường.”
Những hiện tượng và sự vật tự nhiên cũng được các bậc đế vương Trung Hoa vận dụng một các triệt để với mong muốn nâng cao vị thế của mình. (Tranh minh họa).
Ngay đến vị Hoàng đế khai quốc của nhà Thục Hán là Lưu Bị cũng sở hữu một thân thế không hề bình thường. Tương truyền rằng: Lưu Bị mồ côi từ nhỏ, thường cùng mẹ đan giày, dệt chiếu đem bán làm kế sinh nhai.
Thuở thiếu thời, ở góc đông nam vườn nhà ông có một cây dâu cao hơn năm trượng, xa trông thấy tán xum xuê như cái xe nhỏ, ai đi qua đều cho là cây lạ, tin rằng “nhà này ắt sinh ra bậc quý nhân”.
Tống Võ Đế Lưu Dụ cũng có nhiều điểm tương đồng với Lưu Bị. Ông là người gốc Bành Thành, sau lập nên nhà Lưu Tống.
Sử cũ có ghi: Lưu Dụ sinh ra có ánh sáng thần chiếu vào, khiến cả phòng sáng bừng; lúc đêm về còn có cam lộ (sương ngọt – hiện tượng được ví như điềm lành) rớt xuống cây cối.
Sự ra đời của Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long cũng được thêu dệt không kém cha mình (Lưu Dụ).
Giai thoại truyền lại rằng khi Nghĩa Long ra đời, mọi người đều “thấy hắc long ở bầu trời phía Tây, phía sau có dải mây ngũ sắc quấn quýt”, ở thành Giang Lăng còn có mây tím bao phủ.
Dung nhan kỳ lạ cũng trở thành dấu hiệu "thần thánh"
Sau khi Tây Tấn bị Hung Nô tiêu diệt, Nguyên Đế Tư Mã Duệ lui về Giang Đông, gây dựng cơ đồ nhà Đông Tấn ở khu vực này.
Sử cũ ghi lại: Nguyên Đế chào đời, phía bên trái có “nhật sừng” (sừng mặt trời – thực chất là xương lồi cao lên ở bên trái đầu). Tướng mạo của ông cũng không giống người thường: “mũi cao, mặt rồng”, “hai mắt sáng quắc”.
Nhờ dung mạo có nhiều điểm khác người, không ít vị Hoàng đế Trung Hoa được tin là truyền nhân của thần thánh. (Tranh minh họa).
Nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa với danh hiệu “Hoàng đế Bồ Tát”, Lương Vũ Đế Tiêu Diễn vô cùng sùng bái đạo Phật.
Tương truyền rằng: mẹ của Tiêu Diễn là Trương thị từng mơ thấy mình ôm mặt trời rồi đậu thai.
Khi mới sinh, thân thể Vũ Đế phát ra ánh sáng khác thường, hình thể cũng rất khác người: “vầng trán chữ nhật, mặt rồng, cổ có ánh sáng tròn, thân sáng như ánh trời chiều, tay phải có một chữ “Vũ”.
Chưa dừng lại ở đó, còn có giai thoại truyền lại rằng, bất kỳ nơi nào Tiêu Diễn ở đều lưu lại “hơi mây”. Ông còn có thể “đạp lên không khí mà đi”. Những việc này đều khiến thiên hạ cảm thấy kỳ lạ.
Tuy nhiên, sự đắm chìm mê muội với tín ngưỡng của Lương Vũ Đế lại khiến dân chúng thống khổ, tạo cơ hội cho biến cố “loạn Hầu Cảnh”.
Thể chất khác người và xuất thân “thần tiên” cũng không thể giúp Tiêu Diễn thoát khỏi kết cục bi thảm. Sau này, ông bị giam lỏng và bỏ đói tới chết trong hoàng thành.