Đứng dưới một tấm panô với dòng chữ "Đừng lãng phí nước tiểu của bạn. Nông dân có thể biến nó thành bia", những người tham gia lễ hội háo hức đợi tới lượt tiểu tiện vào một máng kim loại.
Nước tiểu của họ chảy tới một bể chứa được thiết kế đặc biệt trước khi người ta đưa nó tới những cánh đồng gần đó để tưới cho những cây lúa mạch.
"Biến nước tiểu thành bia Pilsner (một loại bia ngon khá nổi tiếng)" là một sáng kiến của ban tổ chức Roskilde – lễ hội âm nhạc lớn nhất châu Âu – phát động tại thành phố Zealand, Đan Mạch trong tuần trước.
Các nhà tổ chức hy vọng họ sẽ thu thập 25.000 lít nước tiểu từ hơn 100.000 người tham gia lễ hội.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, những người tham gia lễ hội âm nhạc Roskilde vào năm 2017 sẽ có cơ hội thưởng thức bia từ lúa mạch được tưới bởi chính nước tiểu của họ.
"Đây là cách tiếp cận mới đối với chất thải, biến nước tiểu từ một gánh nặng với xã hội thành nguồn nguyên liệu có giá trị," Lief Nielsen, nhà nghiên cứu của Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch (DAFC) đánh giá.
Các nhà tổ chức lễ hội Roskilde hợp tác với DAFC để quảng bá "công nghệ tái chế bia".
Nielsen nói rằng lượng nước tiểu khổng lồ trong các lễ hội tác động tiêu cực lên môi trường và hệ thống nước thải. "Công nghệ tái chế bia" sẽ biến nước tiểu thành một nguồn tài nguyên hữu ích. Ông tin rằng dự án sẽ thành công.
"Tôi nghĩ phần lớn người dân sẽ nhận ra lý do và niềm vui khi đóng góp vào quá trình sản xuất bia, và việc gắn nó với nhạc rock sẽ giúp chúng tôi quảng bá thông điệp tới mọi nơi," Nielsen nhận định.
"Tôi nghĩ đây thực sự là ý tưởng tuyệt vời," Lasse Riisberg, một thanh niên 26 tuổi, nói. Theo Riisberg, sáng kiến này vừa giúp anh làm việc có ích cho môi trường, lại vừa mang lại cảm giác vui vẻ. "Sau đó bạn uống thứ từng là nước tiểu của bạn. Thật đơn giản!"
Rasmus Skobbo, một thanh niên 25 tuổi, cũng đồng ý với Riisberg.
"Đây là giải pháp thú vị và nó khuyến khích bạn tận dụng nước tiểu thay vì chạy ra bãi cỏ hay chỗ nào đó để tiểu tiện. Lễ hội Roskilde nổi tiếng vì thân thiện với môi trường, song giải pháp này thuộc một tầm khác hẳn."
Các giải pháp bảo vệ môi trường mà ban tổ chức Roskilde từng áp dụng bao gồm chiến dịch dùng chung ôtô, bán bia hữu cơ, tái chế cốc nhựa.
"Ngày nay mọi người đều muốn bảo vệ môi trường. Vì thế, đây là một cách tuyệt vời để bạn làm việc tốt cho hành tinh mà không phải nỗ lực quá nhiều. Tất cả chúng ta đều phải tiểu tiện, đúng không?", Skobbo bình luận.
Thực chất nước tiêu không hề là "chất thải" như nhiều người vẫn nghĩ mà nó có những công dụng đặc biệt được khoa học chứng minh.
Ví dụ như nước tiểu tái chế chính là đồ uống chính của các phi hành gia, là giải pháp chống ô nhiễm môi trường vì chúng hấp thụ CO2 rất tốt, nhiên liệu cho tên lửa, tái tạo tế bào thần kinh...