Hôn nhân là vấn đề gần như không thể tránh được ở Trung Quốc và những người độc thân, đặc biệt là phụ nữ thường bị gia đình thúc ép kết hôn trước 27 tuổi. Những người vẫn chưa lập gia đình sau độ tuổi này được cho là ế vợ hoặc ế chồng.
Những người đến độ tuổi kết hôn ở Trung Quốc thường xuyên bị bố mẹ, người thân và thậm chí người lạ hỏi có người yêu hay chưa, với sức ép đặc biệt lớn trong các dịp nghỉ lễ dài như Tết hay dịp nghỉ quốc khánh vừa qua.
Sức ép phải kết hôn sớm khiến nhiều chàng trai độc thân ở Trung Quốc thuê “bạn gái” để đưa về nhà gặp bố mẹ họ trong các dịp nghỉ lễ.
Để đối phó với sức ép từ gia đình và xã hội, nhiều người độc thân đã nhờ đồng nghiệp hay bạn giả làm “người yêu” để đưa về gặp bố mẹ họ và cố gắng trì hoãn việc kết hôn đến năm sau.
Hiện tượng này đã tạo ra một dịch cho thuê “bạn trai” hay “bạn gái” thông qua các ứng dụng mạng xã hội như WeChat ở Trung Quốc.
Dịch vụ cho thuê “người yêu” có giá dao động từ 100 NDT tới 1.000 NDT mỗi ngày (tương đương 350.000 đồng tới 3,5 triệu đồng) tùy thuộc vào mục đích của người cần thuê, như ăn tối, mua sắm hay gặp bố mẹ.
Tuy nhiên, không ít những kẻ xấu đã lợi dụng dịch vụ này để bán dâm, lừa đảo và cưỡng hiếp.
Dịch vụ cho thuê "người yêu" với các mục đích khác nhau, như đi xem phim hay gặp mặt bố mẹ.
Xiaolei, một cử nhân vừa tốt nghiệp và đang làm việc tại thành phố Bắc Kinh, gần đây cũng sử dụng ứng dụng WeChat để thuê “bạn gái”.
Nguyên nhân là bởi chàng trai này không thể chịu đựng được sức ép từ bố mẹ khi về nhà trong các dịp nghỉ lễ, cho dù anh ủng hộ quan điểm kết hôn muộn.
Ban đầu, Xiaolei dự định sẽ đưa một đồng nghiệp về nhà để gặp bố mẹ trong dịp nghỉ quốc khánh vừa qua, nhưng cô bạn đã từ chối vì anh thông báo quá gấp. Cuối cùng, anh quyết định thuê “bạn gái” thông qua dịch vụ trên mạng xã hội.
Xiaolei đã đề nghị thuê một cô gái giả làm bạn gái của mình với giá 1.000 NDT/ngày. Nhưng cô gái sau đó đã từ chối vì lý do đường xa. Cuối cùng, Xiaolei đã trở về nhà một mình với lời hứa sẽ giới thiệu “bạn gái” khi bố mẹ tới Bắc Kinh.
Các phụ huynh ở Trung Quốc muốn con cái của họ kết hôn trước 27 tuổi.
Xu hướng thuê “người yêu” có thể sẽ trở nên ngày càng phổ biến trong những năm tới khi các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đối mặt với cuộc “khủng hoảng trai độc thân” vào năm 2020. Dự báo được đưa ra dựa trên tỷ lệ sinh chênh lệch giữa các bé trai và các bé gái.
Theo số liệu thống kê, khoảng 675 triệu người được sinh ra ở Trung Quốc từ năm 1980 đến 2014 - thời kỳ nước này áp dụng chính sách một con. Tỷ lệ giới tính trong thời kỳ này là 114,7 bé trai/100 bé gái. Điều này đồng nghĩa với việc trong hơn 34 năm, số lượng nam giới cao hơn nữ khoảng 30 triệu người.