Ảnh minh họa. (Nguồn: japantimes.co.jp)
Bài viêt dưới đây là quan điểm của Patrick từ những trải nghiệm trong cuộc sống trên đất Nhật.
Tiểu thuyết gia John Updike từng tuyên bố rằng nước Mỹ “là một âm mưu giúp bạn hạnh phúc.” Và đôi khi tôi tự hỏi liệu nước Nhật có phải là một âm mưu khiến bạn không hạnh phúc hay không.
Một số ý kiến trên các chuyên mục như The Last Word của tạp chí Tokyo’s Metropolis, hay trên các diễn đàn của người nước ngoài sống tại Nhật Bản cho rằng cuộc sống ở Nhật không hạnh phúc, thiếu tiện nghi và làm người khác bối rối.
Vậy sự thực có thật là như thế không? Dưới đây là “3 ca than thở” mà tôi đã trải qua khi ở Nhật.
Ca số 1: Tôi được các sinh viên của mình mời đến một nhà hàng sushi. Cuộc nói chuyện đi theo hướng quen thuộc: “Sao thầy đến Nhật Bản?” “Thầy có thích đồ ăn Nhật không?” “Thầy đọc được chữ kanji không?” Tất cả đều rất thoải mái.
Tuy nhiên, sau một vài ly sake, tôi bắt đầu thấy việc cứ phải lịch sự như vậy thật mệt mỏi. Tôi nói với những người còn lại rằng kể cả người dùng đũa giỏi nhất đôi khi cũng làm rơi đồ ăn, và người dùng dao và dĩa giỏi nhất cũng vậy.
Tôi không thể hiểu được vì sao người Nhật cứ làm quá lên về chuyện phải ăn uống lịch sự, và hỏi xem liệu ai đó có thể “khai sáng” cho tôi không.
Đó là một sai lầm tai hại. Không khí bữa ăn đột nhiên thay đổi hẳn. Tất cả mọi người đều ngừng nói chuyện. Cuộc tụ tập vui vẻ bỗng chốc trở nên u ám hơn.
Ngày hôm sau, tôi nhận được một bức thư điện tử từ một trong số các sinh viên hôm đó, bày tỏ sự thất vọng tràn trề cũng như buồn bã vì tôi “không thích Nhật Bản,” cùng hy vọng chân thành nhất rằng một lúc nào đó tôi sẽ hiểu và tôn trọng sự tinh tế của văn hóa Nhật.
Sự nhạy cảm quá mức này tới nay vẫn khiến tôi cảm thấy một chút bực bội, nhưng tôi cũng đã học được bài học từ trải nghiệm này: là người mới đến một quốc gia, tôi là khách, và tôi cần phải biết nên và không nên nói ra những suy nghĩ gì của mình.
Nhưng một vị khách, đến một lúc nào đó, cũng sẽ phải thay đổi - trở thành cư dân chẳng hạn, và khi đó, anh ta sẽ có cả trách nhiệm và quyền lợi. Không đến mức được đi bầu cử, nhưng có thể, và tôi chỉ nói là có thể, anh ta có quyền đặt câu hỏi với những gì xảy ra xung quanh.
Ngoài chuyện đã xảy ra tại nhà hàng sushi hôm đó, tôi hy vọng mình đã là một vị khách tốt khi lần đầu tới Nhật Bản.
Khi đó tôi luôn lưỡng lự khi muốn hỏi bất cứ điều gì, phần vì tôi không muốn làm người khác buồn, phần vì tôi không in vào ấn tượng đầu tiên và biết rằng còn rất nhiều thứ mình phải học. Và tôi đã học được điều đó một cách khó khăn.
Ca số 2: Lần đầu tự mình đi tìm thuê nhà, tôi đã bị sốc với cách mình được đối xử. Tôi thậm chí còn bị chặn lại ngay lối vào một đại lý môi giới.
Một nhân viên nhìn thấy tôi đang tiến vào liền lập tức đứng dậy, chạy ra cửa, đặt hai tay chéo nhau tạo thành một cử chỉ “không được vào” khó nhầm lẫn được, và giải thích rằng họ “không tiếp khách người nước ngoài.”
Rồi sau đó, cô ấy mỉm cười thật tươi, cúi chào và cảm ơn tôi (vì đã có ý định dùng dịch vụ của họ).
Sau 10 năm sống ở Nhật, cùng vô số cuộc trò chuyện và nghiên cứu cởi mở về vấn đề này, tôi mới hiểu tình hình phức tạp hơn tôi từng nghĩ.
Các đại lý môi giới có hoặc không có định kiến, nhưng họ sẽ phải đối mặt với những rủi ro nghề nghiệp lớn khi đồng ý đại diện cho khách hàng không phải người Nhật - những người không thể đọc được các giấy tờ pháp lý.
Và nếu mọi chuyện diễn ra theo hướng xấu, toàn bộ công việc kinh doanh của họ sẽ bị ảnh hưởng.
Những người hàng xóm lắm chuyện của tôi cũng là quá đủ để tôi hiểu những lời đồn nhảm có thể lan truyền chóng mặt đến thế nào.
Không phải tôi đang cố bào chữa cho cách đối xử lạnh lùng đó, nhưng ít nhất bạn cũng nên nhớ điều đó trước khi cảm thấy bị tổn thương.
Ca thứ ba chỉ mới xảy ra gần đây, khi tôi phải đối mặt với một vấn đề còn khó khăn hơn. Một sinh viên đến gặp tôi sau giờ học và hỏi tôi rằng: “Thầy nghĩ gì về việc săn cá voi?”
Nào, giờ thì bạn trả lời thế nào để không tỏ ra là không thành thật, cũng không khiến người hỏi cảm thấy bị xúc phạm?
Về phần mình, tôi đã quyết định trả lời sinh viên đó một cách thành thật. Tôi nói rằng đó là một hành vi ghê rợn, và thấy không có lời giải thích nào hợp lý cho việc tiếp tục duy trì săn cá voi - dù là ở bất cứ quốc gia nào.
Nữ sinh viên đó nhìn tôi như thể cô ấy một con cá voi mới bị tôi đâm lao móc vào vậy. Rõ ràng là tôi đã làm cô ấy phật ý, thậm chí tổn thương nữa. Đó là hậu quả của một câu trả lời thành thật cho một câu hỏi nhạy cảm.
Cô ấy nghĩ quan điểm của tôi là đòn tấn công trực diện vào đất nước, văn hóa và chính bản thân cô ấy.
Đó là một khoảnh khắc chẳng vui vẻ gì, và nó cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến quan hệ của chúng tôi. Và cái khó của tôi ở đây là tôi thậm chí còn chẳng phải người gợi lên câu chuyện – tôi đã bị hỏi về nó.
Tôi đã học được nhiều bài học quý giá từ những trải nghiệm này, và hiểu ra rằng có một số câu hỏi về văn hóa, như những chiếc cốc không quai chứa đầy trà xanh nóng, rất khó để hiểu được, và cũng như đũa ăn, cần phải được xử lý cẩn thận.
Nhưng sau 15 năm, tôi vẫn bị giằng xé giữa hai chiều hướng trái ngược: khao khát lịch sự, thành thật và nỗi sợ làm phật lòng ai đó.
Vậy giờ tôi phải làm gì? Về nước? Kiềm chế bản thân lại? Hay nói hết ra và chấp nhận hậu quả?
Có lẽ sẽ chẳng có một câu trả lời hoàn hảo, nhưng tôi đã tìm thấy cách xử trí hiệu quả nhất từ một câu nói của Socrates: Đừng chỉ trích, hãy đặt câu hỏi. Nếu bạn sai, bạn sẽ hiểu vì sao, và nếu bạn không sai, bạn sẽ thể hiện được quan điểm của mình mà không gây thù chuốc oán.
Hy vọng là với cách này, tôi sẽ trả lời được những câu hỏi mang tính văn hóa mà không làm người khác thấy bị xúc phạm, và tiến xa hơn trên con đường thấu hiểu văn hóa Nhật Bản./.