Chắc chẳng ai còn lạ lẫm gì với truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Bản, bởi độ phủ sóng quá sức rộng của nền văn hóa đến từ xứ sở hoa anh đào.
Chúng ta ôm từng quyển truyện, mơ mộng hão huyền về một ngày được trải nghiệm cuộc sống của người Nhật, nhất là cuộc sống học đường rất đỗi thú vị với nào là đồng phục đẹp, những trận chiến sống còn dưới căng tin hay thong dong ngả ngớn trên tầng thượng tòa nhà, ngắm nhìn ánh hoàng hôn và chạm vào từng tiếng tích tắc của đồng hồ.
Nhưng mà sự thật nó cũng không được thơ mộng đáng yêu đến rụng rời như trên phim đâu.
Các trường học ở Nhật Bản nghiêm khắc lắm, học hành cật lực còn chưa đủ, nói gì đến thong thả rong chơi, đi câu lạc bộ rồi lại bắn cung nhảy lò cò các kiểu mà người ta hay thấy trong các bộ truyện, phim ảnh.
Và đây, sự thực là thế này:
1. Học sinh không được lái xe hơi đến trường
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong học đường Nhật Bản là sự an toàn. Học sinh tại xứ sở hoa anh đào có thể đi bộ, hoặc đi xe đạp đến trường nếu như nhà cách trường không xa.
Trong trường hợp khác, các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm hoàn toàn hoan nghênh các em. Còn xe hơi? Quá nguy hiểm. Tuổi còn xanh tay phanh còn non nớt, thế nên cấm là tốt nhất.
Thêm nữa, theo quy định của trường, học sinh khi sử dụng phương tiện công cộng nên đứng để dành chỗ cho người lớn nhằm thể hiện sự tôn trọng, đạo đức.
2. Nhiều hoạt động nơi công cộng bị cấm
Vừa đi vừa đọc sách, nhai kẹo cao su nhóp nhép, cười nói hô hố ở nơi công cộng đều bị ban giám hiệu trường học nghiêm cấm.
Họ cho rằng học sinh vô duyên nơi công cộng sẽ để lại tai tiếng cho trường. Vì thế, bạn nhìn thấy trong truyện các nhân vật có thể làm đủ trò trên đường, từ ăn tục nói phét đến múa lửa, diễn xiếc khỉ thì thôi, bỏ đi, đừng tin.
À quên, cũng có lý đấy, nếu như học sinh đi ra khu vực xa hẳn nhà trường. Ví dụ học sinh ở Hà Nội xuống tận Bình Dương làm trò thì chắc cũng chấp nhận được.
3. Đồng phục đi học không thần tiên như trong truyện
Mặc đồng phục khi đi học ở Nhật là điều bắt buộc, không có ngoại lệ. Ở Nhật có khá nhiều loại đồng phục, tuy nhiên phổ biến nhất là hai loại:
Loại đồ tây: cả nam và nữ đều bắt buộc phải mặc áo sơ mi trắng dài tay bên trong, bên ngoài khoác áo blazer tối màu. Học sinh được yêu cầu phải thắt cà vạt, một số trường thì yêu cầu học sinh nữ đeo nơ.
Đồng phục thủy thủ truyền thống: đây chính là loại đồng phục làm nên tên tuổi của học đường Nhật Bản.
Các học sinh nữ sẽ mặc váy phong cách thủy thủ tối màu, giữa ngực thắt nơ. Trong khi học sinh nam mặc áo khoác cổ cao, cúc vàng gọi là Gakuran.
4. Đi giày dép đặc biệt khi vào tòa nhà
Ở trường, học sinh Nhật được phát tủ cá nhân và hộc để giày dép riêng. Khi vào tòa nhà, học sinh sẽ phải cởi bỏ giày dép và sử dụng loại giày được thiết kế đặc biệt để đi trong trường.
Mục đích của việc này là để giữ vệ sinh, bảo vệ độ bền của sàn nhà vì không có nhân viên vệ sinh làm việc trong trường.
5. Đồ ăn vặt trong trường? Mơ đi
Một trong những điều gây thích thú nhất khi đọc truyện tranh về học đường Nhật Bản chính là những trận chiến "sinh tử" dưới căng tin nhằm lấy cho bằng được món ăn ưa thích.
Tuy nhiên đáng buồn là để được trải nghiệm cảm giác giẫm đạp lên thiên hạ, giành giật cướp bóc đồ ăn vặt ở căng tin thì đúng là hiếm vô cùng.
Hầu hết trường học tại xứ sở Phù Tang đều cấm bán đồ ăn nhẹ như bim bim, các món ăn đóng hộp qua chế biến.
Người Nhật rất quan trọng việc ăn uống dinh dưỡng, an toàn mà trong khi những món ăn kia thì chẳng có lợi với sức khỏe tí nào.
Thậm chí, chúng còn tiềm ẩn nguy cơ gây sâu răng, béo phì, bệnh tim và cao huyết áp.
Học sinh thường tự mang thức ăn ở nhà đến trường ăn trưa. Một bữa ăn cơ bản có thể sẽ có cơm, trứng, cá thịt và trái cây, rau củ.