Chúng ta đã biết rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng với các chiến binh đất nung được tạo nên không phải theo một cách rập khuôn đơn thuần mà là tái hiện lại dáng vẻ, gương mặt của từng người trong một đội quân có thực. Các bức tượng được trang bị áo giáp, vũ khí, đánh dấu cấp bậc đầy đủ.
Thế nhưng, các nhà khảo cổ và các nhà sử học vẫn không chỉ ra ai là thống soái được Tần Thủy Hoàng giao cho trọng trách thống lĩnh toàn quân. Vậy lý do là gì?
Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cần tìm hiểu thông qua các dữ kiện từ những tài liệu lịch sử. Theo "Sử ký Tư Mã Thiên", lúc Tần Thủy Hoàng lên ngôi khi mới 13 tuổi. Vì tuổi còn nhỏ nên Thái hậu là Triệu Cơ vẫn nắm quyền hành. Triệu Cơ thường gian dâm với Lao Ái. Người này lợi dụng sự sủng ái của Thái hậu nên rất lộng quyền.
Năm 238 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng lúc này đã 20 tuổi, phát hiện Lao Ái thâu tóm quyền lực, tư thông với Thái hậu nên định trừ khử. Lao Ái lo sợ nên đã tập hợp một đội quân lính, dùng lệnh bài của Thái hậu điều động, âm mưu xông vào cung phế truất và giết Tần Thủy Hoàng. Nhưng kế hoạch thất bại, cả nhà Lao Ái gồm hàng ngàn gia nô bị xử tử.
Mỗi chiến binh đất nung đều được mô tả tỉ mỉ, cẩn thận (Ảnh: kk.news.cc)
Cũng theo đánh giá của Tư Mã Thiên trong cuốn sử kí nổi tiếng của mình, Lao Ái được Thái hậu yêu mến, có nhiều quyền lực và y cũng xây dựng thế lực riêng nhưng không bao giờ có thể điều khiển hoàn toàn binh quyền. Và toàn bộ binh quyền nước Tần cũng không nằm trong tay một vị tướng cụ thể nào cả.
Chế độ phân chia quyền lực trong quân đội, lý do các chiến binh đất nung không có thống soái?
Dưới thời nhà Tần, có luật định rõ ràng về việc chỉ huy binh lính để không ai nắm hoàn toàn binh quyền. Cụ thể, trong thời gian không có chiến tranh, một chế độ gọi là "Hổ Phù" được duy trì. Trong quân đội có khoảng 50 người sẽ nắm giữ lệnh bài "Hổ Phù". Mỗi người đứng đầu một số lượng quân sĩ nhất định.
Trong số 50 người này, một nửa là những người làm việc chuyên nghiệp và lâu dài trong quân đội, một nửa thuộc sự quản lý trực tiếp của hoàng đế, trong đó có cả hoàng thân quốc thích. Chính vì chế độ phân chia quản lý như thế này đã giúp Tần Thủy Hoàng không bị một kẻ nào dùng thế lực quân đội lật đổ.
Biểu tượng "Hổ Phù" giống như ấn tin, thường được đúc, điêu khắc thủ công với hình dáng một con hổ đang ở tư thế chuẩn bị tấn công. Và cũng có nhiều "tượng Hổ Phù" đã được khai quật. Đến nay "tượng Hổ Phù" có niên đại lâu đời nhất là một cổ vật được tìm thấy ở làng Bắc Trầm, ngoại ô thành phố Tây An, Trung Quốc vào năm 1973.
Tượng này dài 9,5cm, trên vẫn còn khắc chữ "binh giáp chi phù" cùng với dấu hiệu cho thấy đây là "Hổ Phù" của một thành gọi là thành Đỗ (đơn vị hành chính thời Tần". Hiện nay, cổ vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thiểm Tây. Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Trung Quốc là nơi lưu giữ cổ vật Hổ Phù của các triều đại với số lượng nhiều nhất.
Một tượng Hổ Phù từ thời nhà Tần được trưng bày tại bảo tàng (Ảnh: Sohu.com)
"Hổ Phù" được miêu tả chi tiết trong ấn bản "Hào Khắc Học" của nhà điêu khắc nổi tiếng Đặng Tản Mộc (1898-1963). Cuốn sách này đến nay vẫn do Nhà xuất bản Mỹ thuật Nhân dân Trung Hoa độc quyền xuất bản. Trong sách ông miêu tả rõ hình dáng và kí hiệu trên "tượng Hổ Phù".
Cụ thể, trên tượng sẽ ghi "binh giáp chi phù", bên phải khắc chữ với dấu hiệu khẳng định vật thuộc sở hữu của hoàng đế, bên trái ghi tên địa danh được trao Hổ Phù, người nắm giữ Hổ Phù của địa danh sẽ có quyền điều động binh mã tại nơi ấy.
Không có vị thống soái nào đứng đầu đạo quân canh giữ giấc ngủ ngàn thu của hoàng đế tàn bạo nhất Trung Hoa (Ảnh: kk.news.cc)
Nhìn chung, hoàng đế vẫn là người nắm binh quyền gần như tuyệt đối và cao nhất. Bất cứ âm mưu nào dùng quân đội chống lại hoàng đế sẽ bị dập tắt một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, đáng tiếc là điều đó lại không diễn ra sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời.
Đến thời Tần Nhị Thế, các cuộc nổi loạn và khởi nghĩa nổ ra do sự hà khắc của triều đình. Tần Nhị Thế điều động quân đội đi khắp nơi đàn áp mà không có hiệu quả. Chỉ sau 15 năm, đạo quân hùng mạnh từng thống nhất Trung Hoa đã không chống lại được những người nông dân nổi dậy.
Người kế vị Tần Thủy Hoàng thậm chí phải thả cả tù nhân, tội phạm, cung cấp vũ khí để ném họ ra chiến trường mà cuối cùng nhà Tần vẫn diệt vong.
Chế độ đặc biệt phân chia binh quyền cho quan lại quý tộc nhưng vẫn đảm bảo Tần Thủy Hoàng là thống lĩnh tối cao của quân đội (Ảnh: Internet)
Những bức tượng chiến binh đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng chính là đại diện cho một đội quân hùng mạnh nhất mà ông từng sở hữu.
Tuy là tượng vô chi vô giác nhưng cũng được tái hiện với vũ khí, áo giáp, chiến xa, quân hiệu để phân cấp bậc. Nhưng không có bất cứ bức tượng thể hiện dấu hiệu là thống soái của toàn bộ đội quân này cả.
Cấp bậc cao nhất cũng chỉ tương đương như cấp úy thời nay. Bởi chế độ "Hổ Phù" ngăn không cho một cá nhân nào khác nắm quá nhiều binh quyền ngoại trừ hoàng đế. Trong đội quân của mình, Tần Thủy Hoàng chính là thống soái tối cao nhất.