Reuters ngày 18-5 dẫn lời các quan chức Mỹ đã về hưu và đương nhiệm cho biết ít nhất 18 lần liên lạc qua điện thoại, thư điện tử chưa từng được tiết lộ trước đó, nằm trong hồ sơ đang được Cục điều tra liên bang (FBI) và các nhà điều tra quốc hội rà soát nhằm xác định liệu Nga có can thiệp cuộc bầu cử ở Mỹ năm ngoái không.
Theo nguồn tin từ ba quan chức về hưu và đương nhiệm, trong số những lần liên lạc chưa được tiết lộ trên có 6 lần là liên lạc qua điện thoại giữa Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak và các cố vấn của ông Trump, trong đó có ông Flynn.
Số các cuộc nói chuyện giữa ông Flynn và ông Kislyak gia tăng nhanh sau ngày bỏ phiếu 8-11-2016 khi hai quan chức này thảo luận về thiết lập kênh liên lạc giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, 4 quan chức Mỹ đương nhiệm giấu tên cho biết.
Hồi tháng 1, Nhà Trắng của ông Trump ban đầu phủ nhận mọi cáo buộc có liên hệ với quan chức Nga trong suốt chiến dịch tranh cử 2016. Nhà Trắng và các cố vấn trong chiến dịch của ông Trump sau đó xác nhận có bốn cuộc gặp diễn ra giữa ông Kislyak và các cố vấn của ông Trump trong suốt khoảng thời gian tranh cử.
Các nguồn tin nói rằng cho đến nay họ vẫn không nhìn thấy bất cứ bằng chứng nào về hành vi sai trai hay thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và Nga. Song với tiết lộ lần này, tỉ phú New York cùng các cố vấn của ông có thể đối mặt thêm nhiều sức ép về việc cung cấp cho FBI và Quốc hội lời giải thích đầy đủ về các tương tác với các quan chức Nga và những người có liên hệ với điện Kremlin trong và sau cuộc bầu cử 2016. Nhà Trắng hiện chưa có bất cứ phản hồi nào về thông tin trên, theo Reuters.
Luật sư của cựu cố vấn an ninh Flynn từ chối bình luận. Ở Moscow, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao cũng từ chối bình luận về những lần liên lạc trên.
Trong một diễn biến khác, một phát ngôn viên của đại sứ quán Nga tại Washington nói rằng: “Chúng tôi không bình luận về những liên lạc hằng ngày giữa chúng tôi với những người đối thoại địa phương”.
18 cuộc gọi và thư điện tử giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và quan chức Nga diễn ra trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 11-2016, thời điểm các tin tặc tấn công thư điện tử của bà Hillary Clinton và Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ (DNC). Điều này được tình báo Mỹ hồi tháng 1 kết luận là nằm trong chiến dịch của điện Kremlin để làm mất uy tín cuộc bầu cử và can thiệp vào kết quả bầu cử nhằm giúp ông Trump giành chiến trắng trước đối thủ đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton.
Theo Reuters, những liên lạc giữa đội ngũ của ông Trump và phía Nga tập trung thảo luận về hàn gắn quan hệ kinh tế Mỹ-Nga vốn bị trì trệ do các lệnh trừng phạt áp vào Moscow, hợp tác chống IS ở Syria và ngăn chặn các hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông.
Các thành viên của ủy ban tình báo Thượng viện và Hạ viện đã liên hệ với Cơ quan tình báo trung ương (CIA) và Cơ quan an ninh quốc gia rà soát những bản đánh máy từ các cuộc gọi và các tài liệu khác có liên quan tới các cuộc liên lạc giữa các cố vấn ông Trump và quan chức Nga. Nguồn tin khẳng định với Reuters có cuộc điều tra này.
Ngoài 6 cuộc điện thoại liên quan giữa ông Flynn và Kislyak, nguồn tin cho biết còn có thêm 12 lần liên lạc thông qua thư điện tử, tin nhắn văn bản giữa quan chức Nga và đội ngũ tranh cử của Trump. Cụ thể, một trong những liên lạc có liên quan tới chính trị gia Ukraine Viktor Medvedchuk. Hiện chưa rõ, ông Viktor Medvedchuk liên lạc với ai trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, nhưng chủ đề của cuộc liên lạc có nói tới hợp tác Mỹ-Nga. Điều đáng chú ý nữa là, Tổng thống Putin là cha đỡ đầu của con gái ông Medvedchuk.
Chính trị gia Ukraine Viktor Medvedchuk. Ảnh: Reuters
Ông Medvedchuk đã phủ nhận liên lạc với bất cứ ai trong đội ngũ tranh cử của ông Trump. “Tôi không quen với bất kỳ trợ lý thân cận nào của Tổng thống Donald Trump, vì vậy không có những cuộc liên lạc như vậy xảy ra” – ông nhấn mạnh trong thư điện tử phản hồi Reuters.
Bên cạnh ông Medvedchuk và Kislyak, danh tính của những người thân cận, quen biết với Tổng thống Putin liên lạc với phía Trump vẫn đang được phân loại. Tên của các cô vấn cho ông Trump ngoài ông Flynn ra vẫn còn được “niêm phong” trong các báo cáo tình báo do bảo vệ tính riêng tư của công dân Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức có thể yêu cầu được tiết lộ vì mục đích tình báo.
Mỹ và các cơ quan tình báo liên minh và cơ quan chấp pháp vẫn theo dõi đều đặn các liên lạc và “nhất cử nhất động” của các quan chức Nga.