Dấu mốc 100 ngày "treo lơ lửng"
Tuy dấu mốc 100 ngày chỉ mang tính biểu tượng nhưng đối với một Tổng thống bị ám ảnh bởi hình ảnh của mình như Trump thì nó thực sự mang tính "đe dọa" nhiều hơn.
Bởi vì 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của Trump đã diễn ra không mấy suôn sẻ với những cú vấp và thất bại pháp lý, sự đấu đá nội bộ của nhân viên, vụ từ chức của cố vấn an ninh quốc gia và gần như ngày nào cũng có những tin tức đau đầu về mối liên hệ với Nga.
Ngày 29/4 – ngày đánh dấu tròn 100 ngày Trump làm Tổng thống đã "treo lơ lửng" trên đầu cánh Tây Nhà Trắng như một thời hạn không chính thức cho sự tồn tại của nó.
"100 ngày là một dấu mốc và chúng tôi chỉ còn rất ít thời gian để xoay chuyển mọi việc, đây là một nhiệm vụ phi thường", một nhân viên Nhà Trắng nói.
Đối với một Tổng thống hay bắt đầu và kết thúc một ngày của mình bằng cách xem tin tức trên truyền hình cáp thì nhiệm vụ nặng nề "xoay chuyển tình thế" bỗng dưng rơi vào nhóm báo chí, truyền thông.
Nhóm này biết rằng, việc xây dựng hình ảnh của Trump như thế nào trên truyền thông sẽ quyết định việc các nhân sự trong nhóm có còn được tiếp tục công việc hay không.
Đó là bối cảnh của một cuộc họp lên kế hoạch cho mốc 100 ngày của Trump, diễn ra khoảng 3 tuần trước ngày 29/4.
Trump rất quan tâm tới hình ảnh của mình trên truyền thông. Ảnh: NBC
Đau đầu tìm thông điệp cho 100 ngày
Hơn 30 nhân viên của Trump tập trung trong một phòng họp của tòa nhà văn phòng Eisenhower (tòa nhà bên cạnh và nối liền với Nhà Trắng).
Giám đốc truyền thông Mike Dubke của Trump cùng với Phó giám đốc Jessica Ditto bắt đầu cuộc thảo luận về việc làm thế nào để "đóng gói" 100 ngày đầu tiên đầy hỗn loạn của Trump. Hai vị lãnh đạo nêu ra nhu cầu cần phải "thay đổi thương hiệu" để giúp Trump trở lại một cách phong độ.
"Tôi nghĩ đầu của Tổng thống sẽ nổ tung nếu ông ấy nghe thấy điều đó," một trong những nhân viên Nhà Trắng có mặt đã nói.
Các nhân viên Nhà Trắng, bao gồm cả cố vấn Kellyanne Conway được chia thành 3 nhóm với bảng trắng, bút viết và những tờ giấy khổ lớn để nghĩ ra cách lập danh sách các thành công đầu tiên của Trump.
"Kiểu đó làm cho tôi cảm thấy như được về lại thời học lớp 5", một trợ lý khác trong Nhà Trắng phàn nàn. "Đó là cách tốt nhất mà tôi có thể miêu tả cuộc họp ý tưởng".
Giám đốc truyền thông Dubke nói với các nhân viên tham gia cuộc họp đó rằng đưa ra thông điệp cho đối ngoại là nhiệm vụ khó nhất, vì Trump vẫn chưa có một đường lối đối ngoại hoàn chỉnh. Chỉ 3 ngày sau cuộc họp đó, Trump đã ra lệnh bắn tên lửa Tomahawk vào Syria.
"Không có một ‘học thuyết Trump’ nào cả", Dubke tuyên bố. Cả phòng họp kinh ngạc với nhận định đó.
"Khi còn tranh cử, chúng tôi hiểu khá rõ về việc Trump muốn làm gì", một quan chức Nhà Trắng có mặt tại cuộc họp nói. "Trump đã được bầu vì tầm nhìn ‘Nước Mỹ trên hết’. ‘Nước Mỹ trên hết" chính là học thuyết Trump".
Một nhân viên Nhà Trắng khác thì than thở: "Chúng ta đang có một nhóm truyền thông có nhiệm vụ truyền bá các thông điệp của Tổng thống mà có vẻ họ lại chẳng hiểu những thông điệp đó".
Chia thành tựu trong 100 ngày thành 3 loại?
Trả lời Politico, Dubke nói rằng ông thất vọng vì các nhân viên Nhà Trắng không phàn nàn ngay tại cuộc họp mà lại đi nói với báo chí.
Mike Dubke, Giám đốc Truyền thông của Nhà Trắng. Ảnh:Twitter/Jason Miller
"Đó là một buổi họp bàn ý tưởng và tôi thực sự ước họ đã lên tiếng trong phòng họp để chúng tôi có một cuộc đối thoại cởi mở và trung thực", Dubke nói. "Thảo luận nội bộ mà phải thông qua truyền thông đại chúng thế thì không hiệu quả".
Về ý kiến "thay đổi thương hiệu", Dubke cho biết nó đã bị hiểu sai.
"Không cần thiết phải thay đổi thương hiệu nhưng thực sự cần phải tạo thương hiệu cho 100 ngày đầu tiên. Đó là công việc của chúng tôi. Bởi vì nếu chúng tôi không làm điều đó, giới truyền thông sẽ làm", Dubke nói.
Một số nguồn tin cho Politico biết, đội truyền thông của Trump hiện đang lên kế hoạch chia các thành tựu trong 100 ngày đầu tiên của Tổng thống thành ba loại.
Đó là: "Sự thịnh vượng" (công ăn việc làm mới, giảm các quy định, ra khỏi TPP), "Tinh thần trách nhiệm" (giữ lời hữa ‘tháo cạn đầm lầy’ khi tranh cử bằng các quy định hạn chế nghề vận động hành lang) và "An toàn/an ninh" (bao gồm sự sụt giảm đáng kể lượng người qua biên giới và cuộc tấn công vào Syria).
Tuy nhiên, câu hỏi làm thế nào để "đóng khung" 100 ngày của Trump vẫn là một thách thức.
Các trợ lý của Trump đang phải vật lộn với thực tế rằng họ sẽ kết thúc giai đoạn 100 ngày mà không có thành tựu đáng kể nào về lập pháp ngoại trừ việc lật ngược các quy định của Obama.
Kể cả thành công đáng nói nhất của Nhà Trắng cho tới lúc này, đó là việc ông Neil Gorsuch được bổ nhiệm làm thẩm phán tối cao, thì cũng đã cần tới việc Thượng viện soạn lại các luật lệ để vượt qua sự phản đối của phía Dân chủ.
100 ngày đầu tiên của Tổng thống có nguy cơ kết thúc bằng việc đóng cửa chính phủ
Mặc dù Nhà Trắng vẫn tiếp tục thúc đẩy tiến trình đang bị ngưng trệ trong việc thông qua luật mới về chăm sóc sức khỏe, họ chỉ có 5 ngày làm việc sau kỳ nghỉ xuân kéo dài 2 tuần của Quốc hội.
Thêm vào đó, một thời hạn khác sẽ xuất hiện, đó là ngày 28/4.
Trump và Hạ viện được kiểm soát bởi phía Cộng hòa sẽ phải thông qua một dự thảo chi tiêu ngân sách trước thời hạn đó để giữ cho chính phủ hoạt động.
Nếu dự thảo chi tiêu ngân sách đó (cho phần còn lại của năm tài khóa 2017 kết thúc vào tháng 9 năm nay) không được thông qua trước ngày 28/4 thì chính phủ của Trump sẽ phải đóng cửa, ngừng hoạt động, đúng vào ngày 29/4, ngày thứ 100 của nhiệm kỳ tổng thống.