Đối mặt cáo buộc cho vũ khí hạt nhân vào không gian, Nga có động thái "đảo ngược": Tin đồn tắt lịm?

Trang Ly |

Nga đã làm gì trước các cáo buộc của truyền thông Mỹ?

Hãng TASS đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết hôm 24/2 rằng Moscow không có kế hoạch từ bỏ Hiệp ước Ngoài không gian năm 1967 quy định các nguyên tắc thăm dò không gian vì mục đích hòa bình.

"Không, chúng tôi không xem xét những kế hoạch như vậy. Đây là một trong những thành phần quan trọng còn hiệu lực trong hệ thống các điều ước quốc tế, hiệp định pháp lý và các công cụ khác để điều chỉnh lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ" - Nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho hay.

Ông Sergey Ryabkov nhấn mạnh, trái ngược với những tuyên bố vô căn cứ của Mỹ đối với Nga về không gian vũ trụ - rằng Moscow có ý định triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian - Nga còn tìm cách giữ cho không gian vũ trụ không có bất kỳ loại vũ khí nào.

Đối mặt cáo buộc cho vũ khí hạt nhân vào không gian, Nga có động thái

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov.

Trước đó, một số phương tiện truyền thông Mỹ trước đó đưa tin rằng cái gọi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ có thể được đặt ra bởi kế hoạch được cho là của Nga nhằm triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu rằng Nga "luôn luôn và phản đối mạnh mẽ việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian", TASS thông tin.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov còn chỉ ra sự thiếu hiệu quả trong việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Theo ông Sergey Ryabkov, việc đưa vũ khí hạt nhân vào không gian là không phù hợp về mặt kỹ thuật.

Đối mặt cáo buộc cho vũ khí hạt nhân vào không gian, Nga có động thái

Ký kết Hiệp ước Ngoài không gian. Ảnh: Liên Hợp Quốc/CC BY-SA 2.0

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Hiệp ước Ngoài không gian đã được Tiểu ban Pháp lý xem xét vào năm 1966 và đạt được thỏa thuận tại Đại hội đồng trong cùng năm. 

Hiệp ước phần lớn dựa trên Tuyên bố về các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong thăm dò và sử dụng không gian bên ngoài. Hiệp ước được mở để ký kết tại Washington (Mỹ), Moscow (Nga) và London (Anh) vào ngày 27 tháng 1 năm 1967 và có hiệu lực vào ngày 10 tháng 10 năm 1967.

Theo Hiệp hội kiểm soát vũ khí của Mỹ thông tin năm 2020, Hiệp ước Ngoài Không gian (1967) có 110 quốc gia thành viên, cùng với 89 quốc gia khác đã ký nhưng chưa hoàn tất việc phê chuẩn.

Về cơ bản, Hiệp ước Ngoài Không gian (1967) cấm bố trí vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) ngoài vũ trụ, cấm các hoạt động quân sự trên các thiên thể và nêu chi tiết các quy tắc ràng buộc về mặt pháp lý điều chỉnh việc thăm dò và sử dụng không gian vì mục đích hòa bình.

Tham khảo: TASS, UNOOSA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại