Tháng 9/2018, Không quân Mỹ tiết lộ họ cần tổng cộng 386 phi đội máy bay trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để đảm đương với những mối đe dọa mà Nga và Trung Quốc tạo ra. Tuy nhiên, một nghiên cứu do quốc hội Mỹ yêu cầu nói số lượng kể trên là chưa đủ.
Hơn nữa, nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược và đánh giá ngân sách (CSBA) còn đề nghị rằng Không quân Mỹ cần phát triển một loạt các công nghệ mới không có trong kế hoạch, bao gồm một máy bay không người lái tàng hình, một máy bay trinh sát không người lái mới có thể xâm nhập vào những khoảng không gian “tranh chấp”, và các máy bay tiếp dầu trên không không có trong danh mục cho tương lai của Không quân Mỹ.
Trong nghiên cứu được gửi tới quốc hội Mỹ hồi đầu tháng, CSBA cho rằng Mỹ thiếu nghiêm trọng các máy bay tiếp dầu, máy bay ném bom, tiêm kích, các máy bay không người lái (drone) trinh sát/tấn công.
Số máy bay ném bom, theo CSBA, cần phải tăng từ 9 phi đội thường trực ở thời điểm hiện nay lên 24 phi đội vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Tổ chức này, theo tin của Defense News, từ chối đưa ra thời điểm cụ thể, bởi đề nghị của họ còn bao gồm một số loại máy bay không có trong danh mục phát triển của Không quân Mỹ.
Cần nói thêm, trong không quân Mỹ, một phi đội máy bay chiến đấu (fighter squadron) thường bao gồm 18-24 máy bay trong khi một phi đội máy bay ném bóm có số máy bay thấp hơn.
Theo CSBA, phi đội tiêm kích cần tăng từ 55 lên 65 (khoảng 1300 chiếc) và phi đội máy bay tiếp dầu cần tăng từ 40-58. Phi đội drone do thám/tấn công, hiện nay chủ lực là MQ-9 Reaper, cũng phải tăng từ 25 lên 43.
Mô hình máy bay ném bom B-21, dự án đang trong vòng bí mật của Mỹ
Nhưng kết luận của CSBA xung đột với đánh giá nhu cầu của Không quân Mỹ. Không quân cho rằng họ cần 312 -386 phi đội và nhấn mạnh những lĩnh vực CSBA không hề đánh giá, như không gian, không gian mạng, tên lửa, không vận và tìm kiếm cứu nạn.
Không quân Mỹ nói tới năm 2030, họ cần 14 phi đội ném bom, 62 phi đội tiêm kích, 54 phi đôi tiếp dầu, 27 phi đội drone tấn công/do thám và 62 phi đội chỉ huy/thu thập tình báo/do thám/giám sát (C2/ISR).
Tuy nhiên, Không quân Mỹ không tiết lộ những mục tiêu này có thể ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm trong tương lai như thế nào, và liệu các chương trình hiện tại có được mở rộng để đạt các mục tiêu đã đề ra này hay không.
Một điểm khác biệt lớn nữa là Không quân và CSBA thiết lập lực lượng trong tương lai dựa trên những mối đe dọa khác nhau. Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, tướng Dave Goldfein nói rằng 386 phi đội là cần thiết để “đánh bại mối nguy (từ đối thủ) ngang hàng trong khi vẫn đủ ngăn chặn mối nguy gần ngang hàng”.
Trong khi đó, CSBA muốn thiết lập một lực lượng không quân có thể thực thi nhưng mục tiêu cụ thể và tham vọng hơn.
Thứ nhất, Không quân Mỹ phải đối đầu với một cuộc xung đột lớn với một đối thủ cạnh tranh gần ngang hàng, ví dụ “một hành động quân sự lớn của Trung Quốc ở biển Đông” chẳng hạn. Rồi 10 hay 20 ngày sau đó, họ buộc phải xử lý các hành động gây hấn từ “một đối thủ gần ngang hàng thứ hai”, ví dụ “một cuộc xâm lăng của Nga nhằm vào một nước ở vùng Baltic”.