Đối đầu AFT-10, xe tăng T-90MS không có cơ hội chiến thắng?

Nam Đồng |

Ngoài trực thăng vũ trang, đối thủ khác mà T-90MS phải đặc biệt dè chừng chính là xe diệt tăng mang tên lửa tầm xa.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 chính thức được giới thiệu tới công chúng vào năm 2014, tuy nhiên tại thời điểm đó nó đã phục vụ trong biên chế Quân đội Trung Quốc, có vẻ như hệ thống này đã được sản xuất với số lượng lớn.

Đối đầu AFT-10, xe tăng T-90MS không có cơ hội chiến thắng? - Ảnh 1.

Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành AFT-10 trong một cuộc duyệt binh

Sức mạnh của AFT-10 nằm ở tên lửa chống tăng HJ-10, đây là phiên bản thu nhỏ của tên lửa hành trình tấn công mặt đất CM-501G với trọng lượng rút gọn chỉ bằng một phần ba.

Dễ dàng nhận thấy HJ-10 có rất nhiều nét tương đồng với tên lửa chống tăng không đường ngắm Spike NLOS (Non Line Of Sight) do Israel chế tạo, không rõ đây là một sản phẩm sao chép hay Trung Quốc đã mua giấy phép chế tạo từ quốc gia Trung Đông này.

Tên lửa HJ-10 có chiều dài 1.850 mm; đường kính 165 mm; trọng lượng phóng 50 kg; mang đầu đạn nổ lõm hai tầng nặng ~10 kg, xuyên được trên 1.000 mm giáp đồng nhất sau giáp phản ứng nổ, tầm bắn tối đa 10 km.

Nhờ công nghệ dẫn đường quang học/hình ảnh, HJ-10 có thể khóa mục tiêu trong khi đang lấy đường ngắm hoặc sau khi phóng (Lock on after launch), nó nhận dữ liệu và nhận dạng mục tiêu trong thời gian thực bằng đường truyền tín hiệu thông qua cáp quang kết nối giữa đạn với bệ phóng.

Đối tượng tiêu tiệt của HJ-10 ngoài các loại xe tăng, xe thiết giáp hay lô cốt, công sự của đối phương thì lúc cần thiết nó còn tiêu diệt được cả trực thăng bay thấp.

Đối đầu AFT-10, xe tăng T-90MS không có cơ hội chiến thắng? - Ảnh 2.

AFT-10 phóng tên lửa HJ-10 trong một cuộc tập trận

Khung gầm của AFT-10 chính là của xe chiến đấu bộ binh ZBD-08 có trọng lượng 25 tấn; chiều dài 7,2 m; chiều rộng 3,2 m; chiều cao 3,2 m.

Trái tim của xe là động cơ diesel BF8M1015CP công suất 590 mã lực đi kèm hộp số 4 cấp, cho tốc độ tối đa 65 km/h; tầm hoạt động 500 km; leo được dốc 60%; đi trên mặt phẳng nghiêng 40%; vượt vật cản cao 0,7 m; vượt hào rộng 1,8 m và có thể bơi với tốc độ 6 - 8 km/h.

Kíp chiến đấu của AFT-10 gồm 3 người: trưởng xe, lái xe và trắc thủ, bệ phóng dạng container lắp trên nóc mang theo 8 tên lửa sẵn sàng phóng.

Đối đầu AFT-10, xe tăng T-90MS không có cơ hội chiến thắng? - Ảnh 3.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS

Như vậy có thể thấy AFT-10 của Trung Quốc là một hệ thống vũ khí chống tăng cực kỳ lợi hại, đủ khả năng tiêu diệt bất kỳ xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại nào, thậm chí cả chiếc T-90MS cũng khó có cơ hội chiến thắng trong trường hợp đối đầu trực tiếp.

Nhờ tầm bắn rất xa, ngoài tầm với của cả đạn pháo lẫn tên lửa phóng đi từ khẩu pháo 2A46M-5, kết hợp chế độ "top attack" nhằm đúng vào nơi bọc giáp mỏng nhất, đặc biệt là khai hỏa được từ vị trí an toàn, có địa hình địa vật bảo vệ thông qua cơ chế dẫn đường không đường ngắm, T-90MS hay bất cứ loại xe tăng nào khác gần như không thể chống trả AFT-10 khi bị tấn công.

Các xe diệt tăng mang tên lửa tầm xa như AFT-10 tỏ ra là giải pháp hữu hiệu và rẻ tiền hơn rất nhiều so với việc đầu tư mua sắm trực thăng vũ trang, phiên bản xuất khẩu của AFT-10 hứa hẹn sẽ là sản phẩm đắt hàng trên thị trường vũ khí thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại