"Đọc vị" bể bơi nhiễm độc và cách tắm an toàn chốn công cộng

Trang Ly |

Nắm rõ được nguyên tắc tránh nhiễm độc nước bể bơi dưới đây sẽ giúp bạn và gia đình vừa được tắm mát mà không lo rước họa vào thân.

Hè đến là thời điểm hoàn hảo cho các bạn trẻ và các gia đình đến bể bơi công cộng để thỏa thích vui đùa với làn nước mát.

Tuy nhiên, mát thì có mát, nhưng ít ai ngờ được tại các bể bơi công cộng đông đúc người này, "hung thần" vẫn đang ẩn nấp để chực chờ tấn công bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Đọc vị bể bơi nhiễm độc và cách tắm an toàn chốn công cộng - Ảnh 1.

 Tại các bể bơi công cộng đông người, có rất nhiều hiểm họa tiềm ẩn đe dọa trẻ nhỏ mà ít người để ý. Hình minh họa.

Vậy, làm sao để nhận biết mối hiểm họa tiềm ẩn này và "bỏ túi" những bí kíp bơi an toàn chốn công cộng? Hãy tham khảo bài viết dưới đây:

Bể bơi công cộng: "Thiên đường" của mầm bệnh và chất độc hại

Do đặc thù của bể bơi mùa hè là chứa nhiều người, việc ý thức sử dụng bể bơi chung sao cho sạch sẽ là điều không dễ dàng. Thêm nữa, càng nhiều người sử dụng, bể bơi càng dễ nhiễm khuẩn.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), nước trong bể bơi "mix" đủ mọi thứ có khả năng gây bệnh cho người bơi, bao gồm: Nước khử trùng, clo, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, bụi bẩn, mỹ phẩm, tế bào chết...

Những tác nhân này có thể khiến người bơi dễ mắc các bệnh ngoài da (viêm da, nấm), bệnh hô hấp (hen suyễn, phổi), bệnh tiêu hóa (viêm dạ dày, tiêu chảy) bệnh phụ khoa, tai mũi họng, đỏ mắt, viêm tai...

Cụ thể, chúng gây bệnh cho chúng ta như thế nào?

Clo và chất tẩy rửa trong bể bơi

Để xử lý nước nhiễm khuẩn, người ta phải sử dụng clo, một loại hóa chất có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn (như E.coli) và kí sinh trùng. Thế nhưng, clo không phải lúc nào cũng loại bỏ hết được mầm bệnh, do đó, người đi bơi có thể bị ảnh hưởng sức khỏe.

Có nhiều trường hợp trẻ đi bơi bị nhiễm độc clo do vô tình uống phải nước trong bể bơi. Ngộ độc clo có thể gây ra các triệu chứng ở hệ thần kinh (run cơ, giảm vận động) và tiêu hóa (như buồn nôn, ỉa chảy...).

Trường hợp clo có quá nhiều trong nước bể bơi cũng khiến da và tóc trở nên khô, sơ.

Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí, nhiều nơi có thể sử dụng hóa chất rởm, rẻ tiền nhằm diệt vi khuẩn và xanh nước. Nếu làm cẩu thả, các hóa chất này vượt quá liều lượng cho phép sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bơi.

Bệnh truyền nhiễm từ người khác

Việc nhiễm các bệnh ngoài da tức thì khi tắm ở bể bơi công cộng là điều ít tránh khỏi. Vì có nhiều người không ý thức được việc tránh lây bệnh cho người khác khi bản thân đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa...

Đọc vị bể bơi nhiễm độc và cách tắm an toàn chốn công cộng - Ảnh 2.

 Bể bơi càng có nhiều người càng có nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc cao. Hình minh họa.

Theo các bác sĩ, nồng độ vi khuẩn cao trong nước sẽ gây nên các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông với các biểu hiện ngứa, nổi mẩn, nốt đỏ.

Các chị em phụ nữ cần cẩn trọng khi bơi tại các bể bơi công cộng vì rất dễ mắc các bệnh phụ khoa (như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung). Các bệnh này không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh sản sau này.

Nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, đờm

Theo các chuyên gia của Mỹ, nguyên nhân khiến mắt bạn bị đỏ khi bơi không phải do clo mà do... nước tiểu! Nhiều người do ý thức kém đã không những tiểu tiện ra bể bơi còn khạc nhổ bừa bãi khiến nước nhiễm khuẩn nặng nề.

Nước tiểu khi kết hợp với clo, mồ hôi, nước khử trùng sẽ gây nên các phản ứng tạo ra sản phẩm phụ là cyanogen chloride. Chất này có tác hại cực kỳ lớn đến các cơ quan nội tạng và hệ thần kinh (thông qua đường hô hấp).

Ngoài các nguy cơ nêu trên, khi đi bơi ở bể bơi công cộng thì nguy cơ đuối nước cũng cần phải tính đến. Nguyên nhân có thể đến từ rất nhiều yếu tố như bị chuột rút, cảm đột ngột...

Cách nhận biết bể bơi có độc tố

Bằng "mắt thường", bạn hoàn toàn có thể đánh giá tình trạng bể bơi trước khi xuống tắm nhằm đảo bảo sức khỏe của bản thân, bằng các cách sau:

- Ngửi mùi nước: Khi vào khu bể bơi, nếu ngửi thấy mùi clo nồng nặc đặc trưng thì có nghĩa nước trong bể được xử lý chưa tốt. Khi đó, không nên cố tắm để tự rước bệnh vào người.

- Quan sát màu nước bơi: Theo các bác sĩ, màu nước trong tự nhiên, có màu xanh vừa phải, thành bể bơi không có mảng bám thì có thể đảm bảo là nước đủ tiêu chuẩn.

Đọc vị bể bơi nhiễm độc và cách tắm an toàn chốn công cộng - Ảnh 3.

 Nước bể bơi trong xanh tự nhiên, không có mùi clo nồng nặc là nước đạt tiêu chuẩn. Hình minh họa.

Nếu thấy nước có màu xanh bất thường (xanh quá mức hoặc khác so với màu da trời) thì không nên tắm vì có thể người ta đã sử dụng hóa chất tạo xanh nước quá liều lượng.

- Quan sát số lượng người đến bơi: Các chuyên gia khuyến cáo, nếu tại khu vực bể bơi có quá nhiều người thì nước bơi rất dễ nhiễm khuẩn và nhiễm độc.

Vì thế, thay vì đến bơi vào các giờ cao điểm, hay đến sớm hơn một chút và tránh đến bể bơi vào các ngày nghỉ.

Nguyên tắc "6 Không - 4 Có" để tránh nhiễm độc khi tắm ở bể bơi công cộng

Cần TUÂN THỦ các nguyên tắc "6 không - 4 có" này, để đảm bảo sức khỏe cho bạn và gia đình:

Nguyên tắc 6 KHÔNG:

Không tắm tại bể bơi công cộng nếu bản thân đang mắc các bệnh: ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị, phụ khoa. Đặc biệt với các bạn nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, tuyệt đối không nên xuống nước quá lâu.

Không uống nước bể bơi.

Không nhai kẹo cao su, ăn quá no hoặc uống các đồ uống có chất kích thích khi xuống bể bơi. Các việc này nhằm tránh nguy cơ bị sặc nước, đau bụng và cảm đột ngột.

Không tiểu tiện và tùy ý khạc nhổ tại bể bơi.

Không đi bơi vào khoảng thời gian từ 11 đến 15h hàng ngày tại các bể bơi ngoài trời, nhằm tránh nguy cơ bị cảm đột ngột.

Không nên đi bơi ở các bể bơi có quá đông người. Đặc biệt, nên tránh đi vào các ngày lễ, ngày nghỉ.

Đọc vị bể bơi nhiễm độc và cách tắm an toàn chốn công cộng - Ảnh 4.

 Hãy là người bơi thông minh với các quy tắc vàng để đảm bảo sức khỏe bạn và gia đình. Hình minh họa.

Nguyên tắc 4 CÓ (NÊN):

Trước khi bơi, nên tắm qua để gột bỏ mồ hôi, mỹ phẩm, tế bào chết... nhằm tránh gây ảnh hưởng đến người khác.

Nên mang theo kính mắt và mũ bơi để bảo vệ tóc và mắt khỏi các tác hại của ánh nắng (nếu tắm ở bể bơi ngoài trời) và giảm tác động của clo.

Sau khi bơi, nên tắm lại sạch sẽ bằng nước sạch và xà bông có độ kiềm cao, sau đó sử dụng sữa dưỡng ẩm bôi toàn thân để da không bị khô. Đặc biệt, nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ.

Dùng nước muối có nồng độ NaCl 0,9% để nhỏ mắt sau khi bơi. Súc miệng sạch sẽ nhằm tránh gây hại cho men răng.

Hãy share để nhiều người nắm được "bí kíp vàng" trong mùa hè này nhé!

*Bài viết tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại