“Kỹ sư” không bằng cấp
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nhưng ông Nguyễn Văn Lượng, 57 tuổi ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang (Bắc Giang) lại rất đam mê nghề cơ khí.
“Trải qua hàng chục năm gắn liền với nghề cơ khí đã tạo ra hàng chục loại máy móc, nhưng chế tạo loại máy nào cũng chỉ hoạt động được 5 -10 năm là bắt đầu hỏng và không sử dụng được”- ông Lượng nói.
Ngôi nhà 420 tấn quay 360 độ trong bể nước ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang (Bắc Giang)
"Tôi nghĩ mình cũng già rồi phải làm cái gì để lại hoạt động cho lâu dài một chút, nên mới tìm tòi học hỏi muốn làm cái nhà xoay. Khi bắt đầu tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội thì thấy chưa ai làm ngôi nhà kiểu này bao giờ, thường chỉ làm bằng kiểu khung sắt như đu quay, có bánh xe chạy, nhưng tốn rất nhiều động cơ. Chính vì vậy mình bắt đầu xây ngôi nhà xoay bằng bê tông, vừa có độ bền cao, lại ít chi phí" - ông chia sẻ.
Căn nhà xoay có diện tích 172m2, xây trên khu đất 50 năm, rộng 10ha được ông thuê mười mấy năm nay. Từ khi lên ý tưởng (năm 2009), xin được giấy phép xây dựng (năm 2012) đến khi xây xong (2016) là cạn vốn.
Ông Nguyễn Văn Lượng đã có lần tranh cãi với gia đình vì thường xuyên làm những thứ vô bổ, nhưng với quyết tâm làm bằng được, miễn không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên hiện tại mới có căn nhà xoay 360 độ này.
“Hiện ngôi nhà vẫn chưa hoàn thiện toàn bộ, nhà vệ sinh thì đã lắp đặt nhưng chưa hoàn thiện hệ thống điện nước khu vực tầng 2, về phần trang trí, sơn nhà thì toàn bộ đều là bạn bè, người thân đến hỗ trợ, chứ mình chưa có tiền làm nốt hạng mục còn lại”- ông Lương vui vẻ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Lượng giới thiệu với phóng viên về hệ thống để nhà xoay của ngôi nhà
Ngôi nhà 420 tấn quay 360 độ
Điều đặc biệt của căn nhà này là có thể xoay tròn 360 độ, tương tự như bàn xoay trong các nhà hàng và có thể điều chỉnh để nhà xoay theo mọi hướng, với tốc độ quay khác nhau, chậm nhất là 24 giờ/vòng quay, còn nhanh nhất thì người ở trong nhà có thể hơi chóng mặt. Bên cạnh đó, căn nhà còn kết nối hệ thống với điện thoại thông minh để có thể xoay nhà từ xa.
Vận hành ngôi nhà xoay 420 tấn chỉ cần bộ máy công suất tương đương 1 chiếc quạt, xoay trong bể nước, chỉ có sức nước mới xoay được nhẹ nhàng như thế.
Để vận hành ngôi nhà xoay nặng 420 tấn, với công suất chỉ tương đương như bật 1 chiếc quạt, là nhờ xoay 360 độ trong bể nước
Hệ thống điều khiển độ xoay của ngôi nhà
Hiện toàn bộ nhà đều được nổi nhờ hầm phao ngầm có đường kính 12m và hệ thống chân vịt, trục quay, theo thiết kế hoàn hảo. Đặc biệt, toàn bộ hệ thống điện nước, nước thải sẽ phải có tâm trục, đào rãnh rất sâu và cho thiết bị vào. Nhưng với căn nhà thử nghiệm này, ông bỏ bớt một vài công đoạn để giảm chi phí.
Để giấc mơ trở thành hiện thực, ông Nguyễn Văn Lượng đã đổ rất nhiều tâm huyết, trí tuệ, phải thử nghiệm rất nhiều lần từ việc thử hàn bằng khung sắt cho giống hệt như ngôi nhà, để khi đặt vào vị trí thấy có thể xoay thành công thì bắt đầu xây. Nhưng quan trọng nhất của ngôi nhà chính là tầng hầm, linh hồn của hệ thống vận hành ngôi nhà xoay, phải làm sao tính toán được trọng lượng, khối lượng, nước chịu tải của tòa nhà.
Bên cạnh việc hoàn thành các hạng mục nhà xoay 360 độ, ông Lượng còn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm máy móc cống hoàn toàn bằng công nghệ, giúp giảm nhân lực, tăng năng suất.
Ông Phạm Văn Huệ du khách đến tham quan ngôi nhà xoay 360 độ
Du khách đến tham quan ngôi nhà xoay 360 độ, ông Phạm Văn Huệ 56 tuổi ở tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Sau khi nắm được thông tin qua mạng xã hội và các cơ quan báo chí, nhân dịp xuống chơi với con, cháu nên thuận tiện đường, tôi rẽ qua đây để chiêm ngưỡng nét độc đáo, sáng tạo của người Việt. Đặc biệt, khi nói về chủ của ngôi nhà xung quanh đây ai cũng biết ông là người có biệt tài về cơ khí, khi dám nghĩ, dám làm luôn tìm kiếm cái mới, độc lạ”.
Với sự cố gắng, nỗ lực của mình, ông Nguyễn Văn Lượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận bằng sáng chế độc quyền ngôi nhà quay trong bể nước.