Tháng 11/2019, các tờ báo, kênh truyền hình lớn New York Times, CNN, Guardian đồng loạt đăng tin về sự xuất hiện trở lại của một loài thú chỉ có ở Việt Nam sau 30 năm biến mất.
Theo CNN, loài móng guốc độc đáo này là cheo cheo lưng bạc (hay còn gọi là hươu chuột). Loài này lần đầu tiên được biết đến và mô tả bởi các nhà khoa học vào năm 1910, khi 4 mẫu vật được thu thập quanh Nha Trang. Sau đó, không có ghi nhận khoa học nào về sự tồn tại của loài này cho đến năm 1990, khi người ta thu được xác của một con cheo cheo lưng bạc từ một thợ săn ở miền Trung Việt Nam.
Sau 30 năm biến mất, loài thú độc đáo chỉ có ở Việt Nam đã xuất hiện trở lại. (Ảnh: CNN)
Trang tin Gizmodo cho biết trong bản tin: "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là một tin tức hết sức phấn khởi". Trong khi đó, trang Guardian chạy title: "Loài hươu chuột biến mất gần 30 năm nay được tìm thấy vẫn còn sống ở Việt Nam". National Geographic ca ngợi phát hiện và gọi cheo cheo lưng bạc là "loài động vật đã biến mất trong cả một thế hệ".
An Nguyen – Nhà sinh vật học làm việc tại Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu cho biết: "Từ lâu, loài cheo cheo lưng bạc chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Nhưng bây giờ, chúng tôi phát hiện ra rằng chúng vẫn còn sống. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy chúng không bị tuyệt chủng. Bây giờ, chúng tôi sẽ nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ loài thú móng guốc này".
Loài thú này xuất hiện trở lại đã thu hút sự quan tâm của nhiều tờ báo, trang tin lớn như CNN, New York Times, Guardian. (Ảnh: CNN)
Tuy nhiên, mới đây, tại hội thảo quốc tế "Thúc đẩy công tác bảo tồn cheo cheo lưng bạc và hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam", các chuyên gia trong nước và quốc tế đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ với cheo cheo lưng bạc trước nạn săn bắn động vật hoang dã. Nguyên nhân là hiện cheo cheo lưng bạc không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đang được phân hạng thiếu dữ liệu (DD) trong Sách đỏ (các loài sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng) của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN.
Theo các chuyên gia, nếu đợi đến khi quần thể của loài trở nên cực kỳ nhỏ và phân bố rải rác như các loài thú đặc hữu khác của Việt Nam như sao la và mang lớn thì công tác bảo tồn sẽ rất tốn kém.
Loài thú này lần đầu tiên được biết đến và mô tả bởi các nhà khoa học vào năm 1910 ở Nha Trang. (Ảnh: CNN)
Cheo cheo lưng bạc là loài thú gì? Tại sao sự xuất hiện trở lại của nó lại khiến thế giới quan tâm như vậy?
Loài thú móng guốc nhỏ nhất thế giới ở Việt Nam
Theo báo Tuổi trẻ, cheo cheo lưng bạc hay còn gọi cheo cheo Việt Nam hoặc hươu chuột Việt Nam (danh pháp khoa học: Tragulus versicolor) là một loài động vật guốc chẵn trong họ cheo cheo. Cheo cheo lưng bạc là một trong 6 loài cheo cheo được ghi nhận trên thế giới. Tại Việt Nam có hai loài: cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor) và cheo cheo Nam Dương (Tragulus kanchil). Trong đó, cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam.
Cheo cheo lưng bạc là loài thú móng guốc đặc hữu của Việt Nam. (Ảnh: CNN)
Cheo cheo lưng bạc có ngoại hình giống hươu nhưng kích thước chỉ bằng một con thỏ, chúng không có tuyến lệ. Toàn thân loài vật phủ lông màu nâu đỏ mịn và mượt, trong khi vùng ngực và dưới bụng có 3 vệt lông trắng song song với thân. Con đực và con cái đều không có sừng. Loài sinh vật này có răng cửa giống như ngà. Do không có sừng hay gạc, cheo cheo đực sử dụng răng nanh dài để tranh giành lãnh thổ hoặc thu hút bạn tình.
Cheo cheo lưng bạc là động vật sống và kiếm ăn đơn độc, nó có khả năng thích nghi với nhiều môi trường khác nhau nhưng chủ yếu là trong rừng, rẫy. Cheo kiếm ăn ban ngày và đêm theo lối mòn hoặc trong khu vực riêng có cây rậm rạp bao phủ. Cheo có tính nhút nhát, khi gặp kẻ thù nhảy trốn rất nhanh.
Cheo cheo lưng bạc là loài thú có ngoại hình giống hươu nhưng kích thước chỉ bằng một con thỏ. (Ảnh: CNN)
Mùa động dục và nuôi con sống ghép đôi giao phối vào khoảng tháng sáu và tháng bảy. Trước khi giao phối con cái dùng chân sau gõ xuống đất 8 lần trong vòng 3 giây báo cho con đực biết. Loài thú này mang thai khoảng 140 ngày. Mỗi lần đẻ một con vào cuối mùa mưa khi thức ăn dồi dào.
Với cơ thể chỉ cao khoảng 45 cm, nặng từ 0,7-2,6 kg, loài thú này được xác định thuộc nhóm thú móng guốc nhỏ nhất thế giới. Mặc dù chưa bị tuyên bố là tuyệt chủng, cheo cheo lưng bạc được xếp vào danh sách 25 loài động vật biến mất và cần tìm lại của Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Toàn cầu.
Sự xuất hiện trở lại của loài thú đặc biệt
Các nhà khoa học của Viện Sinh thái học Miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tổ chức Global Wildlife Conservation và Viện nghiên cứu Vườn thú và động vật hoang dã Lebniz (CHLB Đức) đã kết hợp nghiên cứu tại khu vực từng được xác nhận đã tìm thấy loài cheo cheo lưng bạc vào năm 1910.
Loài thú tưởng tuyệt chủng 30 năm bất ngờ xuất hiện tại Việt Nam. (Nguồn: The Guardian)
Các nhà khoa học đã đặt bẫy ảnh trong khoảng thời gian từ tháng 11-2017 đến tháng 7-2018. Họ đã thiết lập 29 camera khác trong cùng khu vực và các "bẫy" camera này đã ghi lại 208 chuyến viếng thăm của những con cheo cheo lưng bạc, tới 15 trong số các địa điểm dự kiến. Những con cheo cheo này đúng là cheo cheo lưng bạc của Việt Nam, bởi chúng có hai màu lông, và những sợi lông xám có đầu trắng phân biệt chúng với các loài cheo cheo khác.
Tổng cộng 1.881 tấm ảnh đã được chụp. Những con cheo cheo chủ yếu xuất hiện vào ban ngày. Chúng đi một mình trong 97% các chuyến viếng thăm, chỉ duy nhất 3% còn lại có hai cá thể cheo cheo cùng đến một lúc. Điều này khiến cho các nhà khoa học chưa kiểm đếm được có bao nhiêu cá thể sống trong khu vực. Đây là lần đầu tiên người ta chụp được ảnh cheo cheo lưng bạc tại Việt Nam trong gần 3 thập niên. Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Các nhà khoa học đã đặt bẫy ảnh từ tháng 11/ 2017 đến tháng 7/2018 để chụp ảnh loài thú này. (Ảnh: CNN)
Hiện nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục lắp đặt camera để khảo sát số cá thể cheo cheo lưng bạc. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia nghiên cứu cho rằng, việc phát hiện ra cheo cheo lưng bạc chưa tuyệt chủng là điều đáng mừng nhưng chúng ta cần nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ loài móng guốc này.
Loài thú đang trên bờ tuyệt chủng
Cheo cheo lưng bạc có kích thước quá nhỏ nên chúng thường là con mồi của nhiều loài động vật khác bao gồm báo, chó và trăn rừng. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chính hoạt động săn bắt của con người mới là nguyên nhân chính đẩy loài thú này tới bờ vực tuyệt chủng.
Chính hoạt động săn bắt của con người mới là nguyên nhân chính đẩy loài thú này tới bờ vực tuyệt chủng. (Ảnh: CNN)
Theo báo Tuổi trẻ, mới đây, Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức buổi hội thảo "Thúc đẩy công tác bảo tồn cheo cheo lưng bạc và hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam" tại trụ sở Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) trong hai ngày 18 và 19-10-2023. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng chung ta cần phải thực hiện ngay kế hoạch hành động phù hợp để bảo tồn loài cheo cheo lưng bạc.
Phát biểu tại hội thảo, Ông Ngô Lê Trụ, chuyên viên Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Việc mở rộng hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các quốc gia khác nhau, giữa các tổ chức bảo tồn, viện nghiên cứu địa phương và quốc tế rất quan trọng để xác định các hành động phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính và nhân lực".
Giống như tất cả các loài thú móng guốc khác, những con cheo cheo lưng bạc đang giúp các loài cây phân phối hạt giống, góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể của rừng nhiệt đới. (Ảnh: CNN)
Thông tin từ Vnexpress cho hay, nhiều chuyên gia đã nêu ý kiến đề xuất đưa cheo cheo lưng bạc vào danh mục loài ưu tiên bảo vệ, kết hợp du lịch dựa vào thiên nhiên để tạo sinh kế, nguồn thu cho người dân địa phương. Các nhà bảo tồn cũng đề xuất Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ đa dạng sinh học, động vật hoang dã...
Các nhà nghiên cứu học của Viện Sinh thái học Miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tổ chức Global Wildlife Conservation và Viện nghiên cứu Vườn thú và động vật hoang dã Lebniz (CHLB Đức) đã đề xuất các nhà quản lý cần tăng cường hoạt động kiểm lâm và nâng cao ý thức động đồng là một biện pháp cần thiết mang tính bền vững. Bởi nếu cheo cheo lưng bạc bị tuyệt chủng, chúng ta sẽ mất mát lớn. Giống như tất cả các loài thú móng guốc khác, những con cheo cheo lưng bạc đang giúp các loài cây phân phối hạt giống, góp phần bảo vệ sức khỏe tổng thể của rừng nhiệt đới.