Trên một góc hoang vắng và lộng gió ở bờ biển phía Đông Bắc Qatar, nằm giữa những đụn cát của sa mạc cằn cỗi là Al Jassasiya - điểm nghệ thuật trên đá và quan trọng nhất của quốc gia vùng Vịnh này.
Ở đây, nhiều thế kỷ trước, con người đã sử dụng các mỏm đá vôi thấp như một nơi để khắc biểu tượng, họa tiết và đồ vật họ quan sát được trong môi trường sống của mình.
Ở Jassasiya, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy khoảng 900 hình chạm khắc trên đá, hay còn gọi là “tranh khắc đá”. Hầu hết là những vết lõm bí ẩn được sắp xếp theo nhiều kiểu khác nhau, bao gồm các hàng và theo hình hoa thị.
Tuy nhiên, cũng có những biểu tượng bắt mắt của thuyền buồm, thường được nhìn từ trên cao, cùng với các biểu tượng và dấu hiệu khác.
Theo ông Ferhan Sakal, người đứng đầu bộ phận khai quật và quản lý địa điểm tại Bảo tàng Qatar, mặc dù nghệ thuật trên đá rất phổ biến ở bán đảo Ả Rập này, nhưng một số hình chạm khắc tại Al Jassasiya là độc nhất và không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào.
Ông cho rằng những tác phẩm chạm khắc đó thể hiện kỹ năng quan sát và sáng tạo ở mức độ cao của người tạo ra chúng. Bên cạnh đó là tư duy trừu tượng vì họ không thể nhìn thấy con thuyền truyền thống từ trên cao để vẽ.
Giả thuyết về những vết lõm bí ẩn
Một số hình chạm khắc mang rất nhiều điều bí ẩn. Ảnh: CNN/Dimitris Sideridis.
Có khoảng 12 địa điểm khắc đá đáng chú ý ở Qatar, chủ yếu nằm dọc theo bờ biển, mặc dù một số hình khắc có thể được nhìn thấy ở trung tâm Al Bidda Par của Doha, nhìn ra Corniche - một lối đi dạo ven sông nổi tiếng.
Al Jassasiya được phát hiện vào năm 1957, nằm ở phía Bắc thủ đô siêu hiện đại của Qatar và gần cảng Al Huwaila cổ kính. Cuối năm 1973 và đầu 1974, trong hơn 6 tuần, nhóm nghiên cứu Đan Mạch do nhà khảo cổ học Holger Kapel và con trai ông là Hans dẫn đầu đã lập danh mục toàn bộ địa điểm bằng các bức ảnh và bản vẽ.
Họ thấy rằng, trong số tất cả các hình và bố cục đơn lẻ được ghi lại, hơn 1/3 là các vết lõm với cấu hình, hình dạng và kích cỡ khác nhau.
Mô hình nổi bật nhất có 2 hàng 7 vết lõm song song, khiến một số người tin rằng những hàng này được sử dụng để chơi mancala. Đây là loại cờ phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới từ thời cổ đại, trong đó 2 người chơi thả một số viên đá nhỏ lẻ và chẵn vào vết lõm.
Tuy nhiên, những người khác đã phản đối giả thuyết trên vì cho rằng một số lỗ ở Al Jassasiya quá nhỏ để chứa bất kỳ viên đá nào, trong khi những vết lõm khác có thể được tìm thấy trên các sườn dốc - một lựa chọn không thực tế có thể dẫn đến việc các viên đá rơi ra.
Các giả thuyết khác bao gồm việc chúng có thể được dùng để bói toán; hoặc để phân loại và lưu trữ ngọc trai; hoặc như các hệ thống tính toán thời gian và thủy triều…
Vì vậy, những vết lõm kia mang ý nghĩa gì?
“Rất khó để trả lời”, ông Sakal thừa nhận và cho rằng hiện không có manh mối trực tiếp nào về các họa tiết được sử dụng ở Al Jassasiya.
“Theo tôi, chúng có thể mang ý nghĩa và chức năng nghi lễ, vốn rất lâu đời nên không thể giải thích về mặt dân tộc học”, ông Sakal nói và cho biết không thể biết được độ tuổi của chúng và không phải tất cả các bức chạm khắc đều được thực hiện cùng lúc.
Hình chạm khắc hấp dẫn nhất
Thập kỷ trước, nghiên cứu khoa học về 9 bức tranh khắc đá khác nhau tại Al Jassasiya đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy chúng hơn vài trăm năm tuổi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, cần có nhiều nghiên cứu hơn, bao gồm cả việc phát triển các kỹ thuật mới dành riêng cho những bức chạm khắc trên đá vôi để tìm hiểu điều này.
Mặc dù các chuyên gia không thể chắc chắn nói những bức tranh khắc đá ở Al Jassasiya được tạo ra khi nào và do ai, nhưng tất cả đều nhất trí rằng các hình chạm khắc hấp dẫn nhất và khác thường tại đây là hình những chiếc thuyền.
Những sáng tạo này cung cấp thông tin quan trọng về các loại tàu thuyền được sử dụng trong ngành công nghiệp đánh bắt và ngọc trai phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ (trụ cột của nền kinh tế Qatar), cũng như các yếu tố khác nhau của chúng.
Hầu hết những chiếc thuyền được nhìn từ trên cao này thường có hình con cá với đuôi nhọn và hàng mái chèo, được chạm khắc bằng một công cụ kim loại nhọn. Chúng chứa một số chi tiết, chẳng hạn như xương sườn bắt chéo và các lỗ có khả năng thể hiện việc đặt cột buồm và thanh chắn.
Trong một số trường hợp, một đường dài từ đuôi thuyền mô tả sợi dây kết thúc bằng mỏ neo truyền thống của Ả Rập (neo đá hình tam giác có 2 lỗ) hoặc của châu Âu (neo kim loại có thân dài và 2 cánh cong, lần đầu tiên được sử dụng trong khu vực này khoảng 7 thế kỷ trước).
Các chuyên gia cho biết những hình chạm khắc trên đá ở Al Jassasiya là độc nhất vô nhị. Ảnh: CNN/Dimitris Sideridis.
Hành trình sang thế giới bên kia
Trong cuốn sách “Hidden in the Sands: Uncovering Qatar's Past” (Tạm dịch: “Ẩn mình trong cát: Khám phá quá khứ của Qatar”), các tác giả Frances Gillespie và Faisal Abdulla Al-Naimi nói rằng, một số chiếc thuyền vẽ ở đây có mái chèo được đặt rất đặc biệt.
Theo họ, tàu thuyền đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của các dân tộc cổ đại. Những dân tộc này coi chúng là phương tiện mang tính biểu tượng để vận chuyển từ thế giới này sang thế giới tiếp theo.
Theo các chuyên gia, họ chỉ có thể suy đoán về lý do tại sao lại có sự tập trung cao độ các hình chạm khắc tàu thuyền ở Al Jassasiya, so với các địa điểm khắc đá ven biển khác ở Qatar.
“Cả người Babylon và người Ai Cập cổ đại đều tin rằng người chết đã đến thế giới bên kia trên một con thuyền. Thần thoại Hy Lạp kể về người lái đò Charon, người đã mang linh hồn của người chết qua sông Styx đến thế giới bên kia. Có thể những hình chạm khắc lâu đời nhất trên tàu là tiếng vọng của ký ức dân gian từ xa xưa về thời tiền sử”, các tác giả Gillespie và Al-Naimi viết.
Dù lý do là gì, du khách nên nhớ mang theo nước, đội mũ và bôi kem chống nắng khi lang thang giữa các hình chạm khắc để suy ngẫm về ý nghĩa của chúng.
Theo CNN