Bên cạnh ý nghĩa “mua may bán rủi”, Phiên chợ Âm Dương còn mang ý nghĩa tâm linh, tạo cơ hội cho người chết và người sống gặp nhau, trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của người dân Kinh Bắc.
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, thân nhân của những người lính đó đã về chiến trường xưa tưởng nhớ người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán.
Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm Dương.
Chợ bắt đầu họp vào lúc "lên đèn" trên một bãi đất trống, cạnh một ngôi miếu có tiếng linh thiêng trong vùng. Đây là chợ mà không có lều quán, không sử dụng đèn nến để thắp sáng.
Chợ không phải là nơi mua may bán rủi như nhiều chợ nơi khác. Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả. Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm.
Tuy không có lều quán nhưng trong chợ cũng có nhiều rượu, hàng mã, hương, nến, cau, trầu, muối, cháo, hoa quả…
Gạo muối, bật lửa được đóng thành từng túi nhỏ dễ dàng phục vụ du khách thập phương tới "mua may, bán rủi" đầu năm.
Năm thứ 2 chợ Âm Dương được phục dựng lại, rất đông người dân ở khắp nơi háo hức kéo nhau về thưởng thức lại giá trị văn hóa của người xưa.
Gà đen, mặt hàng đặc biệt tại chợ Âm Dương làng Ó.
Theo người dân làng Ó cho biết, gà đen là biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh. Chỉ những người nào thực sự may mắn nới có thể chen chân và chọn lấy cho mình một con gà đen mang về sau phiên chợ.
Không chỉ có người già mới đốt vàng mã cho người âm ở chợ Âm Phủ, nhiều bạn trẻ trải nghiệm mua vàng mã bằng cách thả tiền giấy vào nước sau đó hóa vàng cho người đã khuất không nơi nương tựa theo phong tục xưa
Với người dân xứ Kinh Bắc, chợ Âm Dương mang đậm nét văn hóa dân gian vùng Kinh Bắc. Vào dịp đầu Xuân, năm nào cũng vậy, mọi người đến hội chợ chỉ cốt được cầu may; những điều rủi ro, phiền muộn sẽ được xóa tan khi vào phiên chợ với mong muốn công việc làm ăn được thuận lợi./.