Tiên phong trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh mỹ phẩm cao cấp, nhưng xuất phát điểm của chị không phải là người trong ngành này. Điều gì đã đưa chị đến với ngành mỹ phẩm và gắn bó đến tận hôm nay?
Tôi làm xuất khẩu từ sớm và khá thành công. Những năm 90-92, tôi đã là triệu phú đôla. Ngày ấy, triệu phú đôla không nhiều như bây giờ, bởi nền kinh tế Việt Nam chỉ vừa mở cửa.
Tôi xuất khẩu nhiều thứ, có cả gừng, nghệ, các nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm sang Indonesia, Malaysia và Philippines… Khi ấy, nhà máy của Nhật đặt tại Indonesia và Philippines từng là bạn hàng nhập khẩu nguyên liệu của công ty tôi đề nghị tôi phân phối lại các sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam như một cách kinh doanh hàng đổi hàng.
Tôi đi thăm quan nhà máy của họ và thấy các sản phẩm đó rất phù hợp với túi tiền của người Việt vào những năm 90, nên tôi nhập các sản phẩm trung cấp với giá tiền vừa phải, chất lượng tốt. Việc kinh doanh hàng đổi hàng này kéo dài trong 5-6 năm.
Sau này, thị trường Việt Nam phân cấp rõ hơn, có nhiều khách hàng giàu có muốn tiếp cận những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn, tôi chuyển sang nhập sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm cao cấp về bán. Thời ấy Việt Nam chưa có các trung tâm thương mại bán hàng cao cấp như bây giờ, nên tôi chọn vị trí đặt cửa hàng là khách sạn 5 sao của TP HCM với tiền thuê mặt bằng cực kỳ đắt đỏ. Cửa hàng đó sau này trở thành cửa hàng phân phối đầu tiên của Shiseido ở Việt nam, tọa lạc tại khách sạn New World.
Khi bắt đầu một ngành kinh doanh, tôi không thích làm đơn lẻ, mà thích làm chuỗi cửa hàng. Vì vậy, ngay khi cửa hàng tại New World đi vào hoạt động ổn định, tôi đã mở thêm 2 cửa hàng khác ở trung tâm quận 1 và ở Tháp Hà Nội (Hà Nội).
Năm 1996, Shiseido có mở hội chợ ở Triển lãm Giảng Võ, tìm kiếm các đối tác phân phối độc quyền tại các thị trường. Mất hơn 1 năm gặp gỡ, xây dựng kế hoạch, đề án kinh doanh, thuyết phục..., tôi mới được Shiseido mời sang Nhật để ký hợp đồng trở thành nhà phân phối độc quyền của họ ở Việt Nam. Năm đó tôi mới 28 tuổi.
Việc kinh doanh với Shiseido đang thuận lợi thì vào những năm 2000-2001, nhận thấy Việt Nam không có đơn vị uy tín, tiêu chuẩn cao cấp phục vụ những người có nhu cầu làm đẹp trong khi ở Thái Lan lại rất thịnh hành nên tôi nói chuyện với Shiseido để bàn chuyện mở chuỗi spa. Sau khi nhận được sự đồng ý của Shiseido, tôi sang Mỹ và Singapore học về mô hình spa, quản lý, nhận sự và đào tạo về ngành này. Trở về Việt Nam, tôi mở trung tâm spa đầu tiên ở đường Nguyễn Văn Trỗi, sau đó mở tại Lý Thường Kiệt, lấy tên là Qi Spa.
Ngành xây dựng và chăm sóc sắc đẹp có vẻ trái ngược nhau về chuyên môn (một bên thô ráp, một bên nhẹ nhàng). Làm thế nào để chị có thể thành công được trong cả 2 ngành có vẻ trái ngược nhau như vậy?
Đúng là có thời gian công ty tôi làm trong cả ngành xây dựng, nhưng công việc chính là trang trí nội thất, nên cũng không hẳn là công việc thô ráp. Công ty cũng có nhiều kỹ sư, kiến trúc sư hỗ trợ làm việc trực tiếp, chứ không phải việc gì cũng đến tay mình.
Lúc ấy tôi mới khởi nghiệp, bất cứ việc gì tạo ra lợi nhuận hợp pháp mà nhắm thấy bản thân có thể làm được, có thể thành công được thì đều nhảy vào làm hết.
Vậy còn câu chuyện chị từng lái cả xe container, điều đó diễn ra như thế nào?
Không hẳn là lái xe container, mà chỉ là lùi, đậu đỗ xe trong cảng thôi. Thời ấy tôi đang kinh doanh hàng xuất nhập khẩu, mà đặc điểm của nghề này là rất chặt chẽ về thời hạn giao hàng, chậm qua ngày sẽ bị phạt tiền tàu ngay. Thời đó, để tiết kiệm chi phí, công ty đã thuê người bốc dỡ trong cảng, nhưng khi cần người đánh xe đi lại thì có lúc tôi cũng làm.
Lúc ấy tôi còn trẻ, biết lái xe tải nên cũng tự tin lái được container chặng ngắn. Khi cần thì nhảy lên carbin lái, cũng không suy nghĩ gì nhiều.
Khủng hoảng lớn nhất trong những năm tháng kinh doanh của chị đến từ đâu?
Khủng hoảng lớn nhất trong hơn 20 năm kinh doanh của tôi là sự kiện Shiseido bất ngờ chấm dứt hợp đồng phân phối độc quyền sau 14 năm. Theo thỏa thuận, tôi đã chuyển giao lại 68 cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm cho Shiseido.
Riêng về mảng kinh doanh spa, Shiseido không muốn tiếp nhận lại, vì đây là ngành liên quan đến quản lý con người, chứ không đơn giản là quản lý cửa hàng như mỹ phẩm. Tuy có thể giữ lại hệ thống Qi Spa, nhưng khi phát triển hệ thống này, tôi lại xây dựng trên một dòng sản phẩm của Shiseido. Việc chấm dứt hợp đồng với Shiseido cũng khiến tôi không được tiếp tục sử dụng bất cứ thương hiệu nào của họ. Vì vậy, tôi buộc phải hủy hệ thống spa này, dù khi đó việc kinh doanh đang rất tốt, đã có chuỗi tương đối lớn đặt tại nhiều khách sạn, resort 5 sao ở Việt Nam.
Đây là một bài học nhớ đời cho tôi. Rõ ràng, việc trở thành đại lý độc quyền, chăm sóc thương hiệu cho nhãn hàng nước ngoài giống như làm chăm sóc 1 đứa con, bỏ tinh thần, công sức của mình nhưng lại làm cho một chủ thể khác. Khi công việc kinh doanh tốt, doanh số cao, thương hiệu sẽ tìm nhiều cách để lấy lại việc kinh doanh, viện dẫn rất nhiều lý do để cắt hợp đồng với mình.
Vì vẫn rất thích làm trong ngành chăm sóc sắc đẹp, nên sau khi "dứt tình" với Shiseido, tôi mở ra Anna Spa, thương hiệu spa của riêng mình, bên cạnh việc tiếp tục làm nhà phân phối độc quyền cho các thương hiệu mỹ phẩm từ Pháp, Hàn Quốc. Hiện tại, mảng mỹ phẩm đang chiếm 60% doanh số của tập đoàn, 40% còn lại là từ kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, căn hộ và văn phòng cho thuê.
Vậy còn cơ duyên đưa chị đến với ngành bất động sản?
Trước khi chuyển giao lại việc kinh doanh cho Shiseido, tôi quản lý khoảng 130 cửa hàng trên toàn quốc. Phần lớn trong số ấy đều nằm tại những vị trí đắc địa về bán lẻ, với giá thuê mặt hàng rất cao. Từ đây, tôi cũng nhận thấy rằng văn phòng, cửa hàng cho thuê là một thị trường màu mỡ, thế là ấp ủ ước mơ sở hữu bất động sản cho thuê.
Trong ngành này tôi cũng gặp được nhiều người bạn cùng chí hướng. Như năm 2005, khi đang hoàn tất thủ tục mua một mảnh đất ở Phú Mỹ Hưng, tôi gặp anh Hoàng Khải. Khi ấy, mảnh đất của 2 anh em mua sát nhau, cùng muốn xây để thực hiện chung một mục đích là làm mặt bằng, văn phòng cho thuê. Chúng tôi nghĩ vì sao phải chia đôi để làm hai tòa nhà bé, thay vì hợp tác để xây dựng chung? Thế là công ty cổ phần Kim Cương ra đời, tòa nhà Paragon được xây dựng, và tôi nắm 50% cổ phần trong công ty này, anh Hoàng Khải giữ 50%.
Chị chia sẻ là từng 2 lần tự tử vì những sóng gió trong cuộc đời, lúc đó hoàn cảnh chị như thế nào?
Tôi vốn là người lạc quan, nhưng những lúc ấy có lẽ do sốc quá nên mới có ý nghĩ đó. Khi xảy ra sự cố, tiền bạc mất chỉ làm tôi buồn một, nhưng sự quay lưng, hay thậm chí là phản bội của những người từng là bạn bè thân thiết khiến tôi đau lòng nhiều hơn.
Khi ấy tôi thường đắm chìm trong câu hỏi: "Mình không làm gì tại sao họ lại đối xử với mình như vậy?". Tôi nghĩ có lẽ bởi mình là phụ nữ, sống cũng tình cảm hơn, ủy mị hơn, nên nỗi đau cũng lớn hơn.
Những phút suy nghĩ nông nổi đó qua rất nhanh, vì điều giữ tôi lại với đời là hai chữ "trách nhiệm". Trách nhiệm với gia đình, với đối tác, với nhân viên, vì nghĩ rằng nếu mình buông bỏ thì mọi người sẽ không thể gánh nổi. Tôi cảm thấy mình không được phép làm như vậy.
Rất may mắn những thời điểm như thế tôi đều có người thân, bố mẹ, con cái và ông xã sát cánh để vượt qua.
Những bi kịch đó có giúp gì cho chị sau này không?
Tất cả những không may đó trở thành bài học, tuy đắt giá nhưng giúp tôi rút được nhiều kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là điều đó rèn luyện cho tôi ý chí thép, giúp tôi sáng ra được mục tiêu của mình, tìm ra được phương hướng mới.
Là một người rất bận rộn nhưng vẫn online thường xuyên và hay viết chia sẻ trên trang cá nhân, điều đó có ảnh hưởng gì đến công việc và cuộc sống của chị không?
Tôi là người lãnh đạo nên công việc chủ yếu là tìm ra đường hướng kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, lo việc lớn trong công ty, còn những việc chi tiết đều có nhân viên, ban bệ hỗ trợ. Một ngày tôi dành cho facebook khoảng 2 tiếng, đó cũng là thời gian để thư giãn, là một thú vui trong cuộc sống, cũng là cách tôi giao tiếp với nhiều người.
Tôi thích coi sách báo, xem tin tức, chủ yếu qua mạng, cũng thích đọc facebook của những người nổi tiếng. Việc lên mạng vốn không chiếm quá nhiều thời gian, tôi cũng vui vì mình còn có lúc để online facebook, bởi nếu mỗi ngày chỉ quay quanh việc văn phòng thì nhiều khi không biết được chuyện gì đang xảy ra ở xã hội ngoài kia.
Facebook của chị có lượng follow rất cao, và nhiều người rất thích like, share những lời chia sẻ của chị. Chị có bao giờ đặt câu hỏi tại sao người ta lại thích vào chia sẻ những điều chị viết nhiều như vậy?
Nhiều bạn bè facebook của tôi nói rằng điểm thích nhất trong những dòng trạng thái của tôi là họ thấy được bản thân mình trong đó, nhưng lại không thể viết ra được. Trong khi nhiều bạn sinh viên, khởi nghiệp hoặc đang đi làm tìm thấy những bài học, lời khuyên dễ hiểu.
Rất nhiều bạn bè trên facebook để lại lời nhắn cho tôi, có những hôm lên tới cả trăm tin nhắn. Không phải ngày nào tôi cũng trả lời hết được những tin nhắn ấy, nhưng với một số người tìm đến tôi như một nơi trải lòng thì tôi sẽ cố gắng trả lời thật sớm, bởi không muốn họ thất vọng.
Chị có bao giờ bực mình hay phiền phức gì với các bạn facebook?
Đôi khi.
Facebook cũng là cuộc sống. Có người thấy mình có nhiều like quá thì ghét, không đọc kỹ chia sẻ cũng chửi, nhưng nhìn chung tình trạng đó trên facebook của tôi không nhiều lắm.
Khi chia sẻ bài viết, tôi chấp nhận ý kiến trái chiều, cái gì viết ra để tranh luận thì cho tranh luận thoải mái. Nhưng tôi không chấp nhận sự tranh luận thiếu lịch sự, miệt thị tôi và người khác.
Thực ra những người làm việc bôi xấu trên sẽ chỉ thiệt thòi thôi, vì chắc rằng họ sẽ không chỉ làm thế với facebook của tôi mà còn với trang cá nhân của nhiều người khác. Rồi đây, những điều hay của mọi người họ sẽ không bao giờ học được, vì họ để cho sự đố kỵ che mắt, khiến bản thân bị block, cô lập khỏi xã hội facebook.
Chị coi Facebook cũng là một dạng cuộc sống. Vậy nó có ảo không?
Tôi là người thật thà, nên phàm những việc đã chia sẻ trên trang cá nhân thì sẽ chia sẻ một cách chân thật, không thêm bớt, không biến màu ảo tưởng cho nó. Bản thân tôi có rất nhiều bạn bè trên facebook, không ít trong đó trở thành bạn rất tốt.
Thực ra những người hay ảo trong cuộc sống cũng là những người hay ảo trên facebook, còn facebook bản thân nó không phải là ảo. Những người xấu thì có, nhưng không phải nhiều, còn các mối quan hệ trên mạng xã hội mà trở thành quan hệ ngoài đời không hiếm, và nó cũng rất tốt đẹp.
Là người mê đồ hiệu và sắm cho mình rất nhiều túi, giầy, quần áo… nhưng rồi chị lại định kỳ bán các đồ hiệu cho mục đích từ thiện. Vì sao chị lại chọn cách đó mà không phải là một cách khác mà vẫn thỏa mãn sở thích hàng hiệu của mình?
Tôi đam mê đồ hiệu nên cũng mua quá nhiều, nhiều đến nỗi tôi nhận thấy bản thân không có cơ hội để diện lại rất nhiều món trong bộ sưu tập của mình nữa. Trong khi đó, những món đồ ấy đều là các sản phẩm độc đáo của những thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Khi bán đi, tôi muốn cho người khác cơ hội để sử dụng sản phẩm đó, được sở hữu những món đồ độc đáo, với mức giá rẻ hơn nhiều so với nguyên gốc. Số tiền bán đồ hiệu mỗi lần không phải ít, thường lên tới hàng tỷ đồng, tôi dùng làm từ thiện.
Gia đình tôi, nhất là bố, có truyền thống làm từ thiện. Từ bé, bố đã dắt tôi đi thăm những trường mồ côi, đến với những hoàn cảnh không may mắn, viện dưỡng lão để làm từ thiện.
Khi tôi lập nghiệp, nghề đầu tiên là làm xuất khẩu hàng hóa, phải đi đến nhiều nơi để gom sản phẩm, gặp nhiều số phận, mảnh đời có hoàn cảnh khác nhau. Tôi nhận thấy dù mình vất vả mới có tiền, nhưng vẫn may mắn hơn nhiều người khác, nên có ý nghĩ san sẻ tài sản của mình. Bản thân tôi cũng không có ý định sẽ để lại tất cả tiền bạc cho con cái mình. Cả gia đình tôi đều ủng hộ việc này.
Kế hoạch thiện nguyện trong năm tới của tôi ưu tiên số 1 cho thế hệ tương lai của Việt Nam, thông qua việc góp tiền vào các chương trình học bổng cho học sinh giỏi ở vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham gia hỗ trợ cho các trường hợp bệnh hiểm nghèo mà thiếu tiền chữa trị, quỹ mổ mắt, quỹ ung thư vú…
Kế hoạch từ thiện của chị đặt ưu tiên số 1 cho việc tham gia vào các chương trình khuyến học, lập quỹ học bổng cho học sinh giỏi. Vậy việc học của bản thân chị thì sao?
Tôi bỏ học đại học khi đã hoàn thành xong hết kỳ 1 của năm thứ 4 ở đại học Tổng hợp Sài Gòn (hiện là đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), chỉ còn thiếu mỗi kỳ thi tốt nghiệp nữa thôi. Nhưng thú thật là tôi không còn có ý định lấy bằng đại học ở Việt Nam nữa.
Là trụ cột của gia đình, của công ty trong nhiều năm nên tôi khó có thời gian rảnh để học nhiều, mà chỉ có thể tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn 6 tháng, 9 tháng ở Mỹ và Singapore. Tôi có mơ ước nếu công việc thuận lợi thì đến khi 57-60 tuổi sẽ đi học đại học ở nước ngoài, học một ngành chẳng liên quan gì đến kinh doanh.
Là người làm trong ngành chăm sóc sắc đẹp nhưng có thời gian lại bị béo phì, chị vượt qua điều đó như thế nào?
Trong cuộc đời tôi, chiến đấu với cân nặng là cuộc chiến khó khăn nhất, và chiến thắng căn bệnh béo phì là chiến thắng vẻ vang nhất.
Tôi bị béo phì là do có thời gian ăn uống thiếu điều độ, bị bệnh cường giáp trạng và do sử dụng thuốc chống trầm cảm một thời gian dài. Có lúc cân nặng lên tới gần 100kg, rất nặng nề và mệt mỏi. Bản thân tôi vốn là người vui vẻ, năng động, thích tụ tập và nói thật là cũng thích nhậu với bạn bè.
Khi quyết định phải giảm cân, khó khăn nhất là thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống, từ chối nhóm họp, bạn bè. Giờ đây, khi chỉ còn hơn 50kg, tôi cảm thấy sức khỏe của mình quay trở về thời kỳ 15-16 năm trước, rất vui vẻ, nhiều năng lượng. Đẹp quan trọng, nhưng sức khỏe quan trọng hơn nhiều - điều mà ngay cả tiền cũng không mang lại được./.