Thập niên 1970 khi còn đang tuổi niên thiếu, cô Zhou Xiaoguang thường đi du lịch bụi từ thành phố này sang thành phố khác, ngủ trên tàu. Và chính từ những chuyến đi như thế này, cô đã lên ý tưởng để tạo dựng nên công ty phụ kiện trang sức lớn nhất thế giới có tên Neoglory Holdings.
Sau khi xây dựng nên đế chế trang sức giá rẻ của mình, nữ hoàng phụ kiện thời trang này tiếp tục bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh dịch vụ khách sạn, văn phòng và trung tâm mua sắm.
Bà đã giành được một chức trong chính trường Trung Quốc, sau đó được Ernst & Young bình chọn “doanh nhân của năm”, sau đó xây dựng nên tòa nhà chọc trời tại Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Giờ đây, khi kinh tế Trung Quốc chững lại, bà Zhou tuy nhiên lại được người ta biết đến trên một góc độ khác: Bà đang nợ hàng tỷ USD. Tòa án phá sản vào tháng 4/2019 đã khẳng định rằng bà Zhou mất khả năng trả nợ và lượng tài sản bà đang nắm giữ không đủ để trả nợ, rõ ràng bà đã mất khả năng thanh toán nợ.
Bước ngoặt cuộc đời không mấy suôn sẻ của bà Zhou cũng chính là cơn ác mộng mà nhiều doanh nhân nổi tiếng Trung Quốc một thời đang trải qua, chính họ trước đây đã mang đến khoảng thời gian tăng trưởng bùng nổ của kinh tế Trung Quốc.
Trong khoảng thời gian một thế hệ vừa qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ đã mang đến nhiều cơ hội, nhiều người mạnh tay vay tiền nhằm chớp lấy khoảnh khắc này.
Theo xếp hạng người giàu Hurun của Thượng Hải, trong năm 2018, cứ mỗi tuần Trung Quốc lại có thêm 4 tỷ phú và hiện Trung Quốc đứng đầu thế giới về số lượng các tỷ phú tự thân.
Việc tăng trưởng quá nhanh cũng che giấu đi sai lầm cơ bản của nhiều doanh nghiệp, không chỉ vay nợ tràn lan, nhiều doanh nghiệp mở rộng sang những lĩnh vực mà họ không mấy quen thuộc hoặc đã phát triển đến mức độ bão hòa.
Vấn đề này ngày một lộ rõ hơn khi mà kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, yếu nhất trong 25 năm. Việc các công ty chật vật càng tác động xấu hơn nữa lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Trong thập kỷ qua, tổng nợ nói chung của Trung Quốc tăng gấp 3 và cao hơn gấp 3 lần so với tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Tổng nợ doanh nghiệp chiếm hơn 2/3 trong tổng số nợ nói trên, tức khoảng 26 nghìn tỷ USD trong năm ngoái, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
Các công ty thuộc chính phủ Trung Quốc nợ phần lớn số tiền đó, tuy nhiên dấu hiệu khó khăn vì nợ nần đang tăng nhanh chóng tại cả các công ty tư nhân, vốn có ít đối trọng với chủ nợ và ít được hỗ trợ dưới thời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bởi Chủ tịch Trung Quốc vẫn đặt trọng tâm phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Một thời từng là ông vua ngành đậu tương và giữ ngôi vị giàu nhất tỉnh Sơn Đông vốn giàu có bậc nhất Trung Quốc, ông Shao Zhongyi đã khốn đốn trong năm ngoái khi bị hàng loạt chủ nợ dồn ép.
Trước đó, giám đốc công ty sản xuất máy công nghiệp tại tỉnh Chiết Giang đã tự tử, sau đó công ty thông báo nợ đến 1,4 tỷ USD, trong đó có cả các khoản nợ từ các bên cho vay nặng lãi.