Hướng đi mới ngoài TPP
Đề cập con số thương mại song phương giữa hai quốc gia vượt 52 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước, AmCham bày tỏ tin tưởng quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
“Mỹ vừa có Tổng thống mới, và mặc dù chúng tôi rất tiếc về việc Mỹ không tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song AmCham tin tưởng rằng có rất nhiều con đường tích cực mới mở ra, để tăng cường thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam”, Chủ tịch AmCham phát biểu.
Trong các hướng hợp tác mới, AmCham nêu rõ sự ủng hộ đường hướng cho hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai quốc gia.
Nhấn mạnh rằng để thực hiện một hiệp định thương mại tự do, điều kiện công bằng về lợi ích cho tất cả các bên là yêu cầu cần thiết, AmCham khẳng định cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam luôn sẵn sàng cam kết thực hiện để đưa mục tiêu này thành hiện thực.
“AmCham ủng hộ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh bằng các biện pháp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả”, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam bày tỏ.
Muốn bớt rào cản kỹ thuật…
Đề nghị đầu tiên được AmCham đề cập liên quan đến các rào cản thương mại phi thuế quan.
Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng với việc nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam còn tốn kém và phức tạp, cộng thêm tình hình thâm hụt thương mại với Mỹ lên đến 34 tỷ USD, Việt Nam cần “đặc biệt nghiêm túc” giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại, chủ yếu gặp phải tại biên giới, và những vấn đề được gọi là rào cản phía sau biên giới, làm hạn chế dòng hàng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam.
Tại diễn đàn, Chủ tịch AmCham cũng điểm danh những rào cản kỹ thuật được cho là có ảnh hưởng rất lớn đến các hội viên.
Như, các bộ ngành khác nhau đưa ra yêu cầu kiểm tra một loạt các mặt hàng nhập khẩu, chẳng hạn như kiểm tra từng lô hàng nhập khẩu, bất chấp việc kiểm tra này đã được thực hiện bởi nhà sản xuất, hay đã có giấy chứng nhận vận chuyển đáng tin cậy đến Việt Nam. Hầu hết các yêu cầu kiểm tra không đề cập đến nguy cơ rủi ro cụ thể mà việc kiểm tra được thực hiện để giúp giảm nguy cơ.
Sự bắt buộc thi hành này có khuynh hướng xảy ra tại hải quan biên giới. Vì vậy, những kiểm tra tương tự không áp dụng một cách công bằng cho nhà sản xuất nội địa, AmCham so sánh.
Thêm một lần Thông tư 23 (quy định việc nhập khẩu thiết bị máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng) bị AmCham phàn nàn là đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, đặt ra giới hạn về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng.
“Chúng tôi đề nghị Tổng cục Hải quan và Bộ Khoa học và Công nghệ làm rõ những vấn đề mà đang được giải quyết bằng cách áp dụng các hạn chế và đề ra chiến lược thực hiện quản trị rủi ro, thay vì đơn giản là cấm nhập khẩu tất cả các máy móc thiết bị đã qua 10 năm sử dụng”, đại diện AmCham kiến nghị.
…và các rào cản khác
Ngoài rào cản kỹ thuật, đại diện AmCham còn tỏ ra lo ngại về những rào cản phía sau biên giới, như các doanh nghiệp nước ngoài không được phép phân phối dược phẩm mà phải qua các công ty phân phối nội địa.
Hay Thông tư số 19 của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động thẻ ngân hàng bao gồm việc phát hành, sử dụng, thanh toán, chuyển đổi, thanh toán bù trừ và thanh toán các giao dịch yêu cầu có thêm tổ chức chuyển đổi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Quy định các đơn vị Việt Nam chỉ được thuê các công ty quảng cáo được cấp phép trong nước cũng được AmCham cho là “hạn chế cơ hội” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ trong nước và quốc tế, khi họ muốn sử dụng kênh quảng bá xuyên biên giới như Google hay Facebook.
Theo đại diện AmCham, với ngân sách giới hạn cho quảng cáo và tiếp thị, đây là hình thức dễ dàng và hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Không như các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp vừa và nhỏ này không cần và cũng không đủ sức để thuê các hãng quảng cáo phục vụ hoạt động quảng cáo và tiếp thị của họ.
Sau nhiều ví dụ khác, AmCham nhấn mạnh, việc loại bỏ rào cản thương mại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.