Đầu tư năng lượng và câu chuyện tại Dự án Trung Nam - Thuận Nam 450MW (tỉnh Ninh Thuận) là một trường hợp điển hình.
Từ ưu đãi đến... “kêu cứu”
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã mở ra những cơ hội mới, tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng…
Với những cơ chế giá ưu đãi (giá fit) để thu hút các nhà đầu tư, thời gian qua nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong đó, Dự án Trung Nam - Thuận Nam 450MW (tỉnh Ninh Thuận) của nhà đầu tư Trungnam Group (TNG) là dự án đầu tiên do tư nhân đầu tư kèm hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải với công suất 500 KV được khánh thành vào tháng 10/2020.
Dự án cũng được Tập đoàn Điện lực (EVN) huy động công suất của toàn dự án để hòa vào lưới điện quốc gia, trong đó có một phần công suất chưa được xác định giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán (172,12MW).
Chưa vui mừng được bao lâu, ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện thuộc EVN có thông báo kể từ 0 giờ ngày 1/9/2022 sẽ dừng khai thác đối với phần công suất 172,12MW (chiếm 40% công suất) chưa có cơ chế giá bán điện của Dự án Điện mặt trời Trung Nam 450 MW. Điều đáng nói việc dừng huy động này theo hợp đồng mua bán điện thông báo cho bên bán ít nhất 10 ngày, nhưng EVN thông báo chưa đến 1 ngày và lại rơi vào ngày lễ làm cho đơn vị này không kịp trở tay.
“Việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án là không phù hợp theo các điều khoản đã thỏa thuận của hợp đồng mua bán điện giữa EVN và Công ty TNHH điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam”, đại diện TNG bày tỏ.
Cũng theo TNG, khi dừng huy động 40% công suất (đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế), sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay trong khi đó các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải do Trung Nam đầu tư.
“Quyết định cắt 40% công suất sẽ khiến dự án tổn thất 2 tỷ đồng/ngày. Đây là một con số rất lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính của dự án.
Trong khi đó, do phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán trong khoảng 22 tháng khai thác cùng với dự án phải chịu cắt giảm công suất liên tục kéo dài trong 2 năm bùng phát dịch COVID-19 và nhà đầu tư phải gánh chịu phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn đã tác động xấu đến tài chính, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn”, đại diện TNG cho biết.
Trước những khó khăn này, TNG đã có văn bản “kêu cứu” gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và Công ty Mua bán điện để kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện. TNG cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi có cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện gì.
Quan điểm của Bộ Công Thương?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022 cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, đây là dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, kết hợp đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, với tổng công suất là 450MW. Trong đó, có 278MW đã được EVN nghiệm thu và ký hợp đồng thống nhất giá để mua điện. Còn lại 172MW, EVN đã thống nhất khai thác nhưng chưa có cơ chế giá điện.
Thứ trưởng Hải cho hay, đối với phần công suất 172MW này, chủ đầu tư Trung Nam đã có sai sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo đúng quy định pháp luật, trong khi đó EVN đã thống nhất huy động để đưa vào lưới điện.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với EVN và Trung Nam, đồng thời ban hành Thông báo số 38 ngày 11/3/2022 nêu rõ: Việc huy động nhà máy điện là hoạt động mua bán điện giữa hai doanh nghiệp dựa trên hợp đồng mua bán điện đã ký, khả năng truyền tải công suất của lưới điện và nhu cầu phụ tải hệ thống điện từng thời điểm, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với EVN, Bộ Công Thương cũng đã có công văn gửi Tập đoàn để có ý kiến về nội dung này, trong đó yêu cầu: Việc khai thác, huy động nguồn điện thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với Trung Nam, Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với EVN để được xem xét, giải quyết trên cơ sở hợp đồng mua bán điện đã ký giữa các Bên và quy định của pháp luật có liên quan; khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định của pháp luật, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét, ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN và chủ đầu tư để thực hiện đúng trong chức năng, thẩm quyền của mình và theo đúng các quy định của pháp luật.
Chưa có cơ chế giá cho các dự án đã hoàn thành
Theo Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận đã quy hoạch phát triển điện lực, ngày vận hành thương mại (COD) trước 01/01/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW, được hưởng mức giá bán điện ưu đãi là 9,35 cent/kWh trong thời gian 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, số lượng dự án điện mặt trời trang trại tại tỉnh này đã vượt qua con số 2.000 MW, trong đó có 172,12 MW của dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam. Quyết định số 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và đến nay chưa có quyết định mới thay thế, do đó các dự án điện mặt trời vượt công suất 2.000 MW tại Ninh Thuận cũng như những dự án điện mặt trời quy mô lớn hoàn thành sau ngày 01/01/2021 tại các tỉnh khác vẫn chưa có mức giá mới để được EVN thanh toán tiền bán điện.