Giá vàng thế giới tăng dữ dội, doanh nghiệp "đào xúc múc bán" ở Trung Quốc giờ ra sao?
Từ đầu năm nay, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng ở mức cao. Với tư cách là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc không nằm ngoài xu hướng này.
Tính đến thời điểm kết thúc giao dịch ngày 28/11, giá vàng giao ngay tại Trung Quốc đã xấp xỉ 471 Nhân dân tệ (1,61 triệu đồng)/gram, tăng khoảng 15% so với đầu năm.
Để tìm hiểu về tình trạng khai thác và chế biến vàng trong nước, các phóng viên của Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) đã đến thăm khu mỏ vàng tại thành phố Chiêu Viễn, Tỉnh Sơn Đông - nơi được mệnh danh là "Thủ đô vàng của Trung Quốc".
Tại khu vực khai thác vàng có diện tích khoảng 5,4 km2, các phóng viên đi sâu xuống dưới lòng đất khoảng 1.000 mét, nơi có nhiệt độ cao hơn mặt đất khoảng 10°C bằng thang máy.
Họ đã ghi hình các vỉa đá màu đen có bề mặt ánh vàng, thứ sẽ trở thành quặng vàng. Thông thường để thu được 2 gram vàng sẽ cần tới 1 tấn quặng như vậy.Theo các quan chức của mỏ, nếu trước đây việc khai thác thủ công là chủ yếu thì hiện nay việc cơ giới hóa đã đạt mức 100%.
Cơ giới hóa giúp tăng hiệu suất khai thác lên hơn 15% và số lượng quặng thu được mỗi ca tăng thêm 200 tấn.Việc liên tục nâng cấp thiết bị và công nghệ đã giúp độ sâu khai thác của mỏ vàng đạt khoảng 1.200 mét và tổng sản lượng vàng đã tăng so với năm ngoái.
Giám đốc mỏ Vu Minh Hải cho biết rằng do giá vàng năm nay tương đối cao nên mỏ hiện đang hoạt động hết công suất và người lao động rất có động lực làm việc.
Cụ thể trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10/2023, sản lượng vàng tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và tổng khối lượng khai thác tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Việc chế biến vàng thì sao?
Sau nhiều quy trình xử lý, quặng vàng sẽ trở thành vàng thỏi hoặc đồ trang sức bằng vàng. Hiện do nhu cầu tương đối mạnh nên các công ty chế biến vàng ở Chiêu Viễn cũng đang rất bận rộn.
Phóng viên của CCTV đã đến một công ty tinh luyện vàng, nơi một mẻ quặng vàng nguyên chất vừa được chuyển đến xưởng.
Sau khi tách vàng bằng Xyanua,nấu chảy và các quá trình khác, phần quặng vàng nguyên chất này sẽ biến thành vàng thô có hình dạng bột và lúc này hàm lượng vàng của nó đã đạt tới hơn 99%.
Sau đó bột vàng sẽ được tinh chế với độ tinh khiết đạt hơn 99,99% để đúc thành vàng thỏi. Nhìn bề ngoài có thể thấy rõ rằng bề mặt của thỏi vàng tinh luyện này mịn hơn và độ bóng rõ ràng hơn.
Đây cũng là hình dáng của thỏi vàng tiêu chuẩn được bàn giao và lưu trữ tại Sở giao dịch vàng Thượng Hải.
Theo một lãnh đạo của cơ sở luyện vàng, họ đang thực hiện chế độ làm việc 3 ca để có thể sản xuất liên tục 24/24. Sản lượng hàng ngày vào khoảng 600 kg - tăng hơn năm ngoái khoảng 100 kg. Vị lãnh đạo cho biết do giá tốt nên họ đang gấp rút vận chuyển hàng và bán trực tiếp.
Các phóng viên Trung Quốc đã ghi lại hình ảnh về lô vàng rực rỡ khoảng 600 kg vừa được sản xuất ít giờ trước và được lưu trong hầm lưu trữ vàng của cơ sở tinh luyện.
Chúng sẽ được chia thành các thỏi có trọng lượng khác nhau tùy theo yêu cầu của các sàn giao dịch vàng.
Ước tính một thỏi vàng 3 kg có giá khoảng 1,4 triệu Nhân dân tệ (4,4 tỷ đồng) và cả lô hàng trị giá khoảng 280 triệu Nhân dân tệ (958,8 tỷ đồng).
Ngoài việc được làm thành vàng thỏi, thành phẩm của quá trình chế biến sâu vàng còn bao gồm vàng trang sức. Trong một xưởng chế tác ở cũng ở Chiêu Viễn, các công nhân đang gấp rút sản xuất một lô trang sức theo đơn đặt hàng.
Người phụ trách cho biết do nhu cầu tiêu dùng vàng năm nay tăng cao, sản lượng chế biến trang sức vàng của họ trong 3 quý đầu năm là 7,9 tấn, tăng hơn 6% so với kế hoạch.
Được biết thời điểm bận rộn nhất cho các xưởng chế tác đã bắt đầu - họ cần phải sản xuất hàng trăm nghìn bộ sản phẩm cho Tết Nguyên đán đang đến gần.
Một cơ sở sản xuất như thế này có thể cho ra lò nhiều nhất hơn 100 kg trang sức trong một ngày. Dự đoán, tiêu thụ vàng ở Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh mẽ và các doanh nghiệp vẫn sẽ tích cực mở rộng sản xuất.
Vàng tăng đến bao giờ?
Nhiều công ty Trung Quốc đã được hưởng lợi từ việc giá vàng tăng vậy liệu đà tăng này có kéo dài?
Theo dữ liệu mới nhất của Hiệp hội Vàng Trung Quốc, với tư cách là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, trong ba quý đầu năm 2023, lượng tiêu thụ vàng của Trung Quốc là 835,07 tấn, tăng 7,32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng vàng của Trung Quốc ở mức 271,25 tấn, tăng 0,47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều người trong ngành vàng Trung Quốc dự đoán rằng thị trường trong nước này vẫn sẽ duy trì nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ trong nửa đầu năm tới.
Nhà nghiên cứu cao cấp về kim loại quý của Guotai Junan Futures Lưu Vũ Hiên cho biết hiện giá vàng đang ở mức rất cao trong lịch sử.
Cô cho rằng trong năm 2024 sắp tới, giá đô la Mỹ có thể không có xu hướng giảm quá lớn, điều này cũng sẽ giúp giá vàng có khả năng hồi phục nhất định.