UBND TP.HCM vừa công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đề án này đã thai nghén hơn một năm, đến nay chính thức thực hiện và trước mắt sẽ thí điểm tại quận 1 và quận 12. Vậy hai địa phương này sẽ triển khai thực hiện đề án đô thị thông minh như thế nào?
Tay không lên phường sao y
Người dân phường Bến Thành (quận 1) cho biết từ nhiều năm trước UBND phường này đã triển khai mô hình quản lý cư dân bằng phần mềm rất tiện lợi cho người dân trong việc chứng thực, sao y giấy tờ.
Bà Nguyễn Thị Lan cho biết lúc trước nếu muốn đi sao y giấy tờ gì thì phải mang cái giấy đó lên phường để cán bộ phường đối chiếu, vậy nên có hôm quên trước quên sau.
“Sau đó phường có phần mềm, tôi toàn đi tay không, lên phường chỉ cần ấn dấu vân tay, phần mềm sẽ hiện lên thông tin cá nhân và tôi sẽ lựa chọn xem tôi cần sử dụng dịch vụ nào.
Nếu cần sao y thì chỉ cần chọn phân hệ đó rồi để phường xử lý, khỏe gì đâu, không cần mang theo giấy tờ gì hết. Vì họ nắm hết thông tin giấy tờ của mình rồi mà” - bà Lan bày tỏ.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Quang (74 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) ôm mớ bản vẽ lên UBND quận 12 để xem thông tin quy hoạch trực tuyến.
“Tôi muốn biết mảnh đất này có bị quy hoạch treo hay không để mua đất cất nhà làm quà cho thằng con trai sắp lập gia đình” - ông Quang nói.
Được sự hướng dẫn của cán bộ quận, rất nhanh qua phần mềm xem quy hoạch trực tuyến, ông biết được mảnh đất này thuộc đất thổ cư.
Ông tươi cười: “Cái máy này đúng là hay nhỉ!”, rồi nhiều người cũng túm tụm vào xem tiện ích từ dịch vụ mà UBND quận 12 mang lại, trong đó có cả các cô chú lớn tuổi.
Tại đây, ông Đặng Quang Thắng (ngụ quận Gò Vấp) cũng chia sẻ: “Bước đầu UBND quận 12 có những cải cách về thủ tục hành chính, hồ sơ được nộp trực tuyến, tra cứu hồ sơ trực tuyến là đáng hoan nghênh.
Nhưng tôi mong những dịch vụ tiện ích này ngày càng cải tiến hơn, đặc biệt là vấn nạn kẹt xe, ngập nước.
Mỗi lần đứng trời trồng giữa cảnh kẹt xe, tôi chỉ ước có phần mềm cảnh báo sao cho người dân tránh được tuyến đông người, tránh được chỗ ngập lụt…”.
Số hóa dữ liệu dân cư
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những cải cách trong thực hiện hồ sơ thủ tục cho người dân ở quận 1 và quận 12, hai địa phương được chọn thí điểm thực hiện đề án đô thị thông minh của TP.
Trao đổi với PV, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết để thực hiện nhiệm vụ của TP giao về việc thí điểm đề án đô thị thông minh, quận đã chuẩn bị những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, quản lý dân cư…
Trong đó, hiện nay dịch vụ công trực tuyến của UBND quận đã khá hoàn thiện với việc có thể giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến trên các lĩnh vực hộ tịch-tư pháp, quản lý đô thị-TNMT, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký lao động, đăng ký thu gom chất thải rắn…
Theo ông Hiếu, UBND quận 12 đang tiến hành hoàn thành việc số hóa dữ liệu dân cư. Quận cũng đã xây dựng phần mềm quản lý công dân để công an địa phương có thể quản lý tình hình tạm trú, thường trú, hiện nay đang thí điểm ở phường Hiệp Thành.
Đặc biệt, quận 12 cũng tiến tới “công nghệ hóa” trong lĩnh vực y tế, giáo dục như xây dựng bệnh án điện tử, điện tử hóa trong công tác giáo dục...
Chủ tịch UBND quận 12 cho biết thời gian tới mọi công dân sẽ được cấp tài khoản cá nhân liên kết với thông tin của CMND, căn cước công dân để sử dụng được tất cả dịch vụ tiện ích của quận.
“Người dân sẽ được cung cấp một nền dịch vụ hành chính nhanh hơn, chính xác hơn, công khai, minh bạch và người dân có thể quan sát việc thực hiện quản lý của nhà nước” - ông Hiếu khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết thực hiện thí điểm đề án đô thị thông minh, quận 1 đã rà soát, đầu tư nâng cấp hạ tầng hệ thống máy để đảm bảo tốc độ xử lý, trả kết quả nhanh nhất; đồng bộ dữ liệu liên thông với các sở, ngành chuyên môn và trung tâm dữ liệu tập trung của TP.
“Quận 1 đang xây dựng kế hoạch thực hiện đề án đô thị thông minh và lựa chọn một số lĩnh vực để tập trung phát triển như cải cách thủ tục hành chính, y tế, an ninh trật tự, giáo dục.
Trong đó có việc xây dựng hệ thống tích hợp camera giám sát nơi công cộng phục vụ quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn xã hội, cảnh báo đám đông, phòng cháy chữa cháy…” - bà Hường cho hay.
Phường Bến Thành đã làm như thế nào?
Năm 2011, phường Bến Thành (quận 1) đã tổ chức một đợt tổng thu thập dữ liệu dân cư trên địa bàn phường. Phường cử cán bộ xuống từng hộ dân ở sáu khu phố để lấy cơ sở dữ liệu dân cư. Đến từng nơi, phường mời người dân đưa ra những giấy tờ cần thiết để scan rồi về nhập thông tin vào hệ thống. Trong vòng một tháng, phường Bến Thành đã có toàn bộ dữ liệu của 5.000 người.
Lúc này phường Bến Thành còn tiến hành lấy dấu vân tay của người dân. Khi đến UBND phường sẽ có hệ thống để đặt vân tay vào, phần mềm sẽ hiện ra toàn bộ thông tin của người dân.
Từ khi phường có cơ sở dữ liệu dân cư hoàn chỉnh, khi đi làm thủ tục, người dân không cần mang theo nhiều giấy tờ mà toàn bộ thông tin phường đã có trong tay, người dân cần gì thì phường sẽ làm luôn mà không cần xuất trình giấy tờ. Từ đó, đối với việc sao y-chứng thực, khi đến phường, người dân chỉ cần ấn dấu vân tay là coi như xong mà không cần mang giấy tờ.
Về giáo dục, khi đã lưu giấy khai sinh của trẻ thì hằng năm có thể lọc ra những em đến độ tuổi đi học để lập danh sách. Tương tự như vậy thì cũng có thể lọc ra những người có độ tuổi trên 80 để có chế độ chính sách. Như vậy, sẽ không còn cảnh mỗi lần muốn lấy số liệu, lập danh sách về một vấn đề thì phải thu thập, điều tra thống kê; do đó vừa thuận tiện cho người dân mà công tác quản lý của chính quyền cũng thuận lợi.
Ông ĐOÀN XUÂN VINH,Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành