Con người đã bắt đầu tò mò về những gì có trong cơ thể mình từ hàng ngàn năm trước. Người Ai Cập cổ đại đã xử lý toàn bộ nội tạng con người khi họ ướp xác. Công việc về cơ bản là lấy hết tất cả các nội tạng, bộ phận dễ bị thối rữa nhất ra khỏi xác chết và tiêu hủy hoặc bỏ chúng vào một chiếc bình riêng.
Những bản thảo giải phẫu y học sớm nhất về cơ thể con người đã được tìm thấy ở Trung Quốc. Chúng mô tả một hiểu biết khá phức tạp của những nhà y thuật sống cách chúng ta 2.200 năm. Nhưng liệu bây giờ, với kiến thức phổ thông bạn có thể đánh bại được người cổ đại trong việc hiểu về cơ thể mình hay không?
Có một câu hỏi giúp bạn kiểm tra điều đó. Hãy đoán xem trong cơ thể có tất cả bao nhiêu nội tạng?
Lisa M.J. Lee, một phó giáo sư tại Khoa Sinh học Tế bào & Phát triển, Đại học Y khoa Colorado, đinh nghĩa: "Nội tạng là tập hợp các mô hoạt động cùng nhau vì một mục đích chung. Theo đó, mọi nội tạng đều cung cấp một chức năng hoặc động hoặc phục vụ cho sự tồn tại của con người".
Nhưng không phải bất kỳ nội tạng nào cũng cần thiết cho sự sống còn của bạn. Nếu chỉ vậy thôi thì bạn chỉ cần 5 cơ quan sau: não, tim, gan, một bên thận và một lá phổi. Chúng được gọi là nội tạng trọng yếu của cơ thể, mà chỉ cần một trong số các cơ quan này mất chức năng sẽ dẫn đến cái chết.
Ngoài ra, cơ thể con người có thể tồn tại mà không cần đến nhiều cơ quan nội tạng khác. Hoặc bạn có thể thay thế chúng bằng một thiết bị y tế phục vụ cùng một chức năng.
Để trả lời câu hỏi "Trong cơ thể người có bao nhiêu nội tạng tất cả?", phó giáo sư Lee cho biết nó phụ thuộc vào người ra câu hỏi là ai và cách bạn đếm thế nào.
Một con số chung nhất thì cơ thể có tất cả 78 cơ quan nội tạng. Danh sách này bao gồm các cơ quan quan trọng như: lưỡi, dạ dày, tuyến giáp, niệu đạo, tuyến tụy, cộng với nhiều cơ quan đơn lẻ hoặc các cặp cơ quan khác. Xương và răng chỉ được tính chung một lần.
Nhưng chính các nhà giải phẫu học cũng đang tranh cãi dựa trên các quan điểm khác nhau về định nghĩa của một nội tạng. Các nhà mô học bao gồm phó giáo sư Lee (những người nghiên cứu mô ở cấp độ vi mô) có thể tính nhiều phần của cơ thể là nội tạng hơn những nhà nhà giải phẫu học tổng quát (những người nghiên cứu những cơ quan chỉ có thể nhìn thấy bằng mắt thường).
Chẳng hạn vào năm 2017, các nhà mô học đã đề nghị gọi mạc treo – phần gắn ruột vào thành bụng là một nội tạng. Quá trình vận động cho mạc treo vào danh sách đã tốn rất nhiều thời gian và công sức của những nhà mô học mới có thể thuyết phục được giới giải phẫu.
Nhưng không phải lúc nào cả hai cũng đồng thuận được như vậy. Dựa trên định nghĩa vi mô của phó giáo sư Lee, chỉ cần một số mô cơ thể góp lại cùng nhau để cùng thực hiện một mục đích thì nó đã được gọi là một cơ quan.
Theo cách này, chúng ta có thể gọi móng tay hoặc chân răng là một cơ quan riêng biệt. "Tôi sẽ coi mỗi xương là một cơ quan, và tất cả 206 xương tính chung lại với nhau, được coi là một hệ cơ quan", phó giáo sư Lee cho biết.
Nhưng bởi vì xương chỉ được liệt kê một lần trong danh sách 78 cơ quan nội tạng, nên để có được tổng số cơ quan theo định nghĩa này, phải cộng thêm 205 và con số bây giờ là 284 cơ quan tất cả.
Đếm riêng từng chiếc răng sẽ đẩy danh sách này lên 315 cơ quan. Nhiều cơ quan khác chỉ được liệt kê một lần, mặc dù có rất nhiều cơ quan trong số đó trên khắp cơ thể. Ví dụ, dây chằng và gân có thể làm tăng đáng kể tổng số cơ quan khi tính riêng lẻ.
Trò chơi đếm số này cuối cùng có thể dẫn đến một con số rất lớn. Danh sách 78 cơ quan đã gạt bỏ tất cả những nội tạng lặp lại, nếu không chúng ta có thể có tới hàng nghìn tỷ nội tạng theo định nghĩa mô học.
Cũng chính vì lý do này mà phó giáo sư Lee thường nói với các sinh viên y khoa và sinh viên tốt nghiệp của mình rằng hãy chấp nhận một con số mơ hồ. 78 là con số mà chúng ta có thể tạm nói với nhau.
Ngoài ra, khi bạn đã biết trong cơ thể mình có bao nhiêu cơ quan nội tạng, bạn có thể lập một danh sách checklist để chăm sóc chúng. Giống một chiếc xe hơi có rất nhiều linh kiện, bạn cần để ý làm thế nào để bảo trì, bảo dưỡng cơ thể mình thường xuyên.
Lấy một ví dụ đơn giản: Đánh răng mỗi ngày là bạn đang bảo dưỡng cho 32 chiếc răng của mình. Tập thể dục là bạn đang bảo trì hệ xương khớp và cơ bắp. Hạn chế ăn dầu mỡ, bạn đang bảo vệ tim và hệ thống mạch máu. Điều đó cũng đúng với chế độ ăn ít đường, bỏ thuốc lá và rượu bia…
"Càng ngày, tôi càng cảm thấy tầm quan trọng của những thứ bạn đưa vào cơ thể mình để nuôi các tế bào, các mô và nội tạng của bạn", phó giáo sư Lee cho biết. Vì vậy, hãy giữ một lối sống lành mạnh để có thể bảo vệ toàn bộ cơ thể mình.
Tham khảo Livescience