Nhà máy điện ICE của Wartsila
Mới đây, Tập đoàn Wartsila của Phần Lan đã đề xuất được xây dựng Nhà máy điện linh hoạt gồm 17 tổ máy tổng công suất 300 MW với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng tại Ninh Bình. Nhà máy sẽ sử dụng khí LNG và Hydrogen.
Trong Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình hiện nay sẽ phải dừng hoạt động, đóng cửa. Do vậy, việc Wartsila phối hợp với Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình nghiên cứu, có giải pháp thay thế, để bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia cũng như khu vực được đánh giá cao.
Wartsila là doanh nghiệp có tuổi đời lên tới gần 200 năm với trụ sở được đặt tại Helsinki, Phần Lan, hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và dịch vụ năng lượng, hàng hải.
Các sản phẩm chính của họ bao gồm công nghệ và hệ thống lưu trữ năng lượng, với các nhà máy nhiệt điện khí, nhiên liệu sinh học hoặc đa nhiên liệu; công nghệ về hàng hải gồm tàu du lịch, tàu đánh cá, tàu hải quân, du thuyền… Công ty liên tục có những đổi mới trong công nghệ và dịch vụ nhằm đáp ứng được những yêu cầu về hiệu suất cũng như môi trường của khách hàng.
Tính đến cuối năm 2022, công ty đã có mặt tại 240 địa điểm thuộc 79 quốc gia trên toàn thế giới, với trên 17.500 nhân viên làm việc cho hãng. Doanh thu của Wartsila trong năm này đạt 5,8 tỷ USD, trong đó gần 47% đến từ mảng năng lượng và 48% từ mảng hàng hải.
Khách hàng của hãng phần lớn tại Mỹ và châu Âu, song những năm gần đây, hãng bắt đầu chuyển hướng sang khu vực châu Á. Tháng 6 năm 2023, Wartsila được Time đưa vào danh sách 100 công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Cổ phiếu của công ty được giao dịch trên sàn NASDAQ Helsinki, với giá đóng cửa vào cuối năm 2022 là 10,71 EUR.
Wartsila lọt vào top 100 công ty có ảnh hưởng nhất thế giới của Time (Ảnh: Time)
Wartsila hiện là công ty hàng đầu trong quá trình chuyển đổi để hướng tới tương lai sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo, thay vì nhiên liệu hóa thạch vốn đang dần cạn kiệt. Trong đó, họ cung cấp các giải pháp về nhà máy điện cân bằng nhiên liệu, công nghệ hỗn hợp, tối ưu hóa và lưu trữ năng lượng.
Các nhà máy của công ty được chạy bằng nhiên liệu khí hoặc lỏng, bao gồm dầu nặng, khí tự nhiên, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí và nhiên liệu sinh học…. Tổng công suất lắp đặt nhà máy điện của Wartsila trên toàn cầu đạt 76 GW, trên 110 khu vực lưu trữ năng lượng được xây dựng và độ tin cậy hàng năm đạt tới 99,1%.
Với những sản phẩm hiện đại, chất lượng và hướng tới việc bảo vệ môi trường, Wartsila đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, có thể kể tới Mỹ, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ…
Tính tới năm 2019, Wartsila cung cấp tới ¼ tổng công suất lưới điện của Bangladesh, với tổng nguồn cung lên tới 4.200 MW, cho thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp đối với nước này.
Một trạm lưu trữ điện của Wartsila (Ảnh: Wartsila)
Bên cạnh năng lượng, Wartsila cũng là doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ hàng hải, phục vụ cả nhà máy đóng tàu và chủ tàu.
Các dịch vụ của họ bao gồm giải pháp tối ưu hóa đội tàu (sử dụng công nghệ AI để tối ưu hóa việc vận hành và liên lạc giữa các loại phương tiện trên biển, tiết kiệm nhiên liệu và giảm tác động đối với môi trường), sản xuất động cơ tàu thủy (bao gồm động cơ chạy bằng khí, dầu diesel và nhiên liệu kép), các dịch vụ khác liên quan tới định vị và sữa chữa tàu.
Với nhiều năm kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực hàng hải, Wartsila cung cấp nhiều giải pháp tối ưu hóa cho tàu thuyền và là sự lựa chọn của nhiều khách hàng trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, Wartsila đã đặt văn phòng đại diện từ năm 1994, trước khi được cấp giấy phép thành lập công ty TNHH Wartsila Việt Nam vào năm 1998.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang hướng tới việc sử dụng nhiều hơn các loại năng lượng sạch để tạo điện, có thể kể tới năng lượng mặt trời và gió. Do đó, Wartsila đã đưa ra một nghiên cứu về việc xây dựng nhà máy điện động cơ đốt trong (ICE) tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2023 với tổng công suất là 650 MW, nhằm giải quyết vấn đề năng lượng khi hạn hán có thể tạo ra nhiều nguy cơ về việc thiếu điện.
Tổng công suất các nhà máy điện ICE được đề xuất là 2,5 GW vào năm 2030, 10,6 GW và năm 2040 và 13,4 GW 1 năm sau đó. Khi các nhà máy được đưa vào hoạt động, dự kiến tổng chi phí cho hệ thống được tính toán sẽ giảm khoảng 180 triệu USD/năm vào năm 2030 và mức tiết kiệm sẽ tăng lên theo số lượng ICE được xây dựng.