DN được giao làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp gần 6.400 tỷ đồng ở Đông Anh "khủng" cỡ nào?

Pha Lê |

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45 ha, tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267,696 tỷ đồng.

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp tại Đông Anh

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.

DN được giao làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp gần 6.400 tỷ đồng ở Đông Anh

Toàn cảnh huyện Đông Anh.

Để thực hiện mục tiêu chuyển hướng sang công nghiệp, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, thành phố Hà Nội (Dự án).

Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267,696 tỷ đồng.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45 ha gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là 179,1 ha và giai đoạn 2 là 120,35 ha; trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư Dự án. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Năng lực tài chính của Vinaconex "khủng" cỡ nào?

Thành lập từ năm 1988, Vinaconex là một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Tiền thân của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài.

Để Công ty có thể đảm đương vai trò giải quyết chính sách cho những lao động, đồng thời tìm kiếm và khai thông thị trường mới cho xuất khẩu lao động, năm 1991, Bộ Xây dựng đã Quyết định chuyển công ty thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam.

Năm 2006, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối. Đến 2008, cổ phiếu của tổng công ty chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã VCG đồng thời tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng (năm 2006) lên gần 4500 tỷ đồng.

Đến năm 2018, công ty chính thức trở thành doanh nghiệp không còn vốn Nhà nước. Đến năm 2020, cổ phiếu của Tổng công ty chính thức được niêm yết và giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa thị trường đạt gần 18.500 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2023, vốn chủ sở hữu của tổng công ty đạt 10.182 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tổng tài sản hơn 30.199 tỷ đồng, Vinaconex đang nắm hơn 2.282 tỷ đồng khoản tiền và tương đương tiền, tăng 33%, trong đó hơn 1.850 tỷ đồng là tiền gửi tại ngân hàng.

DN được giao làm chủ đầu tư dự án khu công nghiệp gần 6.400 tỷ đồng ở Đông Anh

Cơ cấu cổ đông của Vinaconex. Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 Vinaconex.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều dự án lớn như Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, Bút Sơn, Nghi Sơn..., Đại sứ quán Úc, Đại lộ Thăng Long, sân vận động Mỹ Đình, Nhà máy Lọc hóa dầu Long Sơn, hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án khu đô thị mới Cát Bà Amatina... 

Đặc biệt, cuối năm 2020, với vị thế, năng lực và tiềm lực tài chính mới, Tổng công ty trúng thầu nhiều dự án xây lắp trọng điểm quốc gia như đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng giá trị trúng thầu theo hợp đồng là trên 8.000 tỷ đồng.

Mới đây, Chứng khoán Mirae Asset đã có báo cáo phân tích doanh nghiệp này. Theo đó, trong năm 2024, Mirae Asset áp dụng cách tiếp cận thận trọng đối với VCG vì triển vọng vẫn chưa rõ ràng, mặc dù phân khúc xây dựng dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Về xây dựng, Mirae Asset dự báo tăng trưởng doanh thu khoảng 20% cho năm 2024, bất động sản hầu như không có nguồn thu nhập do việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm.

Các lĩnh vực khác như giáo dục, sản xuất và dịch vụ… Mirae Asset cho biết, mặc dù hoạt động trong môi trường cạnh tranh trung bình và những quy định ở mức vừa phải, những phân khúc này được coi là nguồn thu nhập ổn định nhất vì chúng cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người tiêu dùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại