Sebastian sẽ không thể quên được thời khắc ông đánh mất 407.000 Bảng Anh (hơn 550.000 USD), cũng như cả sự tức giận và nỗi xấu hổ mà anh trải qua lúc đó.
Khi ấy, ông đang ngồi lướt smartphone một mình thì một thông báo từ Twitter của Elon Musk xuất hiện. "Khi đó ông Musk tweet "Dojo 4 Doge?" và tôi băn khoăn điều đó nghĩa là gì." Sebastian kể lại với BBC. "Bên dưới có một đường link đến sự kiện, vì vậy tôi click vào và thấy ông ấy đang cho đì Bitcoin."
Dòng tweet đăng tải trên Twitter
Đường link mà ông click vào dẫn đến một trang web trông có vẻ chuyên nghiệp, nơi sự kiện trao tặng Bitcoin đang chiếm gần hết màn hình. Bên cạnh đó còn có một đồng hồ đếm ngược với lời hứa hẹn rằng, người tham gia sẽ được gấp đôi số tiền mình cho đi bằng Bitcoin.
Dường như đây là một cuộc thi do hãng Tesla của ông Musk phát động. Nó mời gọi mọi người hãy gửi từ 0,1 Bitcoin (khoảng 4.300 Bảng Anh) cho đến 20 Bitcoin (khoảng 860.000 Bảng) và ông Musk sẽ gửi trả lại người đó gấp đôi.
Sebastian không tin nổi vào mắt mình. Ông cẩn thận kiểm tra lại logo bên cạnh tên Elon Musk trên tài khoản Twitter và sau đó suy nghĩ xem mình nên gửi cho họ 5 hay 10 Bitcoin. "Nó quá thật đến mức tôi nghĩ "Hãy gửi tối đa", vì vậy tôi gửi 10 Bitcoin."
Hình ảnh quảng cáo chuyên nghiệp của trò lừa tặng Bitcoin
Trong 20 phút sau đó khi đồng hồ đếm ngược tiếp tục chạy, Sebastian tiếp tục đợi phần thưởng được đổ vào ví Bitcoin của mình. Nhưng khi đồng hồ đếm ngược của website dần tiến về 0, Sebastian nhận ra sự thật: "Tôi nhận ra rằng mình đã mắc lừa."
"Tôi quăng mình vào ghế sofa khi tim vẫn đang đập thình thịch. Tôi nghĩ rằng mình vừa quẳng đi cơ hội đổi đời của cả gia đình, quỹ nghỉ hưu của cả đời tôi và mọi kỳ nghỉ sắp tới của lũ trẻ." Đó là một đêm không ngủ của Sebastian.
Thay vào đó, ông dành nhiều giờ để gửi email về website lừa đảo cũng như những dòng tweet giả từ tài khoản Twitter của Elon Musk để mọi người không bị mắc bẫy giống ông.
Mặt khác ông cũng chấp nhận sự thật đau lòng rằng khoản tiền của mình đã một đi không trở lại.
Không thể lấy lại được tiền cho Sebastian, nhưng các nhà phân tích tại hãng Whale Alert đã dựa vào một sổ cái công cộng để hiển thị mọi chuyển động của tiền mã hóa theo thời gian thực để phát hiện các xu hướng và lần theo nguồn tiền. Họ xác định được địa chỉ các ví Bitcoin thuộc về "những kẻ lừa đảo tặng quà" này và nhận thấy số tiền chúng kiếm được gia tăng sau mỗi ngày. Khoản tiền 10 Bitcoin của Sebastian là số tiền lớn nhất họ từng ghi nhận trong một giao dịch.
Số tiền bị đánh cắp cao kỷ lục
Các nhà nghiên cứu nhận thấy số tiền bị đánh cắp lên mức cao kỷ lục trong năm 2021 này. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm nay, những kẻ lừa đảo tặng quà đã kiếm được hơn 18 triệu USD, trong khi đó cả năm 2020 chúng mới chỉ kiếm được 16 triệu USD.
Dữ liệu cũng cho thấy số lượng nạn nhân của năm nay có xu hướng tăng vọt so với các năm trước. Nếu trong cả năm 2020, chỉ có khoảng 10.500 người mắc phải trò lừa này, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy đã có 5.600 người gửi tiền cho những kẻ lừa đảo.
Nhà sáng lập Whale Alert, Frank van Weert cho biết: "Chúng tôi không có bất kỳ dữ liệu nào để giải thích điều này, nhưng có thể nó liên quan tới việc tăng nóng trên thị trường Bitcoin. Khi giá Bitcoin tăng lên, mọi người như phát điên và nhiều người trong số họ là người mới trên thị trường và họ muốn làm giàu nhanh chóng."
"Do vậy, có vẻ hợp lý khi một ai đó như Elon Musk, người ủng hộ lớn cho tiền mã hóa, đột nhiên muốn cho đi Bitcoin. Những người mắc phải trò lừa này không phải không có giáo dục. Chúng tôi nhận được email từ những người bị lừa mất Bitcoin và chúng có vẻ rất rành mạch."
Thật khó nói tại sao những kẻ lừa đảo không chỉ phổ biến hơn mà còn thành công hơn. Kỹ thuật của chúng hầu như không thay đổi từ khi bắt đầu nổi lên vào năm 2018. Chúng tạo ra các tài khoản Twitter trông giống những người nổi tiếng như Elon Musk hay tỷ phú Chamath Palihapitiya. Chúng đợi đến khi tài khoản thật đăng dòng tweet, để dùng tài khoản giả vào reply bên dưới để trông giống như những người nổi tiếng đang kêu gọi mọi người tham gia vào.
Thậm chí với những trường hợp như của Sebastian, các tài khoản thật của những người nổi tiếng – những tài khoản được đánh dấu tích xanh – còn bị ăn trộm để việc lừa đảo trở nên dễ dàng hơn.
Trong khi Twitter là nền tảng đang bị lợi dụng nhiều nhất, những trò lừa đảo này cũng xuất hiện trên YouTube, Facebook và Instagram nữa.
Đối với riêng Sebastian, người đàn ông 40 tuổi này đã đầu tư 40.000 USD vào Bitcoin từ năm 2017. Ông nhanh chóng thu hồi vốn và có lãi từ khoản đầu tư của mình khi thị trường tăng nóng vào lúc đó. Sau khi rút hết tiền ra và vào lại thị trường, ông chứng kiến 10 Bitcoin của mình tăng giá chóng mặt lên gần 500.000 USD trong thời gian qua, cho đến khi bị những kẻ lừa đảo cuỗm mất.
Tham khảo BBC