Đỉnh cao ngành khai thác ở Trung Quốc: Ngồi phòng điều hòa trên mặt đất điều khiển “quái vật công nghệ” để đào "vàng đen"

Ngọc Hiệp |

Thay vì phải xuống “địa ngục trần gian”, giờ đây nhờ công nghệ thông minh, những người đào mỏ đã có thể tránh xa các rủi ro về tính mạng.

Đỉnh cao ngành khai thác ở Trung Quốc: Ngồi phòng điều hòa trên mặt đất điều khiển “quái vật công nghệ” để đào vàng đen - Ảnh 1.

Ngồi điều hòa điều khiển từ xa

Đối với những người thợ khai thác than truyền thống, công việc của họ chẳng khác nào xuống địa ngục trần gian. Đi sâu vào bóng tối 100m dưới lòng đất qua những đường hầm hẹp, họ đào “vàng đen” giữa môi trường đầy bụi, mồ hôi và tiếng ồn từ những chiếc máy khổng lồ dùng để cắt đá.

Loại hình khai thác mỏ này được coi là một trong những công việc đòi hỏi nhiều quy định khắt khe nhất ở Trung Quốc và có các điều khoản đặc biệt cho phép thợ mỏ, hầu hết là nam giới, nghỉ hưu ở tuổi 55 thay vì 60 như thông thường.

Đây là công việc cực kỳ nguy hiểm và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi năm. Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, trung bình 614 trường hợp tử vong được ghi nhận hàng năm trong 5 năm qua tại quốc gia này là do các loại tai nạn khai thác mỏ.

Tuy nhiên, công nghệ đang thay đổi ngành khai thác than của Trung Quốc. Fu Shaohui là một công nhân ở tỉnh Thiểm Tây. Anh làm việc tại Hongliulin, một trong những khu mỏ lớn nhất của cả nước, nơi đã áp dụng các công nghệ cảm biến, hình ảnh và điều khiển tự động từ xa để khai thác than hiệu quả và an toàn hơn.

Đỉnh cao ngành khai thác ở Trung Quốc: Ngồi phòng điều hòa trên mặt đất điều khiển “quái vật công nghệ” để đào vàng đen - Ảnh 2.

Một kỹ sư phụ trách điều khiển từ xa (Ảnh: Outlook).

Điều này có nghĩa là Fu không cần phải đi xuống lòng đất thường xuyên như trước nữa. Giờ đây, máy đào có thể được vận hành từ phòng điều khiển trên mặt đất, nơi các video phát trực tiếp và dữ liệu thời gian thực của khu vực khai thác được hiển thị trên nhiều màn hình, bao gồm cả nhiệt độ và mức khí.

Với sự trợ giúp của 4 trạm 5G chống cháy nổ được lắp đặt giữa các trụ thủy lực dưới lòng đất, Fu và 6 thợ mỏ khác có thể thực hiện cuộc gọi video để liên lạc với đồng nghiệp trong phòng điều khiển được trang bị điều hòa ở mặt đất khi họ giám sát sản xuất và tiến hành bảo trì định kỳ.

Đây là sự thay đổi lớn so với việc phải vận hành máy móc thủ công hàng giờ liền. Họ cũng có thể thỉnh thoảng gọi video với bạn bè và gia đình trong thời gian nghỉ.

“Ngày trước, 13 người phải ở dưới mặt đất trong một ca làm việc nhưng giờ chỉ còn 7 người. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chỉ cần 5 người dưới đó”, Fu nói.

Hay phía sâu dưới lòng đất ở một khu mỏ khác, một cỗ máy “quái vật” đang được sử dụng để khai thác than. Cùng lúc đó, cách 300m trên mặt đất, trong văn phòng thuộc trung tâm chỉ huy, kỹ sư phụ trách có thể quan sát toàn bộ quá trình khai thác nhờ máy ảnh và cảm biến được kết nối mạng 5G.

Cuộc cách mạng công nghệ khai thác

Để tăng sản lượng và giảm thiểu tai nạn, các cảm biến khai thác thông minh sẽ giám sát những khía cạnh như tích tụ khí và ngập nước hoặc mức độ thông gió, đồng thời đưa ra cảnh báo nếu bất kỳ điều gì đạt đến mức nguy hiểm.

Cuộc cách mạng công nghệ này đang được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng mạng 5G của gã khổng lồ công nghệ Huawei. Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến mảng kinh doanh smartphone sinh lợi một thời bị ngừng trệ, hãng đã chuyển sang cung cấp nhiều giải pháp công nghệ khác nhau.

Ở Trung Quốc, tập đoàn này đang thúc đẩy hoạt động “khai thác thông minh” trong các mỏ than. Huawei đã hợp tác với Shaanxi Coal Industry, công ty than thuộc sở hữu nhà nước trong dự án thí điểm ở 2 mỏ than Hongliulin và Xiaobaodang.

Hãng đã triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành khai thác mỏ ở Trung Quốc, cho phép công nhân vận hành từ xa mà không cần phải xuống lòng đất. Ngoài ra, phương pháp này còn sử dụng xe tải tự lái để vận chuyển sản phẩm khai thác được như than và quặng kim loại lên mặt đất.

Đỉnh cao ngành khai thác ở Trung Quốc: Ngồi phòng điều hòa trên mặt đất điều khiển “quái vật công nghệ” để đào vàng đen - Ảnh 3.

Một trạm 5G của Huawei dưới mỏ than (Ảnh: SCMP).

Huawei cho biết hơn 5.000 trạm 5G đã được lắp đặt dưới lòng đất để hỗ trợ hàng nghìn camera độ nét cao truyền video và hình ảnh về trung tâm chỉ huy. “Điều này cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất và sự an toàn của công nhân khai thác”, Edison Xie, Phó chủ tịch truyền thông của Huawei, cho biết.

Sự hợp tác giữa Huawei và Shaanxi Coal Industry là một ví dụ về nâng cấp kỹ thuật số của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc triển khai mạng 5G. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyển đổi các ngành công nghiệp truyền thống cũng quan trọng như phát triển các ngành công nghiệp mới.

Tiềm năng của khai thác thông minh

Huawei đã chuyển hướng sang các ngành công nghiệp khác bao gồm ô tô tự lái, nhà máy và hầm mỏ trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ khiến lợi nhuận của họ giảm 70% so với năm ngoái.

Tập đoàn nhanh chóng thành lập một số nhóm kinh doanh, được gọi là “juntuan” (quân đoàn) trong tiếng Trung, để phục vụ nhiều ngành công nghiệp như cảng biển và bệnh viện. Tuy nhiên, khai thác mỏ là ngành đầu tiên mà họ nhắm đến.

Xu Jun, giám đốc công nghệ thuộc đơn vị kinh doanh vận hành mỏ của Huawei, cho biết ngành công nghiệp khai thác than, vốn không nhận được sự quan tâm của ngành công nghệ trong nhiều năm, là “trái ngọt dễ hái” đối với tập đoàn.

Theo Shi Chao, người đứng đầu bộ phận khai thác thông minh tại mỏ than Hongliulin, việc nâng cấp công nghệ đã giúp cắt giảm một nửa số lượng công nhân dưới lòng đất và giảm đáng kể khối lượng công việc do họ chỉ cần can thiệp khi có vấn đề phát sinh.

“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hoàn toàn không có công nhân làm việc dưới lòng đất”, Shi nói với các phóng viên tại một sự kiện ở Trung Quốc.

Đỉnh cao ngành khai thác ở Trung Quốc: Ngồi phòng điều hòa trên mặt đất điều khiển “quái vật công nghệ” để đào vàng đen - Ảnh 4.

Một số công nhân khai thác trong mỏ than (Ảnh: Outlook).

Là quốc gia sản xuất than lớn nhất thế giới với 4.000 mỏ, Trung Quốc đặt mục tiêu biến các mỏ quy mô lớn và nguy hiểm nhất của mình trở nên “thông minh” vào năm 2025 và cuối cùng là triển khai hiện đại hóa cho tất cả các mỏ than vào năm 2035.

Hiện tại, hơn 1.000 mỏ than đang hoạt động tại đất nước tỷ dân đã được nâng cấp thông minh, với 620 triệu tấn sản lượng hàng năm. Theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, đến cuối năm 2022, tổng vốn đầu tư vào phát triển mỏ thông minh tại nước này đạt gần 200 tỷ nhân dân tệ (khoảng 27,6 tỷ USD).

Từ khi Trung Quốc bắt đầu kế hoạch phát triển 5G trên toàn quốc vào tháng 6/2019, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất của quốc gia này đã xây dựng mạng lưới 5G rộng khắp. 5G được coi là lực lượng mang tính cách mạng khi nói đến việc số hóa các ngành công nghiệp nặng truyền thống như khai thác mỏ, cảng biển và thép.

Một công ty nghiên cứu dự báo tỷ lệ tăng trưởng của công nghệ khai thác thông minh tại Trung Quốc sẽ tăng từ 15% năm 2021 lên 50% vào năm 2025. Thị trường này được dự đoán sẽ trị giá hơn 37 tỷ USD vào năm 2025.

Đối với các công ty, khai thác thông minh có thể cải thiện lợi nhuận của họ từ 7% đến 12% và lợi tức đầu tư từ 2% đến 3%, theo báo cáo của McKinsey & Company.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại