Với hàng loạt ca sĩ, nhóm nhạc sở hữu cả ngoại hình lẫn chuyên môn chất lượng, K-pop đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng âm nhạc quốc tế trong nhiều năm gần đây. Điều này giúp họ thu hút không ít fan hâm mộ trên toàn thế giới chứ không chỉ giới hạn ở thị trường Châu Á. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do này, nhiều cá nhân đã lợi dụng sức nóng của K-pop để trục lợi cho bản thân.
Mới đây, một tài khoản Twitter có tên @6irly (viết cách điệu của girly) - được cho là 1 nhóm nhạc K-pop mới sắp ra mắt, đã bị cư dân mạng vạch trần thân phận: Thực chất là không hề có cái tên 6irly trên bản đồ âm nhạc Hàn Quốc, tất cả chỉ là màn kịch giả mạo để câu tương tác của người dùng. Chỉ trong vòng 2 ngày lập tài khoản, @6irly đã nhanh chóng kiếm được hơn 2000 lượt theo dõi. Sau khi bị bóc phốt, chủ tài khoản này đã lập tức xóa bỏ toàn bộ bài viết trên Twitter, nhưng không thể tránh khỏi sự nhanh tay nhanh mắt của cộng đồng mạng.
Người dùng @95vore đã nhanh chóng vạch trần màn kịch của @6irly trên Twitter.
Người đầu tiên phát hiện ra màn kịch này là Sophi Barbarics, chủ tài khoản @95vore. Cô cho biết @6irly lần đầu đăng tải trên Twitter vào ngày 16/3 nhưng dưới cái tên @6irlfriend. Điều này giúp họ nhanh chóng gây chú ý đối với fan K-pop bởi “nhái theo” GFriend, một nhóm nhạc nữ đang cực kì hút fan tại Hàn Quốc. Cả 2 cái tên này đều có phát âm tương đối giống nhau - yeoja chingu. Vì tò mò xen lẫn chút phẫn nộ, rất nhiều người hâm mộ của GFriend đã lập tức bình luận vào bài tweet đầu tiên của @6irly (lúc này vẫn tên là @6irlfriend), và nghiễm nhiên giúp những kẻ giả mạo có được sự chú ý từ phía cộng đồng mạng.
Là 1 fan K-pop lâu năm, Sophi cho biết cô đã nghi ngờ ngay khi cái tên @6irlfriend/@6irly xuất hiện trên Twitter: “Tôi luôn cẩn trọng với những nhóm nhạc chưa debut mà đã hoạt động tích cực trên mạng xã hội, vì đây không phải lần đầu tiên có người lập tài khoản giả để trục lợi cá nhân”. Sau đó 1 ngày, họ đổi tên thành @6irly, công bố thành viên thứ 2 của nhóm và thậm chí còn viết tiểu sử nhóm trên trang Kprofiles không khác gì những idol chuyên nghiệp thực thụ.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi tìm hiểu thêm, Sophi phát hiện ra nhóm nhạc giả này thuộc quyền sở hữu của 1 công ty âm nhạc có tên JCM Entertaiment. Tuy nhiên, công ty này đã ngừng hoạt động online từ 4 năm trước sau khi nhóm nhạc của họ, 4L, tan rã vào năm 2016. Ngoài ra, bức ảnh thành viên Im Da-Eun mà @6irly tự tin công bố thực chất lại là Instagrammer @ryun__aa. Màn kịch của những kẻ giả mạo chính thức bị vạch trần.
@6irly khiến fan hâm mộ của GFriend phẫn nộ khi sử dụng cái tên giống với idol của họ.
Bức ảnh thành viên của @6irly thực chất lấy từ tài khoản của 1 Instagrammer vô danh ở Hàn Quốc.
Sau đó, @6irly đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình và cho biết họ chỉ muốn quảng bá cho một nhóm nhạc nữ “nugu” - thuật ngữ ám chỉ những nghệ sĩ nhỏ, ít người biết đến của Hàn Quốc. Sophi cho biết: “Vì họ bị bại lộ khá sớm nên có lẽ đây chỉ là 1 cú troll vô hại mà thôi, và họ cũng không được lợi ích gì ngoài việc lừa được 1 số người nhẹ dạ cả tin. Thế nhưng, nếu kéo dài trong khoảng 1 tuần, 2 tuần hay thậm chí là lâu hơn nữa, họ hoàn toàn có thể thu hút hơn 10.000 lượt theo dõi và bắt đầu kiếm lợi ích cho bản thân”. Vài giờ sau khi lên tiếng thanh minh, tài khoản @6irly chính thức bị xóa bỏ.
Tuy nhiên, những “dư chấn” mà @6irly để lại vẫn còn tồn tại trên rất nhiều website. Có người đã tạo những tài khoản Twitter cho các thành viên ảo của nhóm nhạc này, lập luôn cả trang web để cập nhật hoạt động của nhóm không khác gì 1 nghệ sĩ thực thụ. Các trang Kprofile hay Kpopping dù đã xóa bỏ hồ sơ thành viên của @6irly, nhưng khi tìm kiếm trên Google thì vẫn ra kết quả như thế này đây.
Nhiều trang web K-pop đã nhanh chóng lên tiểu sử thành viên của 6irly, nhưng sau đó phải lập tức xóa bỏ.
Như đã nêu trên, đây không phải lần đầu tiên các nhóm nhạc K-pop giả xuất hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, để đánh lừa fan hâm mộ. Trong năm 2016, 1 nhóm nhạc nữ có tên Lion Girls của công ty Hunus Entertainment đã bất ngờ gây chú ý trên cả Twitter lẫn Instaram, thậm chí còn được chuyên trang Soompi đưa tin liên tục. Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng kết thúc khi Hunus Entertainment thông báo họ không hề liên quan gì đến nhóm nhạc này cả.
Một sự việc đáng chú ý khác xảy ra vào tháng 4/2019 thậm chí còn có nhiều cú twist khó đỡ hơn, cho thấy sự khó lường khi sử dụng mạng xã hội. Đối tượng lần này là nhóm nhạc có tên Purplebeck, thuộc biên chế công ty Majesty Entertainment. Tài khoản Twitter của nhóm nhạc này tương tác với fan rất tốt, thậm chí còn follow lại họ một cách nhiệt tình. Tuy nhiên, đến ngày 11/7, một số bài tweet đã bất ngờ vạch trần thân phận giả của nhóm với dẫn chứng không hề tìm thấy thông tin công ty chủ quản của họ, khiến nhiều fan cho rằng đây lại là 1 cú lừa nữa.
Thế nhưng ngay sau đó, Majesty Entertainment đã lên tiếng đính chính vụ việc, khẳng định Purplebeck là nhóm nhạc mà họ đã debut vào tháng 6. Ngoài ra, họ cũng trích dẫn website chính thức của công ty, có đầy đủ thông tin liên hệ, đồng thời mong fan thông cảm vì trang web vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Tuy nhiên, sau những vụ thật giả lẫn lộn như vậy, nhiều fan K-pop giờ đây đã cực kì cảnh giác mỗi khi có nhóm nhạc mới xuất hiện trên mạng xã hội. Sophi chia sẻ những dấu hiệu nhận biết dễ dàng nhất chính là không có thông tin công ty chủ quản, sử dụng ảnh selfie của các “nghệ sĩ” để quảng bá thay vì chụp hình chuyên nghiệp hay sử dụng tiếng Hàn/tiếng Anh sai ngữ pháp quá nhiều.
Theo Insider