Hình ảnh minh họa: AP
Điều tồi tệ nhất đã qua đối với Việt Nam, khi đất nước dần mở cửa trở lại nhờ tỉ lệ tiêm chủng tiếp tục trên đà tăng nhanh và tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 giảm - đây là nhận định của nhà kinh tế học Chua Han Teng từ công ty Dịch vụ Tài chính DBS có trụ sở tại Singapore, vừa được đưa ra hôm 4/10.
Theo đánh giá của ông Chua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, trong khi các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục mở rộng.
Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế giảm 6,71% trong Quý III/2021, điều này phản ánh những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến các hoạt động thương mại, dịch vụ và sản xuất.
Nhà kinh tế học người Singapore cho biết: "Theo quan điểm của chúng tôi, mức giảm sâu trong Quý III khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam khó bật lại mức tăng 2,9% của năm ngoái, thấp hơn so với mục tiêu GDP của chính phủ Việt Nam là 6-6,5% cho năm nay".
Vì lẽ đó, DBS Group Research đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam từ 5,0% xuống 1,8%.
Hình ảnh minh họa: Financial Times
Dự báo tích cực cho năm 2022
Nhưng viễn cảnh năm 2022 có vẻ tươi sáng hơn rất nhiều đối với Việt Nam. DBS Group Research đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,0% so với 6,8% trước đó.
"Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực bán lẻ và giải trí sẽ tiếp tục phục hồi khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng hơn, và khả năng thích ứng sẽ được nâng cao hơn trong bối cảnh bình thường mới - sống chung với COVID-19. Trong Quý III/2021, doanh số bán lẻ, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, do đó các linh vực này có khả năng đồng thời phục hồi và tăng trưởng trong năm 2022" - theo ông Chua.
Sự phục hồi hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng nằm trong dự báo của ông Chua, khi Việt Nam đã bắt đầu mở lại các nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như yêu cầu xét nghiệm.
Tuy nhiên, việc phục hồi hoạt động của nhà máy sau thời gian đóng cửa sẽ mất thời gian và một số hoạt động sản xuất đã tạm thời được chuyển sang các địa điểm thay thế khác để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ông Chua lưu ý.
Theo dự báo của DBS, số hóa và áp dụng công nghệ - một yếu tố vượt trội trong bối cảnh đại dịch - được dự đoán sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh "bình thường mới.
Theo báo cáo về thương mại điện tử Đông Nam Á SEA 2020 của Google, Temasek và Bain e-Conomy, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, với khả năng mở rộng 29% trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kép hàng năm từ năm 2020 đến năm 2025, dự kiến đạt kỷ lục 52 tỷ USD vào năm Năm 2025.
Năm 2020, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong khối ASEAN-6, tăng 16% so với năm 2019.
Một điều đáng lưu ý là chính phủ Việt Nam đang tìm cách tăng cường vai trò của số hóa trong nền kinh tế trong 5 năm tới. Chính phủ đã phê duyệt chiến lược Chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia vào tháng 6 năm ngoái, và đang đặt mục tiêu mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số lên 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, từ mức 8,2% như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Chua, bộ phận dân số năng động của Việt Nam đang tụt hậu về kỹ năng số.
"Việt Nam có nhiều dư địa để nâng cao kỹ năng nhằm trang bị cho lực lượng lao động của mình những bí quyết công nghệ cần thiết, cùng với việc nâng cao trình độ học vấn đại học cho người lao động", ông nói. "Điều này không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà còn cho phép Việt Nam tiến lên chuỗi giá trị sản xuất và thu hút thêm nguồn vốn FDI"./.