Ngày 6/10, tờ Al Araby Al Jadeed đăng tải một bài viết với tựa đề “Liệu Nga có từ bỏ các thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ?”, trong đó tiết lộ thông tin rất đáng chú ý: Ankara đã yêu cầu các lực lượng của họ ở Syria phải sẵn sàng đón nhận hành động “gây hấn” từ Moscow nhằm trả đũa cho những gì đang diễn ra ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh.
Tờ báo trên dẫn ý kiến từ Mustafa Sejari, lãnh đạo Quân đội Quốc gia Syria (SNA) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng Nga đang có ý định phát động một chiến dịch quân sự ở phía Bắc Aleppo và phía Đông sông Euphrates tại Syria nếu như các cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh hoặc Libya có xu hướng leo thang căng thẳng.
Theo các nguồn tin của Mustafa Sejari thì Thổ Nhĩ Kỳ đang lo sợ Nga sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công ở Syria nhằm trả đũa cho sự can thiệp của Ankara vào khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.
Sejari không tiết lộ thông tin chi tiết về những ý định của Nga ở Idlib nhưng tờ Al Araby Al Jadeed không loại trừ sẽ xảy ra hành động "mang tính sức ép" như vậy, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Syria chưa bao giờ từ bỏ kế hoạch thu hồi toàn bộ tỉnh Idlib mà phần lớn diện tích vùng lãnh thổ này đang bị Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng liên minh chiếm đóng.
Hiện nay, các cuộc đụng độ quân sự giữa một bên là SNA thân Ankara và Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và một bên là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd chỉ huy vẫn tiếp tục diễn ra tại các khu vực phía Đông sông Euphrates, gần các thành phố Tal Abyad và Ras al-Ain.
Bài báo trên tờ Al Araby Al Jadeed viết: "Cả Nga và chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đều không cho thấy họ có ý định để mất vùng lãnh thổ này quan trọng này".
Một lính pháo binh Armenia tham chiến ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh
Các đơn vị Quân đội Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn và lực lượng ủy nhiệm của Iran vẫn đang tích cực tăng cường sức mạnh trên các giới tuyến ở phía Nam và phía Đông Idlib.
Theo Al Araby Al Jadeed, đây chính là lý do khiến Ankara và phe đối lập Syria đã phải đẩy mạnh nỗ lực chi viện cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib trong suốt hai tháng qua, đồng thời đã tái bố trí các đơn vị của SNA để chuẩn bị những diễn biến bất ngờ.
Ngày, 27/9, xung đột bất ngờ bùng phát ở vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa hai quốc gia láng giềng Armenia và Azerbaijan.
Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu sự ủng hộ của nước này đối với Azerbaijan. Hai quốc gia có quan hệ gần gũi về sắc tộc và ngôn ngữ, trong khi mối quan hệ của Ankara với Armenia đang bị đè nặng bởi việc Đế chế Ottoman năm 1915 đã giết hại khoảng 1,5 triệu người Armenia mà hầu hết các nhà sử học và một số quốc gia, gồm cả Mỹ, coi đó là tội ác diệt chủng. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ thuật ngữ này.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho Armenia về cuộc giao tranh mới và khẳng định "những người anh em Azerbaijan của chúng tôi hiện đang chờ đợi ngày họ trở về mảnh đất của mình".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm cho biết ông đã nắm được thông tin các chiến binh thánh chiến Syria đã quá cảnh qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới chiến đấu ở Nagorno-Karabakh.
Vai trò quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và Trung Đông đã gây ra xích mích không chỉ với các đồng minh NATO châu Âu mà còn với cả Nga. Nagorno-Karabakh chỉ càng tăng thêm sự tức giận.
Không đích danh nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Điện Kremlin cho biết, việc các tay súng từ Syria và Libya - hai quốc gia mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động, được triển khai tới Nagorno-Karabakh là “cực kỳ nguy hiểm”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Anadolu, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã phải thừa nhận Nga không chấp nhận đề xuất của Ankara Kỳ về “lựa chọn Syria” để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Nagorno-Karabakh.
Armenia tuyên bố bắn rơi thêm 3 máy bay của Azerbaijan